Phần 56
2023-05-27 08:33:00
Hôm nay, có hai sự tình cờ khiến cho tôi lại phải ngồi kể câu chuyện này cho bà con nghe.
Thứ nhất, hôm nay là lễ hội ma quỷ, thứ hai là đêm qua tôi gặp lại người bạn cũ, và nghe anh kể về câu chuyện của gia đình anh.
Đây là một câu chuyện lạ lùng, chuyện của gia đình một người bạn tôi, anh tên Độ Tử Sâm(nghĩa của tiếng Hoa là Đứa con quý báu) anh đang làm việc tại Bắc Kinh, câu chuyện này xảy ra tại quê hương của anh, khu Bát Đạt Lĩnh, thuộc huyện Yên Sơn tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Cách đây hơn 8 năm, trong một chuyến lang thang, tôi cùng hai người bạn có ghé tận vào nơi xảy ra chuyện này, vào nhà của cha mẹ Tử Sâm thăm những người họ hàng trong gia đình anh, nơi này giáp với Bình nguyên Hoa Bắc, nhiều sườn núi và thung lũng rất đẹp.
Nhà anh ở khu làng Nãn Di, nằm ngay bên một sườn núi thấp trải dài, phía trước có con sông nhỏ, dân địa phương nói nó có tên là Tử Sơn chảy ra phía đập Tiểu lãng Để, trước khi chảy vào Bình nguyên Hoa Bắc.
Người dân ở đây có nghề chính là trồng bông, ngoài ra họ còn chăn nuôi gia súc và trồng lúa mỳ, lúa miến, rau củ… vv, nơi này mùa đông rất lạnh, tuyết rơi và nhiệt độ xuống thấp…
Gia đình Tử Sâm ở đó đã mấy đời, tới anh là đời thứ 6, một ngôi nhà cổ vừa có tường đá vừa có gỗ, lại hai tầng, mái gỗ… trông như những ngôi nhà ở vùng núi của Nga ngày trước.
Trước đó, tôi có nghe Sâm kể về câu chuyện của gia đình mình và cho xem nhiều tấm hình cùng cả những đoạn video… nhưng thú thật, nếu là người khác mà không phải Tử Sâm, chắc có lẽ câu chuyện này rất khó thuyết phục tôi, vì nhiều chi tiết rất hoang đường và bí ẩn, tuy nhiên anh là một người đáng kính, chuẩn mực và rất ít nói hay tâm sự với ai, chỉ vì có duyên nên anh mới kể cho tôi nghe, với một giọng nói như thì thào cùng ánh mắt vẫn còn nét hoang mang pha chút sợ hãi trong đêm…
Gia đình Sâm cũng như nhiều gia đình người TQ, tam đại đồng đường hay tứ đại đồng đường là hết sức bình thường, người TQ thường thích lối sống quần tụ như vậy, nên hàng năm cứ mỗi khi Tết đến là lại có những cuộc di cư khủng khiếp “về quê sum họp” người dân đi làm xa trở về quê cảm giác như cả trái đất bị lệch tâm vì dòng người và phương tiện ở TQ di cư vậy…
Cha mẹ Sâm lúc câu chuyện xảy ra thì vẫn còn sống, ông bà đã mất vào năm 99 và 2004.
Lần đầu 2006, kể câu chuyện gia đình anh với tôi anh vẫn khá dè dặt, nhưng sau khi biết tôi đã vượt hàng ngàn cây số đến tận ngôi nhà quê hương của anh năm 2013, thắp nhang và vái cha mẹ anh, anh rất sửng sốt và cảm động, người TQ có gốc “nhà quê” thường vậy, với họ dường như đó là sự thịnh tình đặc biệt, nhất là khi tôi ghé quê anh dù vẫn biết anh không có ở đó.
Sau lần đó thì anh khác hẳn, và đêm qua, anh không còn dè dặt khi kể hết câu chuyện của gia đình anh với tôi, chi tiết nhất mà anh đã thấy bằng đôi mắt của mình.
Ông bà nội anh cùng gia đình anh và những anh em cùng họ hàng anh đều sống ở khu nhà đó, nhà nào xa lắm cũng chỉ vài trăm mét chưa tới một cây số, đó là ngôi làng khá cổ và cũ kỹ yên bình.
Ông nội của anh có một người chị gái rồi tới ông, dưới còn hai người em trai, tất cả đều đã mất, chỉ còn ông và người chị gái. Người chị gái của ông nội anh theo như ở ta thì anh phải gọi là bà bá, bà là một người như anh nói và qua vài tấm hình đen trắng anh chụp lại cho tôi xem, thì đó là một người đàn bà khá đẹp, cân đối… tuy nhiên, vì lý do nào đó thì ngay cả anh cũng không biết, bà bá đó không lập gia đình. Thời trẻ thì bà học tại trường nữ sinh họa Cương, hình như là giống như kiểu trường Đồng Khánh, Huế của ta ngày xưa… học xong thì bà lại về chăm sóc cha mẹ và các em trai, trong đó có ông nội anh, TQ thì trọng nam khinh nữ nên rất nhiều đàn bà như vậy, học chỉ để cho có và có học là may lắm rồi…
Ngày đó nhà cụ anh nuôi rất nhiều dê, và trồng bông, do ngày xưa chưa có quy hoạch nông thôn nên mùa vụ đời sống còn nhiều khó khăn, nơi đó thường xuyên bị lũ lụt tràn qua, công việc chính của bà bá anh là chăn dê.
Tới khi ông nội anh lên chức ông nội, bà bác đã già lắm rồi nhưng vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh, bà cũng vẫn đi chăn dê cùng các cháu trong đó có anh… ngày ngày lùa dê đi vào những vùng hoang vắng hay bờ sông cho dê ăn.
Khởi đầu cho câu chuyện kỳ lạ này đầu tiên là từ một con dê, nó là con dê đực đầu đàn, rất to, lông dài và hung hãn… ban đầu thì không ai để ý, tới khi giết nó rồi người ta mới thấy con dê này hơi khác những con dê khác, đó là loài dê sừng xoắn, nhưng sừng con dê này lại như sừng bò rừng và rất dài, tính nết nó dữ tợn và mắt luôn long sòng sọc, mọi người từng nhìn thấy đôi mắt loài dê rồi thì biết, nó dữ hơn bất cứ loài gia súc nào từ trâu, bò, cừu, chó lợn hay lạc đà… vv…
Lần đầu tiên thấy sự việc lạ lùng là một người em gái của anh Sâm, tên là Liễn Hạ (tôi cũng đã gặp chị này, chị giờ là giáo viên tiểu học) buổi chiều khi đàn dê về thì phải có người hỗ trợ khi lùa chúng vào chuồng nhốt. Hôm đó mùa đông, trời khá lạnh và âm u, khi chị Hạ chạy ra đón bầy dê về từ phía thung lũng, thì chị bỗng thấy hai cái bóng, một là bà bác đi phía trước, phía sau bà bác chừng mấy chục mét là một cái bóng cao hơn đen thui và dáng khá kỳ lạ… tới gần khi nhìn rõ, chị Hạ bật cười thích thú, vì lúc đó còn nhỏ và chưa hiểu chuyện gì, nhưng cũng như ta thôi, nuôi con chó mà bỗng một ngày không ai dạy nó bỗng biết đi như người thì trẻ con ai chả khoái… con dê đực đầu đàn, mọi hôm hay đi đầu, hôm đó đi cuối… và nó đi bằng hai chân như người, hai chân trước khuỳnh khuỳnh… mặt hơi ngửa ra.
Bà bác thấy chị Hạ cười thì quay lại nhìn, thấy lạ bà lấy gậy đập con dê thì nó không đi như vậy nữa và trở lại đi bằng bốn chân.
Vài lần sau đó thỉnh thoảng sự việc này lại tiếp diễn, và chị Hạ có nói với anh Sâm, anh lúc đó đang bận học cũng bỏ sách vở buổi chiều chạy đi lùa dê và anh cũng chứng kiến con dê đi kiểu đó cả chục lần, mấy đứa trẻ rất thích thú vỗ tay hò reo vui lắm…
Rồi một hôm, mẹ anh nói với cha anh, dạo này có cáo chồn gì đó về bắt gà, gà mất rất nhiều… cha anh xem xét và thấy lạ, vì toàn mất gà con nhỏ nhỏ chứ không phải gà to, chuột thì không dám bắt vì chó rất nhiều, còn cáo chồn thì chúng thường vồ gà to hơn…
Rồi một lần tầm nửa đêm gần sáng, cả nhà anh thức giấc vì tiếng la hét của bà bá… thì ra đêm nghe tiếng gà kêu bà bá dậy xách cây đèn ra coi, con dê đực đang nhồm nhoàm nhai mấy con gà con như nhai cỏ, bà thất kinh vì dê xưa nay nó ăn rất tạp, từ gỗ tới củi khô thậm chí lá han lá sơn hay lá ngón nó cũng không ngán, nhưng chưa từng bao giờ ai thấy dê ăn thịt gà…
Cha anh và anh bắt đầu rình đêm xem.
Một lần trời mưa, đàn dê bị lùa về sớm, xẩm tối khi nhìn ra phía bãi nhốt dê, cha anh bỗng giật mình khi thấy con dê đực đó đi bằng hai chân, người nó ngửa ra phía sau như người bụng chửa bước đi, ông gọi anh xách cây đèn ra, và cả hai cha con anh cùng chứng kiến từ đầu tới đuôi sự việc kinh dị, con dê cứ đi vậy ở cửa chuồng, những con chó thấy lạ quá bu lại sủa, con dê bỗng dừng lại không bước nữa và đứng im, hai chân trước nó vắt ra sau lưng như người và nhìn những con chó đang bu quanh nó sủa, rồi nhanh như chớp nó nhoài xuống vồ lấy con chó gần nó nhất và nhanh chóng cắn con chó chết, chưa dừng lại, sau khi cắn con chó chết thì nó bắt đầu ăn thịt con chó… cha con anh vội chạy vào gọi thêm các chú ra, mọi người cùng chạy ra và cùng chứng kiến cảnh tượng con dê xé xác con chó và ăn như những loài thú ăn thịt ăn mồi, điều kinh hãi là nó ngồi trên hai chân và ngửa cổ nhai, chứ không đứng bốn chân.
Chú anh quá sợ hãi chạy ra gọi phó thôn, ông phó thôn cho dân quân vào, do thôn bản của TQ to như huyện của ta chứ không bé, dân quân vào và cha anh nhờ họ bắn hạ con dê đó.
Tới lúc thịt con dê thì thấy cả lông gà trong bụng nó, cha anh nghe mấy người già nói nên không dám ăn thịt con dê là đem ra sông vứt cho cá ăn, có một điều lạ nữa là con dê này có những chiếc răng nhọn và cả răng như răng nanh…
Sau đó chừng hơn một tháng thì, bà bá anh đi chăn dê về lại kể, một con dê đực khác lại đứng lên đi hai chân trong rừng, và nó không ăn cỏ mà chỉ đứng nhìn bà bá trừng trừng rồi thở phì phì rất hung dữ.
Sự việc tương tự giống con dê kia, đêm về con dê này lại vồ gà con ăn như ăn cỏ, cha anh lại phải giết nó, và mẹ anh đi hỏi những người già trong thôn, có người khuyên nên mời thầy về cúng ma… chưa kịp mời thầy cúng thì đêm hôm sau nữa lại một chuyện như vậy xảy ra, một con dê đực khác đã vồ lấy hai con dê con vừa được dê mẹ đẻ ra và ăn thịt luôn tại chỗ, nó còn lao vào cắn cả con dê cái khốn khổ kia gần chết…
Lần này to chuyện, nhà anh phải mời thầy cúng về cúng ma, cúng tế dấm dúi tới hai ngày, cuối cùng ông thày cúng cho biết, thứ nhập vào con dê kia là một con… quỷ, nó đã đi rồi, nhưng đề phòng nó sẽ quay lại, và ông thầy cúng không đủ tài để “trấn” được nó.
Chẳng rõ thực hư ra sao vì mọi người chỉ thấy là con dê ăn thịt thôi, và nó vẫn là con dê chứ không thay hình đổi dạng gì hết, nên mọi người khá lo lắng hoang mang.
Rồi họa lớn hơn ập tới.
Một hôm người ta chạy về báo nhà anh là bà bác đi chăn dê bị chết đuối rồi, cả nhà anh vội chạy ra sông, người ta đã kéo được xác bà bá lên, ai cũng nghĩ bà đã chết rồi họ nói mang về chuẩn bị làm đám ma. Thế nhưng khi khiêng bà bá về chưa tới cổng nhà thì bà bá chợt tỉnh lại, nôn ra cả nước lẫn bùn… mọi người đều mừng rỡ, ai cũng nghĩ thật may mắn và bà cao số nên thoát chết.
Nhưng sự quái gở mới chỉ bắt đầu.
Từ lúc bị nạn xong sống lại, bà bác bỗng thay đổi tâm tính, bà không nói gì gần như cả ngày, mắt thì luôn đảo ngang đảo dọc như tìm kiếm đồ vật gì đó, và ăn rất nhiều, vớ gì ăn đó, thứ gì bà không thích thì bà nhả ra khỏi miệng và gầm lên chửi con cháu, tới bữa ăn có khi bà đứng lên giành cả của con cháu để ăn, rồi bà đòi con cháu mua cho bà áo gấm đỏ để mặc, thường những người già thượng thọ mới được mặc áo đó theo phong tục địa phương.
Khi đó, một người anh của anh Sâm mới lấy vợ, và có lần chị dâu anh rất sợ hãi kể với cả nhà là thấy cả bà bá ăn cả băng vệ sinh, lẫn phân của cháu nhỏ nữa… mà lạ là ban ngày bà thường ra khỏi nhà bỏ đi đâu đó, cứ về là bà lục tìm thức ăn và thường ăn bốc bằng tay, nhưng dù không có mặt trong nhà thường xuyên nhưng dường như bà vẫn nghe được ai nói xấu gì mình, tới bữa cơm có lúc bà không ăn chỉ ngồi gườm gườm nhìn con cháu và lôi chuyện mọi người nói gì bà ra để rủa, bà rủa xả con cháu bằng những từ cay độc nhất, một điều mà trước đây chưa hề xảy ra, vì tính bà rất hiền và cam chịu, như bao người đàn bà TQ thời đó, suốt ngày chỉ lao động như trâu bò từ sáng tới tận đêm khuya…
Từ khi đổi tính thì bà không làm gì nữa, suốt ngày đi khỏi nhà mà chẳng ai biết đi đâu, cha anh và chú anh nhiều lần đi theo rình thì đều bị bà nấp ở góc tường nào đó, ngôi làng có con đường đá và hai bên là nhà nên có nhiều góc khuất, bà xồ ra và chửi rủa con cháu đi theo làm gì.
Khi về nhà thì bà chỉ tìm đồ ăn và chửi con cháu nói xấu bà, ban đầu mọi người lạ và có cả mâu thuẫn nghi ngờ nhau đã đem chuyện nói lại với bà bá để bà biết, sau họ mới vỡ lẽ ra bà như yêu quỷ khi không có mặt ở nhà mà vẫn có thể biết ai nói gì mình, thậm chí đêm xuống bà còn biết ai đang nghĩ gì về mình và chửi ầm ĩ khiến người mới chỉ có ý nghĩ trong đầu kia hoang mang lạnh sống lưng luôn.
Rồi bà không chịu tắm rửa tóc và móng chân tay mọc ra rất nhanh, và như đen trở lại, lông mày cũng đen lại, răng cũng mọc thêm…
Vài lần cả nhà anh không chịu nổi nữa bàn nhau mời thầy cúng, cúng bái ở TQ và những việc liên quan tới lễ lạt, tâm linh bị coi như hành động tội phạm và chính quyền có thể bỏ tù…
Nên việc cúng kiếng chỉ diễn ra trong đêm và thật kín đáo, khi đang cúng thì hai ông thầy cúng chợt nằm vật ra như trúng đạn, một ông đổ máu mồm máu mũi, một ông thì lơ ngơ suốt quãng đời về sau, ông đổ máu mũi thì về nhà được dăm hôm thì chết trong khi nằm ngủ…
Cha anh đành phải nhờ tới thôn, thôn cho tới chục dân quân vào mới bắt trói được bà bá và đưa đi trại tâm thần Viễn An để nhốt và chữa chạy.
Một đêm mùa đông cả nhà anh đang ăn cơm tối thì đột nhiên giật mình rụng rời khi thấy bà bá đứng ở cửa, vẫn dáng lòm khòm hay tay chắp đít, bà chửi rủa chúng mày ăn mà không cho tao ăn, không nhớ đến tao, khi con cháu ra mời bà vào ăn thì bà bà bỏ đi ra thẳng cổng, trước khi ra cổng còn nói ngày mai mang quần áo đỏ lên trại cho tao…
Hôm sau cha anh cùng anh và một ông chú lên trại thăm thì mới té ngửa biết bà đã mất tròn ba ngày, trại không thể báo thông tin về địa phương vì khi vào đây ở thôn mang lên khai lý lịch tuổi tên một đằng thì bà khai lại một nẻo, bà phủ nhận hết mọi thông tin cũ và nói tên thật bà là Chu Tiểu Miêu (con mèo nhỏ) ở Môn Hạp, An Huy… cách nơi đó mấy trăm cây số, khi những người ở trại bảo trợ liên lạc về thì địa phương kia nói không ai có tên như vậy, có người trùng tên thì lại chết lâu rồi…
Kinh hãi và lạ lùng nhất là khi gia đình bốc xác đem về cải táng, cái xác chỉ mới chôn được vài ngày mà đã thối rữa màu đen xịt, xương đã róc hết và tóc lơ thơ bạc trắng, răng trong miệng cũng rụng gần hết… nó như là một người khác, nếu không có vết sẹo do bà bá còn nhỏ đứng xem người ta đập đá xây nhà bà bị một mảnh đá nhỏ bắn vào trán để lại vết thương chạm xương, một chiếc răng cửa bên phải bị vỡ một mảnh, và mất một đốt chân do bị nhiễm trùng phải cắt bỏ thì có lẽ người nhà anh nghĩ là nhầm xác.
Tất cả đồ dùng vật dụng chôn theo thì đúng là của bà bá.
Khi bốc về chôn cất, có tới sáu người rất khỏe mới khênh nổi chiếc hòm vì nó nặng một cách lạ lùng, và khi bốc thì những người chuyên làm nghề bốc xác kiểu đó nói, cái xác này thật lạ vì mùi thối kinh khủng và nó phân huỷ ra một màu đen xì như hắc ín vậy.
… Bạn đang đọc truyện Chuyện đời lính tại nguồn: http://bimdep.vip/chuyen-doi-linh/
Toàn bộ câu chuyện này xảy ra tôi không được thấy tận mắt, nhưng nhiều tình tiết tôi được nghe từ người thân nhà anh Sâm, cùng hai người hàng xóm nhà anh đã già và từ chính anh Sâm kể lại. Tôi cũng đến tận ngôi nhà đó và lên xem ngôi mộ của bà bá đó, ngôi mộ chất đầy đá đen và phía cuối có đóng một cái cọc sắt sâu xuống phía dưới, nghe anh nói và phải bới cỏ tìm kỹ mới thấy cái cọc đó.
Tôi cũng nhìn thấy nhiều đồ vật khi sống bà bá đó thường dùng, và cả hai tấm ảnh của bà ngày trước.
Câu chuyện này thật khó tin, nhưng tôi tin người trong cuộc kể lại từ miệng họ, vì anh là người đàng hoàng đáng kính nên anh chẳng dựng câu chuyện này lên để dối trá lừa lọc gì một kẻ vớ vẩn như tôi.
Tin hay không thì tùy bạn, vì tôi chỉ viết lại cho mọi người đọc cho vui trong ngày lễ ma quỷ này thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro