Đời học sinh – Quyển 4

Phần 62

2024-07-30 23:09:37

Phần 62
Tính ra tôi đi chợ với Ngọc Mi cũng được vài lần. Tuy nhiên, cảm giác so với lần đầu cũng không khác là bao. Bởi lẽ cái cảm giác đi chợ cùng nhau với tôi nó lạ lắm, vừa chộn rộn vừa rạo rực cứ như tôi đang dẫn con dâu về ra mắt cả họ hàng nội ngoại vậy.

Sỡ dĩ tôi so sánh như vậy là vì những bà bán hàng trong chợ ngoài nghề bán hàng ra còn kiêm luôn cả cái nghề thông tấn xã chợ đầu mối nữa, đặc biệt là đối với thằng con ông võ sư nhà gần chợ lâu năm như tôi thì cả cái xóm này ai cũng biết mặt.

Thật vậy, trước kia khi Hoàng Mai còn ở chung nhà với tôi, mỗi lần đi chợ đều được sự quan tâm sâu sắc của các “phóng đại viên” hàng thịt, hàng rau và các hàng cá các loại. Lần đầu còn thấy khó chịu khi đi đâu cũng bị hỏi về nhân thân của em như vậy. Nhưng mấy lần sau riết tôi cũng quen, ai hỏi gì cũng chìa cái mặt dày cả lớp ra cười hền hệt cho qua chuyện.

Nhưng lúc đó dù gì Hoàng Mai cũng là bạn gái của tôi nên tôi cũng không xoắn bất kì câu hỏi nào cả. Còn bây giờ với Ngọc Mi, mỗi lần bị các bà “phóng đại viên” hỏi, tôi cảm thấy có một chút nhồn nhột pha lẫn với cảm giác hơi sượng sượng không tả được.

Tôi cũng chả biết phải gọi là thích hay không thích nữa. Bởi thật ra những “phóng đại viên” này hỏi thì ít mà khen lại nhiều. Hễ con bé đi đến đâu là lại khen lấy khen để đến đấy, tôi vì thế cũng được dịp nở mũi trâu chui lọt.

– Hì, ở đây vui quá anh ha, ai cũng thân thiện! – Con bé nhìn tôi cười hiền.

Riêng tôi, tôi lại chẳng mảy may hứng thú:

– Thôi, hơi đâu nghe mấy bà đó nói!

Con bé lập tức nguýt dài:

– Vậy tức là em không có đẹp chứ gì?

– Bậy rồi, riêng điều đó thì đúng, hề hề!

– Hì, đúng là chỉ giỏi nịnh! – Con bé che miệng cười duyên dáng.

Chắc có lẽ do sợ chân tôi vẫn còn đau nên con bé không dám đưa cho tôi xách hộ bất cứ thứ gì kể cả một bó rau. Việc mà tôi vẫn luôn đảm nhiệm mỗi khi đi chợ với bất cứ cô gái nào, dù là Hoàng Mai hay nhỏ Nhung.

Lúc đầu chỉ là một giỏ thịt nên Ngọc Mi vẫn đi chợ không một chút khó khăn gì. Lúc sau thêm giỏ cá tươi, con bé vẫn ung dung tiến bước. Lại thêm một bó rau muống, với đôi tay nhỏ nhắn, con bé gặp một chút khó khăn khi cả hai tay đều phải xách đồ kệ nệ.

Lúc này những bà hàng bắt đầu nhìn tôi với đôi mắt dèm pha. Nhưng với chiếc chân bó bột, tôi hoàn toàn có thể chối bỏ những lời dị nghị này một cách chính đáng.

Mặt trời đang dần lên đến đỉnh đầu, bóng hình của tôi chỉ là một cục tròn nhỏ sát chân với đôi bàn tay đung đưa thoải mái. Nhưng với Ngọc Mi, còn có bóng của những giỏ rau củ, thịt cá đi kèm hai bên, thậm chí bóng của những giỏ đồ đó còn to hơn cả cái bóng bé xíu của con bé.

Tôi không biết mồ hôi đã đổ trên trán của con bé từ lúc nào, nó đã chảy dài xuống đôi má hây hây đỏ của con bé rồi được cánh tay yếu ớt của nó lau đi vội vã.

Tự nhiên tôi cảm thấy mình chỉ là một người vô hình cứ lẻo đẻo theo sau Ngọc Mi. Cảm giác rằng nó chỉ đi chợ một mình mà không có sự diện hình nào của tôi ở sau. Tôi thấy thương nó quá chừng!

Mọi việc chỉ lên đến đỉnh điểm khi con bé quay sang hỏi tôi món tráng miệng:

– Trời nóng thế này ăn dưa hấu cho mát anh nhỉ?

Tôi bối rối nhìn giỏ đồ lịnh kịnh trên tay con bé:

– Ừm… thôi, nhiêu đây cũng được rồi! Chắc nhà thằng Toàn cũng có mà!

Rất nhanh, con bé đã đi guốc trong bụng tôi:

– Hì, anh sợ em xách nặng à? Khờ quá, em khỏe mạnh lắm đó chứ không có yếu ớt đâu nha!

Nếu là bình thường, con bé chắc chắn sẽ lừa được tôi dễ dàng bằng sự thông minh của mình. Nhưng lần này những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, cộng với những ngón tay líu ríu cố gắng bấu chặt lấy quai của giỏ đồ đã phản bội lại nó.

Và không nói không rằng, tôi khom xuống với lấy những giỏ đồ trên tay con bé làm nó tròn mắt:

– Anh Phong…

– Em cứ tiếp tục đi chợ đi, để anh giúp em!

Con bé ái ngại:

– Nhưng chân của anh…

Tôi vỗ ngực:

– Không sao cả, chân của anh vẫn ổn mà! Mấy giỏ đồ này nhằm nhò gì!

– Cảm ơn anh nha!

– Hề hề, em không cần phải khách sáo!

– Có vẻ chân của anh dần khỏe lại rồi nhỉ?

– Ừ, khỏe như voi!

Ngọc Mi vẫn mỉm cười, nhưng không hiểu sao tôi lại cảm thấy một sự đượm buồn kéo theo nụ cười duyên dáng đó. Nhưng vụt qua cũng nhanh như lúc nó đến, vẻ đượm buồn đó chợt bốc hơi đi thế chỗ cho nụ cười tỏa nắng như mọi thường:

– Mình đi mua dưa hấu nha anh?

– Ừ đi thôi em!

Bọn tôi đến nhà Toàn phởn vào đầu giờ trưa. Như thường lệ, xe của tụi nó đã dựng đầy trước sân, chỉ khác một chút là không có tiếng cười nói nào cả, cảnh vật êm đềm đến lạ thường.

Tôi đưa tay nhấn chuông cửa:

– Kính coong…

– Ê, thằng Phong tới rồi kìa bây! – Giọng của Phú nổ từ đâu vọng lên.

Theo phản xạ tôi giật mình nhìn dáo dác xung quanh tìm kiếm tụi nó nhưng mặc nhiên không có ai ngoài thềm, cũng không có ai trong nhà. Chỉ đến khi con bé Mi giật tay áo tôi chỉ lên trên thì tôi mới ngỡ ra tụi nó đang ở ban công tầng thượng nhìn xuống tụi tôi.

– Mày đợi chút tao xuống mở cổng cho! – Khanh khờ tiếp lời rồi khuất sau ban công.

Đúng thật, cái ban công là chỗ đẹp nhất nhà Toàn phởn. Bọn tôi ai nấy cũng đều muốn lên đó hóng gió mỗi khi rảnh rỗi. Và nếu được thì tôi cũng sẵn sàng đem cái võng nhà mình lên mắc trên ban công nhà nó ngủ cho mát mỗi trưa buổi trưa hè oi ả như thế này.

– Sao sao, mua đồ ăn rồi hả? – Khanh khờ mắt láo lia nhìn vào giỏ đồ của bọn tôi khi mới vừa mở cổng.

Ngay lập tức tôi xua tay:

– Xùy xùy, đồ ăn chưa có nấu, nhìn mất ngon bây giờ!

– Xời, làm thấy ghê, tao thèm vào!

– Vậy lát đừng có ăn nghen!

– Ớ hề hề, giỡn tý mà! Tụi bây vào đi thằng Toàn với nhỏ Phương đang nấu trong bếp đó! – Khanh khờ cười khì đứng nép sang một bên cổng cho bọn tôi vào.

Không cần Khanh khờ phải nói, vừa vào đến nhà, tôi đã nghe tiếng lèo xèo cộng với mùi đồ ăn bây phảng phất từ trong bếp. Ngọc Mi bỗng quay sang tôi mỉm cười:

– Tới đây được rồi, anh đưa giỏ đồ ăn cho em rồi ngồi xuống ghế nghỉ đi!

Tôi giấu nhẹm giỏ đồ ra đằng sau để con bé không với tới:

– Thôi, để anh vào phụ gì được thì phụ!

Con bé mỉm cười lắc đầu:

– Nấu ăn mà anh phụ được gì đâu!

Tôi vẫn cương quyết:

– Cứ cho anh phụ đi, rửa chén hay gì cũng được!

Cuối cùng thì con bé cũng chịu thua sự cứng đầu của tôi, nó thở hắc:

– Thôi được rồi, nhưng nhớ phải cẩn thận đó nghen!

– Ừa hề hề!

Tôi và Ngọc Mi vào bếp khi bé Phương đang nấu món canh và Toàn phởn thì đang trút chảo cơm chiên dương châu ra dĩa. Thấy bọn tôi, Toàn phởn đã trêu đểu:

– Ô, cặp vợ chồng son về rồi kìa!

Tôi lúng túng gắt:

– Vợ chồng cái đầu mày, nấu ăn đến đâu rồi!

Bé Phương đang nấu canh cũng quay đầu ra:

– Hì, gần xong rồi đó anh, em đang nấu canh nè!

Ngọc Mi lập tức xách giỏ đồ đến đặt xuống gian bếp:

– Em mua đồ về rồi đây, để em nấu luôn cho kịp! – Rồi nó quay sang tôi – Anh Phong ngồi nói chuyện với anh Toàn đi, khi nào cần em gọi, nha!

Nghe Ngọc Mi nói vậy, tôi yên tâm ngồi xuống, hong cái lưng áo ướt nhẹp mồ hôi trước cái quạt đang mở vù vù trong bếp. Thấy dĩa cơm chiên thơm nức mũi, tôi chợt đánh ực một cái bụng bỗng kêu rồn rột lên.

Toàn phởn kéo dĩa cơm về phía nó, đểu mặt.

– Giữ nguyên hiện trường nghen, chưa tới giờ ăn đâu!

Tôi biểu môi thở phì một cái:

– Xì, tao chỉ ngắm xíu thôi mà làm ghê!

Toàn phởn bỗng quay về phía bếp như ngó chừng Ngọc Mi và bé Phương, nó kéo tôi lên nhà trên:

– Sao, thấy hài lòng về hiện tại rồi à?

Tôi ngệch mặt:

– Mày nói gì, tao chưa hiểu?

– Chắc mày quên Lanna rồi hen?

Tôi chối phắt:

– Làm gì có chuyện đó!

Toàn phởn vẫn dồn tới:

– Tao thấy mày có vẻ vui khi đi với Noemi mà!

– Nhưng hai chuyện đó không liên quan đến nhau! Tao đi chơi với Noemi không đồng nghĩa với việc tao không yêu Lanna!

Tưởng chừng Toàn phởn sẽ bớt nói đi sau khi tôi đứng dậy đe cho nó một câu. Nhưng không, chẳng những nó không chịu im, mặt nó càng phởn lên bạo:

– Nghe như mày muốn bắt cá hai tay vậy! Nào là vừa đi chơi với cô em, lại vừa yêu cô chị! Chậc chậc, ghê nghen!

Tôi nổi sùng:

– Mày im đi, không phải người trong cuộc sao mà hiểu được chứ!

– Nè mấy anh làm gì mà ồn ào vậy, để bọn em tập trung nấu ăn chứ!

Ngọc Mi đột nhiên lên tiếng từ phía bếp làm bọn tôi giật mình, kết thúc luôn cả cuộc nói chuyện.

Toàn phởn nói vọng về sau:

– À hề hề, bọn anh chỉ nói chuyện tý thôi! Không có chuyện gì đâu!

Nói xong, Toàn phởn không màng đến tôi, nó chỉ tò tò đi đến chiếc tủ TV, xếp lại mấy bức tượng như trêu ngươi cái thằng đang nóng hừng hực như tôi.

Sốt ruột, tôi buột miệng:

– Sao mày lại hỏi tao chuyện này?

Toàn phởn không trả lời ngay, nó đủng đỉnh ngồi vào ghế sofa cười:

– Thì có gì đâu, tao đang tò mò về cách giải quyết của mày thôi!

– Chuyện của tao có gì đâu mà tò với mò, cũng rắc rối như đó giờ thôi!

– Bởi thế nên tao mới chờ xem kết cục của chuyện này sẽ đi đến đâu đấy!

– Xì, mày cũng ít có rảnh lắm!

– Chuyện, nếu không rảnh thì từ đó tới giờ tao giúp mày làm gì, hế hế!

– Uầy, tao thua!

– Hề hề, thôi mọi chuyện cứ để sau! Cứ lo việc ở hiện tại trước đã!

Toàn phởn vỗ vai tôi cười sảng khoái với câu nói đầy ẩn ý.

Thực sự thì nó nói đúng. Câu nói của tôi lúc nãy không khác gì một thằng sở khanh muốn bắt cá cả hai tay. Nhưng trong hoàn cảnh như thế này, tôi biết xử lí ra làm sao? Tôi không thể bỏ mặc con bé như cái kế hoạch đã từng thất bại ê chề trước đây được.

Ngọc Mi là một cô gái tốt, vừa xinh đẹp lại vừa thông minh, chu đáo. Tôi chắc chắn nếu cứ tiếp xúc với con bé như thế này, một ngày nào đó tôi sẽ thực sự yêu con bé lúc nào không hay. Tôi sợ điều đó sẽ xảy ra hơn bất cứ điều gì trên đời.

Nhưng tôi là một người rất trọng lời hứa, tôi đã hứa với con bé là sẽ cố hết sức làm cho nó vui cho dù chỉ là hiện tại. Và chắc chắn tôi sẽ không bao giờ thất hứa điều đó.

Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro

Nhận xét của độc giả về truyện Đời học sinh – Quyển 4

Số ký tự: 0