Hành trình tuổi thơ

Phần 105

2024-08-02 21:00:39

Phần 105
Đến sáng hôm sau tôi được xuất viện. Quả là không ở đâu thoải mái bằng ở nhà.

– Nhỏ: Anh nằm yên đó đi, nằm nghỉ vài ngày cho lành hẳn. – Nhỏ đứng chống nạnh lườm tôi khi tôi vừa định ngồi dậy.

– Nằm mãi khó chịu lắm.

– Không được, anh nằm yên đó em lấy cháo lên cho ăn.

– Ừm – Tôi thở dài.

Hôm sau, lúc tôi nằm một mình ở nhà đang chán thì nhỏ Trúc chạy sang tìm tôi.

– Tìm tui hả?

– Trúc: Ừm.

– Ngồi đi, giấu cái gì sau lưng vậy?

– À… ừm… là cái này. – Nhỏ này đưa ra một đĩa sôcôla.

– Tặng tui á?

– Ừm, tui mới làm. Ông ăn thử rồi cho tui ý kiến.

– Ừ. – Tôi với tay bẻ một miếng ăn thử. – Ừm…

– Thế nào? – Nhỏ này tròn mắt nhìn tôi.

– Ngon đấy, nhưng…

– Nhưng làm sao?

– Hình như là hơi ngọt.

– Vậy hả? Tui cho lỡ tay à ta?

– Ừ, bữa sau làm cho ít đường chút, sôcôla đắng đắng ăn mới ngon.

– Ừ, hìhì. – Nhỏ này cười tươi rói. Hai đứa đang ngồi nói chuyện thì có tiếng nhí nhố ngoài sân. Chắc là bọn thằng Trung vì tôi nghe được cái giọng vịt đực có 1 không 2 của thằng Hiếu.

– Bọn tao đến thăm mày nè. – Thằng Trung bước vào. – Ơ… Trúc cũng ở đây hả?

– Tui vừa qua có chút chuyện thôi, mấy ông nói chuyện đi, tui về đây. – Nói xong nhỏ Trúc đứng dậy đi về luôn.

Lúc nhỏ Trúc cầm đĩa sôcôla đi ra thì thằng Trung đơ người đứng nhìn theo nhỏ Trúc và cũng từ lúc đó mặt nó ỉu như cơm nguội không thèm nói với tôi câu nào. Cho đến lúc bọn thằng Hiếu kéo về được một lát thì thẳng Trung mới nói:

– Trung: M… mày với Trúc… là thế nào?

– Chỉ là bạn bình thường thôi.

– Bình thường?

– Tao nói thật, bọn tao chẳng có gì cả.

– Mày không cần giấu tao đâu. Từ trước đến nay Trúc chưa hề đối tốt với ai như mày, kể cả tao. Cũng chưa từng chịu để ai bắt nạt, chưa bênh ai ngoài tao, chưa từng đi chơi vào buổi tối. Nhưng từ khi Trúc quen mày thì lại khác. Thế nên mày đừng làm tổn thương Trúc, hãy chăm sóc quan tâm Trúc. Tao… tao chúc…

Chưa đợi nó nói hết, tôi ngắt lời ngay.

– Mày biết mày đang nói gì không?

– Tao biết chứ. Tao đã suy nghĩ rất kỹ rồi, tao…

– Tôi: Mày muốn bỏ cuộc à? Chẳng lẽ mày chịu thua tao à?

– Trung: Hầyzz, tao không bỏ cuộc không được. Vì người mà Trúc yêu không phải tao.

– Sao mày nghĩ thế?

– Tao thấy Trúc rất quan tâm mày, mày đừng phụ lòng Trúc. – Nó thở dài.

– Tôi: Mày có phải đàn ông con trai không? Tự ti như thế thì Trúc yêu mày được à? Mày thích nó mà mày không dám mở miệng ra mà nói thì làm sao nó biết? Không lẽ mày bắt nó mở miệng với mày trước à?

– Trung: Mày… mày nói vậy nghĩa là…

– Chuyện Trúc thích mày có đứa nào mà không biết. Tất cả là tại mày nhát cáy không dám mở miệng thôi. Nếu mày đã nói thế thì chứng tỏ mày không yêu nó nữa chứ gì?

– Không, tao yêu Trúc. Nhưng tao…

– Mày yêu nó thì mày tự biết phải làm gì rồi đấy, tao có bạn gái rồi. Tao không giành của mày đâu.

– Ừ, tao hiểu rồi. Tao cảm ơn mày nhiều lắm. – Nó hớn hở rồi chạy về.

Vài ngày sau đó tôi bị nhỏ cấm cửa gần 2 tuần nên chẳng biết tí sự đời gì, lâu lâu có c. Mai với con em của chị ấy đến thăm hoặc là nhỏ Nhi qua thăm. Còn bọn thằng Trung với nhỏ Trúc thì biệt tăm luôn.

– Yaaa!!! – Tôi đứng lên vươn vai một phát.

– Vừa cắt chỉ thôi, coi chừng lại hở vết thương nữa đó. – Nhỏ lại càu nhàu.

– Hềhề, anh khỏe hẳn rồi. Được cô nương nuôi như con heo gần 2 tuần thì không khỏe mới lạ đó. – Tôi véo cái má hồng của nhỏ.

– Đau em mà, ghét quá đi. – Nhỏ đánh yêu tôi một phát rồi vờ dỗi quay đi.

– Èo, dỗi rồi à?

– Ai thèm dỗi, hứ. – Nhỏ chun mũi.

– Thôi, anh xin lỗi. Anh chịu thiệt cho em hôn một cái coi như đền bù nè.

– Hứ, anh khôn thế. Như vậy thì thiệt thòi cho anh quá rồi.

– Không chịu thì hay là anh hôn em? – Tôi cù lầy.

– Hứ, ai cho. Thôi anh đi tắm đi, hôi quá à?

– Anh mới tắm hồi đầu tuần mà.

– Vậy hôm nay là thứ mấy?

– Thứ 2.

– Thứ 2 à, hôm nay em có việc mà quên mất. Anh đi tắm rửa rồi lên ăn cơm nha, cơm em dọn sẵn lên bàn cho.

– Em đi làm bánh hả?

– Ừm, làm bánh để tối nay bán.

– Cho anh đi chung nha.

– Thôi, anh vừa lành bệnh thì ở nhà đi.

– Nhưng ở nhà riết chán quá. Với lại để con lợn xề của anh đi một mình anh không an tâm.

– Hứ, anh là lợn thì có. – Nhỏ nguýt dài. – Tắm lẹ đi em chờ.

– Ok.

Tôi phi vào nhà tắm làm vài đường cơ bản rồi chải chuốt lại chút xíu tút lại vẻ đẹp trai. Khoác cái áo sọc caro đỏ ra bên ngoài rồi tôi nắm tay nhỏ đi làm bánh.

– Bữa nay em có liên lạc gì với ba em không?

Nhỏ thoáng buồn rồi cũng trả lời tôi:

– Không, từ sau cái hôm ông ấy bị bọn chủ nợ cờ bạc siết nhà thì bọn em mất liên lạc với ông ấy luôn. Không biết giờ ba đang ở đâu nữa.

– Ông ấy đối xử tệ với hai chị em em thế mà em vẫn quan tâm ông ta à?

– Dù sao cũng là ba em mà, em…

– Em có giận ông ấy không?

– Phận làm con sao dám giận ba mẹ mình hả anh, mặc dù ba em đối xử tệ bạc với bọn em và mẹ em nhưng dù sao ông ấy cũng là ba em, đã nuôi lớn bọn em đến giờ.

– Tôi: Vậy…

– Đến nơi rồi. – Bọn tôi dừng lại trước một lò bánh nhỏ trông khá tồi tàn. – Đây là lò bánh của bác em, bác thấy hai đứa em tội nghiệp nên cho em mượn để làm bánh.

– Vậy bác đó không làm à?

– Bác ấy nướng xong thì em mới nướng. Thường thì giờ này bác ấy nướng xong rồi.

– Linh đó hả con? – Tiếng một người phụ nữ già vọng từ trong nhà ra.

– Dạ. – Rồi quay sang tôi. – Mình vào thôi anh.

Theo chân nhỏ bước vào nhà, trong nhà toàn là bụi bột với khói bếp nghi ngút. Mùi của bánh mới ra lò tỏa ra thơm nức mũi. Gần lò nướng, một người phụ nữ tầm 50 tuổi ăn mặc giản dị đang ngồi sưởi ấm bên lò nướng bánh.

– Cháu chào bác. – Hai đứa tôi đồng thanh.

– Ừ, con dẫn ai tới vậy Linh?

– Dạ đây là bạn con, tên Đức ạ.

– Dạ, chào bác ạ. – Tôi lễ phép chào lại lần nữa.

– Ừ, bay là bạn trai của con Linh hả?

Nhắc tới cái này hai đứa tôi không hẹn mà cùng ngượng chín mặt.

– Nhỏ: Bác này, hỏi kỳ quá.

– Vừa nhìn điệu bộ của hai đứa bay là biết, làm sao qua được mắt bà lão này. Thế con nói ở chung nhà bạn là ở với cậu này đây hả?

– Nhỏ: Dạ.

Bác đó ngồi chằm chằm nhìn tôi làm tôi hơi sợ.

– Trông như là người có ăn có học đấy. Bay cũng lớn cả rồi, biết suy nghĩ rồi, hai đứa ở chung cũng nên biết giữ chừng mực, không nên đi quá đà rồi mà làm khổ nhau.

– Chừng mực gì ạ? – Tôi ngu ngơ không hiểu.

– Dạ vâng ạ. – Nhỏ véo tay tôi một cái đau điếng.

– Ừ, thôi bay làm bánh đi, bác giữ lò cho.

– Dạ. Rồi tôi lẽo đẽo theo nhỏ đi nhào bột làm bánh.

– Anh ra kia xách giùm em thùng nước đi.

– Ừ.

Xách thùng nước ra xong tôi đứng nhìn nhỏ trộn bột với để nhỏ sai vặt linh tinh. Xong nhỏ đem đống bột đó ra nhào, nặn, nắn, đập trông đến thảm cho đống bột.

– Phù, giờ nặn được rồi. – Nhỏ quyệt mồ hôi trên mặt làm bột dính tèm lem trên mặt nhỏ.

Tôi muốn cười lắm nhưng không dám cười lớn vì sợ nhỏ lại dỗi.

– Anh làm gì mà cứ đứng cười khúc khích thế? Nặn phụ em đi nào.

– Ừ, anh tới liền.

Tôi xắn tay áo lấy ít bột ra nặn nặn nặn và nặn. Cuối cùng được 2 cái bánh hình trái tim trông khá đẹp.

– Anh phá quá đó.

– Anh thấy đẹp mà, chắc là bán được lắm đó.

– Đẹp nhưng làm như vầy thì làm sao kẹp thịt được, anh ngố. – Nhỏ đẩy mũi tôi.

– Vậy hả? Anh đâu biết đâu, hề hề. Vậy để anh làm lại hai cái này.

– Thôi đừng, lỡ làm rồi thì để lại đi. – Nhỏ ngăn tôi lại rồi cẩn thận đem hai cái bánh đặt vào khay trước.

– Hết bột rồi.

– Giờ nhào thêm bột hả?

– Không, nhào thêm thì mai sao em bán hết. Giờ mình đem cái này đi nướng.

– Ủa, anh tưởng mai mới nướng chứ.

– Sẵn lò nên nướng luôn, mai nhóm lò mệt lắm.

– Ừ. Vậy lỡ mai bánh ỉu hết thì sao?

– Không đâu, mình nướng sơ sơ qua xong dập lò đi để nhiệt độ nóng âm ỉ. Sáng mai mới lấy bánh ra nên bánh chín đều và ngon hơn.

– Hèn gì anh hay thắc mắc là tại sao bánh mì của em bán lại không bị cháy vỏ như mấy chỗ khác bán.

– Dĩ nhiên, giờ anh ra sân lấy thêm cho em vài cây củi nha.

– Ừ. Có liền đây.

Đặt bánh vô lò xong tôi với nhỏ xin phép đi về. Đoạn đường về khuya vắng tanh như chùa bà Đanh, chỉ có hai cái bóng dài lê thê đang nắm tay nhau đi dưới ánh đèn đường hiu hắt.

– Anh cõng em đi. – Nhỏ đứng lại tròn mắt nhìn tôi.

– Ừ. – Tôi cười rồi ngồi xuống trước mặt nhỏ.

– Anh có nhớ lần đầu tiên anh cõng em là khi nào không?

– Không, nhưng anh nhớ lúc đó em hát cho anh nghe.

– Anh nhớ sang cô nào rồi, em hát cho anh nghe khi nào chứ. – Nhỏ giãy nảy đập lưng tôi.

– Không lẽ trí nhớ của anh tồi đến thế. Đã vậy thì giờ em hát cho anh nghe đi.

– Hát á? Cũng được nhưng mỗi người hát một bài.

– Anh chấp em hát trước 2 bài đó.

– Hứ, anh khôn hết phần em luôn thế. – Giọng nhỏ nũng nịu. – Mỗi người một bài, em hát trước cho.

Rồi nhỏ nhẹ nhàng ngâm nga giọng hát của mình giữa đêm tối. Tiếng hát trong trẻo êm ru như Thúy Nga… đùa thôi, giọng hát của nhỏ phải công nhận là rất hay, vẫn hay mê ly như ngày nào. Và cũng như ngày đầu tiên, nhỏ hát được gần nửa bài thì giọng nhỏ dần, tiếng hát nhỏ dần và rồi chỉ còn lại hơi thở đều của nhỏ. Tôi lắc đầu cười trừ:

– Lại ngủ gật rồi.

Cuộc sống của tôi cứ thế yên bình trôi qua. Tôi, nhỏ, thằng Tâm và lũ nhỏ đều đang vui vẻ hạnh phúc thì bỗng một ngày có 4 người trung niên tìm đến nhà bọn tôi.

– Dạ mấy bác tìm ai ạ? – Nhỏ My lễ phép hỏi.

Mấy người đó chẳng nói gì mà chỉ đứng lặng im nhìn vào trong nhà.

– Êk, chắc họ đang đói. – Thằng Tâm huých vai tôi nói khẽ.

– Sao mày biết?

– Nếu không sao họ cứ nhìn chằm chằm vào đây?

– Chắc không phải đâu, trông họ ăn mặc sang trọng thế thì làm sao mà có chuyện đó được.

– Tâm: Không lẽ là người quen của Linh hả?

– Không, tui đâu biết họ đâu. – Nhỏ lắc đầu lia lịa.

– Để anh ra xem sao. – Tôi rời khỏi bàn ăn bước ra cửa. – Bọn cháu giúp gì được các bác ạ?

Lúc này, 1 người đàn bà ngoài 30 mới quay lại nhìn tôi.

– Các cháu có phải là đám nhỏ đã trốn khỏi cô nhi viện mấy năm trước không? – Người đàn bà này rưng rưng nước mắt hỏi tôi như cầu khẩn.

– Mấy bác tìm lầm chỗ rồi. – Thằng Tâm đột nhiên chạy ra đóng cửa lại một cách thô bạo.

– Hồng ơi, mẹ là mẹ của con đây. Mau mở cửa ra, làm ơn trả lại con cho tôi. – Giọng người đàn bà đó khóc lóc đập cửa.

– Bin ơi, Bo ơi! Ba mẹ đây, ba mẹ đến đón con đây.

– “Ba? Mẹ? Họ là ba mẹ của mấy đứa nhỏ hay sao?” – Tôi nghĩ bụng.

– Biết ngay là họ đến để cướp mấy đứa nhỏ mà. – Thằng Tâm gằn gộc.

Xưa nay tôi chưa từng thấy thằng này nóng nảy đến thế. Mấy đứa nhỏ nghe họ gọi tên thì ngồi ngó dáo dác ra cửa.

– Họ là ba mẹ của lũ nhỏ mà, họ đã tìm đến đây rồi sao mày không cho họ nhận nhau? – Tôi thắc mắc.

– Ba mẹ à? Họ không hề quan tâm chúng thì tại sao lại phải để họ nhận lại chúng. Họ có thương chúng nó đâu. – Rồi nó quay ra cửa nói to. – Ở đây không có người mà các ông bà cần tìm, ông bà về tìm chỗ khác đi.

– Hãy để tôi gặp con tôi, Hồng ơi!

– Bin ơi! Bo ơi!

Lần này có lẽ hai thằng Bin Bo đã nhận ra giọng nói của ba mẹ mình nên òa khóc lon ton chạy ra nhưng bị thằng Tâm cản lại.

– Hai đứng đừng nghe họ Ở ngoài đó toàn là người xấu, họ sẽ bắt mấy đứa làm thịt đấy.

– Tôi: Sao mày nói thế với lũ nhỏ.

– Vì họ không xứng đáng làm ba mẹ của chúng nó. Chính họ đã nhẫn tâm đem bỏ bọn nhỏ trong cô nhi viện không thèm quan tâm chúng thì bây giờ tìm chúng làm gì. – Nó quát.

– Nhỏ: Biết đâu họ có nỗi khổ tâm riêng. Chí ít cũng nên nghe họ nói chứ. – Nhỏ ngồi ôm bé Sún đang mếu máo.

– Khổ tâm gì chứ, họ chỉ ích kỷ nghĩ cho một mình họ thôi. Còn lũ nhỏ sống chết thế nào họ đâu quan tâm. – Nhỏ My đứng im lặng nãy giờ cũng lên tiếng.

– Tôi: Nhưng chí ít cũng nên nghe họ nói xem sao đã, nói xong mình đuổi họ đi cũng được mà. Đâu thể để họ cứ ngồi gào thét trước cửa nhà mình như vậy mãi được.

– Được, tao nghe mày nhưng tao không để họ đưa lũ nhỏ đi đâu.

– Để nghe họ nói rồi tính. My, mở cửa ra đi.

Nhỏ My chần chừ mở cánh cửa ra, cánh cửa vừa hé mở thì hai thằng nhóc với bé Sún đều chạy đến sà vào lòng ba mẹ chúng, quả là chẳng có gì chia cắt được tình mẫu tử. Mấy người kia cứ ôm chặt lấy lũ nhỏ, vừa ôm vừa hôn hít xoa đầu chúng.

– Mấy người nói đi, hồi đó tại sao lại bỏ rơi con cái của mình? – Tôi lạnh giọng.

Một người đàn ông đứng dậy lau nước mắt đi rồi nói:

– Hồi đó công ty của chúng tôi làm ăn thua lỗ, nợ nần thì chồng chất nên phải trốn chui trốn nhủi. Vì thế chúng tôi mới quyết định bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Hồi đó con của bác còn quá bé, không thể đi xa và chịu khổ chung với chúng tôi được. Chính vì thế chúng tôi mới đành phải nhẫn tâm gửi chúng vào cô nhi viện và định là khi nào làm ăn lên lại thì quay lại đón chúng. Ngờ đâu khi chúng tôi quay lại thì cô nhi viện đó bị quy hoạch rồi. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được đến đây.

Nghe xong câu chuyện họ kể thì bọn tôi lẳng lặng nhìn nhau.

– Mấy người không thể đưa lũ nhỏ đi. – Nhỏ My chạy đến kéo tay bé Sún lại.

– Bác xin cháu, hãy để con bé về với bác đi. – Người phụ nữ đó quỳ xuống khóc lóc van xin bọn tôi.

– Tôi: Tâm à… – Tôi bất lực nhìn sang thằng Tâm.

Nó ngồi trầm ngâm suy nghĩ, một lát sau nó mới hỏi:

– Làm sao bọn cháu tin mấy người là ba mẹ của chúng nó?

– Có, lúc trước bác có đeo cho mỗi đứa một sợi dây chuyền bạc, trên mặt dây chuyền có khắc chữ cái đầu của tên lũ nhỏ. Và bác nhớ ở đùi bé Hồng có cái bớt nhỏ màu đỏ.

– Thằng Bin thì không có gì ngoài sợi dây chuyền.

– Còn thằng Bo thì có 3 nốt ruồi liền nhau ở lưng.

Từng người kể rõ từng đặc điểm của lũ nhỏ. Tất cả ánh mắt lúc này đều theo thằng Tâm hướng về nhỏ My.

– My: Dây chuyền không đứa nào có hết. Nhưng vết bớt với nốt ruồi thì… đúng là có thật.

– Nhỏ: Vậy họ đúng là ba mẹ của lũ nhỏ thật.

– Tâm: Mấy bác thật sự muốn nhận lại chúng?

– Đúng. – Tất cả họ đồng thanh như tập từ trước.

– Tâm: Được… – Nó hít một hơi dài rồi đến ôm 3 đứa nhỏ vào lòng. – Mấy đứa nghe nè, sau này về với ba mẹ thì phải ngoan nghe chưa, nhớ phải vâng lời ba mẹ đó, biết không?

– Dạ biết.

– Nhưng anh không đi với bọn em sao? – Bé Sún ngây ngô hỏi.

– Không, anh không đi chung với mấy đứa được. Vì thế mấy đứa phải ngoan đó, khi nào rảnh anh sẽ đi thăm mấy đứa. – Đến lúc này, đứa nào cũng rơm rớm nước mắt.

– Anh Tâm không đi thì em cũng không đi đâu hết.

– Mấy đứa này, chẳng phải mấy đứa luôn mong ước có ba mẹ sao? Bây giờ sao lại không theo ba mẹ về?

– Anh Tâm không cần bé Sún nữa à? Bé Sún không hư nữa đâu, sẽ nghe lời anh Tâm mà. – Con bé gào khóc.

– Anh thương bé Sún mà, ngoan anh thương. – Thằng Tâm khóc ôm lũ nhỏ vào lòng.

– My: Mấy đứa cứ về với ba mẹ trước, lát anh chị dọn đồ rồi qua sau, có chịu không? – Nhỏ My dỗ ngọt.

– Dạ chịu. – Lũ nhỏ ngưng khóc. Rồi nhỏ Linh với nhỏ My đi xếp quần áo với đồ đạc của lũ nhỏ lại. Vừa xếp con bé vừa khóc. Còn thằng Tâm thì cố gắng cười đùa với mấy đứa nhỏ trong giây phút cuối.

Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro

Nhận xét của độc giả về truyện Hành trình tuổi thơ

Số ký tự: 0