Phần 78
2024-07-30 23:09:37
Trong nỗi tuyệt vọng tột cùng, hình ảnh của hai vật đó bất chợt hiện ra trong đầu tôi như ánh sáng cuối đường hầm, một thứ ánh sáng thật ấm áp và đầy hy vọng.
Chiếc bao lì xì và cái hộp kia đều là của Ngọc Lan đưa tôi với lời nhắn mở nó ra khi tôi thấy tuyệt vọng nhất. Liệu có phải lúc này là lúc tôi nên mở nó không? Tôi gần như đã mất tất cả, từ thể xác lẫn tinh thần. Nếu không phải lúc này thì còn lúc nào nữa chứ? Tôi bây giờ vẫn còn có thể tuyệt vọng hơn ư? Không, bây giờ tôi đã đến đỉnh điểm của sự tuyệt vọng rồi. Không là Ngọc Lan, tôi không chắc có thể yêu thêm một ai khác nữa. Trái tim tôi đã tràn ngập quá nhiều nỗi đau rồi.
Thế rồi tôi cắn răng leo xuống giường, cảm nhận cả thân người đau ê ẩm. Chân tôi như một cái cây khô, xiêu vẹo hết phía này đến phía khác. Phải khó khăn lắm tôi mới lết cả thân người lên chiếc ghế mà mọi thường tôi chỉ cần bước vài bước là tới.
Chiếc bao lì xì cùng với chiếc hộp và lá thư có kèm chiếc kẹp tóc được tôi cất ngay ngắn trong học tủ dưới cùng, phía trên nó là sấp hình cách đây vài tháng của Ngọc Lan gửi tôi. Trông nàng lúc đó với nàng bây giờ không khác nhau là mấy, chắc có lẽ là mái tóc bây giờ của nàng đã dài hơn, nó dài đến tận chấm lưng.
Bây giờ có thời gian nhìn ngắm, tôi mới thấy nàng dễ thương làm sao. Dù trong tấm hình nàng chỉ đơn giản tựa người lên chiếc ghế sô pha mỉm cười với ống kính. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm trái tim tôi cảm thấy xao xuyến lạ thường. Ấy là với đôi mắt bình thường đó, còn nếu vẫn là đôi mắt xanh như trước đây, chắc chắn nàng đẹp hơn gấp trăm lần.
Tôi phì cười cất sấp hình đó vào chiếc bọc màu vàng một cách cẩn thận như cái cách người ta cất một kho báu quý giá ở nơi nào đó thật kín đáo. Nhìn sang chiếc bao lì xì ở kế bên, bao kỷ niệm dường như đã bị vùi sâu trong tâm trí bỗng dưng ùa về như một dòng thác chảy xiết. Nó giúp tôi nhớ lại nụ cười xinh xắn của Ngọc Lan khi nàng lì xì đầu năm cho tôi:
– Chúc mừng năm mới nha Phong!
– Ừa… à… chúc mừng năm mới!
Rồi nàng móc trong chiếc túi xách của mình ra một phong bao lì xì đỏ đưa cho tôi:
– Nè, lì xì đầu năm của Phong đó!
– Ơ, lì xì?
– Hông phải sao? Theo như Lan đọc trên báo thì ngày đầu năm người ta thường lì xì cho nhau mà!
– Thì thế nhưng Phong không có gì để lì xì lại cho Lan hết!
Tuy nhiên nàng vẫn cười khì dúi chiếc bao lì xì vào tay tôi:
– Hông sao hết, Lan có rồi! Chúc phong năm mới dồi dào sức khỏe nha!
– Hả, Phong chưa lì xì mà! Sao Lan có?
– Thì… Lan đã có… Phong bao lì xì rồi?
Lúc đó tôi thật ngốc, giá mà tôi tinh ý hơn đã hiểu ra câu nói ẩn ý của Ngọc Lan là gì. Nàng muốn nói đã có tôi, tôi là Phong bao lì xì đầu năm của nàng. Nếu lúc đó tôi hiểu được, mọi chuyện đã không rắc rối như bây giờ. Nhưng dẫu vậy, tôi vẫn không muốn làm phong bao lì xì của nàng đâu. Bởi lẽ ngược lại với chiếc lì xì mang lại may mắn, tôi chỉ đem lại nỗi đau cho nàng mà thôi.
Khẽ khàng mở chiếc bao lì xì ra, trong đó có một mảnh giấy nhỏ được gấp lại làm tư một cách ngay ngắn. Tôi rút mảnh giấy ra, cẩn trọng lật từng nếp gấp cho đến khi tờ giấy to dần trước mắt tôi với những nét chữ được nắn nót một cách chỉnh chu, thắng tắp:
“Chào chéri, nếu Phong đọc được những dòng này có nghĩa là đã gặp chuyện gì đó tuyệt vọng lắm rồi phải không? Lan không mong gì nhiều cả, chỉ cần mỗi lần Phong có chuyện gì buồn hãy tâm sự với Lan nha. Vì dẫu cho tất cả có tồi tệ với Phong như thế nào, Lan vẫn sẽ bên cạnh ủng hộ Phong hết mình, hihi!”
Đọc xong lời nhắn trong chiếc bao lì xì, tôi chỉ biết tự trách bản thân vì sao đến giờ này tôi mới mở chiếc bao lì xì ra, đến giờ này mới là lúc tuyệt vọng nhất. Giá như dịp tết năm đó tôi tò mò mở bao lì xì ra thì sự việc đã không phức tạp đến như thế. Giờ đây những dòng này chỉ làm sự tuyệt vọng và nuối tiếc trong lòng tôi ngập tràn hơn. Nó chực như muốn trào ra khỏi khoé mắt tôi.
Cẩn trọng gấp tờ giấy lại, tôi nghe sống mũi cay xè, mọi thứ trước mắt tôi mờ dần đi dưới làn nước mỏng. Tôi thấy tim mình như có ai đó bóp nghẹn trong sự nuối tiếc khôn nguôi. Tôi biết dẫu có tiếc nuối như thế nào, mọi chuyện cũng đã xảy ra. Tôi có tiếc nuối mãi thời gian cũng không thể quay ngược lại. Nhưng trong giờ phút này, đây là điều duy nhất tôi có thể làm để đón nhận lời nhắn của Ngọc Lan.
Cố gắng nén những cảm xúc trong lòng, tôi cất chiếc bao lì xì vào chỗ cũ và nhẹ nhàng lấy chiếc hộp từ trong hộc tủ ra. Chiếc hộp thật đẹp với màu xanh dương viền trắng. Nó được Ngọc Mi trao cho tôi cách đây không lâu. Đã có bao lần tôi định mở chiếc hộp đó nhưng khi nhìn dãy mật khẩu trên hộp tôi lại đâm ngán và dần lảng quên nó đi trong tâm trí. Giờ đây sẽ lại đối mặt với nó nếu muốn biết những lời nhắn nhủ của Ngọc Lan trong chiếc hộp kia.
Nhưng điều khó khăn duy nhất hiện tại là làm sao có mật khẩu đúng để mở chiếc hộp đó ra. Tôi không muốn phải dùng cách cuối cùng là đập bể nó để lấy. Dù gì đây cũng là chiếc hộp Ngọc Lan trao cho tôi, đó cũng là một phần kỷ niệm với nàng. Do vậy, tôi sẽ phải mở nó một cách đường hoàng chính chính.
Nhưng nói là một chuyện, làm lại là một chuyện khác. Tôi không giỏi suy luận, nhất là đối với việc tìm những loại mật mã như thế này. Đó là lí do tại sao tôi lại không muốn tham gia đội truy tìm mật thư trong những kì cắm trại trước đây. Dẫu vậy đó là việc của trường lớp, còn đây là việc của trái tim tôi. Ngoài tôi ra, sẽ chẳng ai có thể làm giúp tôi được.
Tôi đặt chiếc hộp trên bàn, ngắm nghía thật tỉ mỉ 5 con số mật mã trên hộp. Ngọc Mi đã từng nói nó liên quan đến tên Ngọc Lan thường gọi tôi. Nhưng rốt cuộc nó là gì mới được?
Tôi tựa lưng ra ghế vuốt cằm suy nghĩ. Nếu là một tên nào đó Ngọc Lan thường gọi tôi, chỉ có thể là cái tên đó. Tôi lại kéo hộc tủ ra, lục lại mảnh giấy trong bao lì xì và thờ phào:
“Là chéri, chính nó!”
Xưa này không ít lần Ngọc Lan gọi tôi bằng cái tên này dù rằng tôi vẫn chưa hiểu nó có nghĩa là gì. Lúc trước, cũng có vài lần tôi hỏi nàng, nhưng nàng cứ ấp úng đáp qua loa. Vì vậy tôi cứ chết cái tên gọi đó mà không một lần nào tra nghĩa. Tôi nhớ trong bức thư cuối cùng gửi tôi, Ngọc Lan đã có nói về việc cho phép tôi tra nghĩa của từ chéri đó thế mà tôi lại quên bẳn đi lúc nào không hay. Tôi dở ghê!
Thế là tôi lật đật lục cuốn từ điển Pháp – Việt ra từ trong học tủ ngăn trên. Cuốn từ điển này tôi đã mua từ lâu có lẽ là từ lúc tôi quen thân Ngọc Lan cho đến bây giờ. Lúc đó tôi dự định sẽ học vài từ trong đây để chém với nàng. Nhưng biết bao nhiêu chuyện ập đến khiến nó dần lãng quên trong kệ sách của tôi lúc nào không hay.
Sau một lúc tra cứu, tôi mới ngớ người ra. Chéri trong tiếng Pháp có nghĩa là người yêu. Nói chính xác hơn là cách người con gái gọi người mình yêu một cách thân mật. Té ra nàng đã gọi tôi như thế trong suốt thời gian qua sao? Tôi đã là người yêu trong mắt nàng từ lâu rồi sao? Có còn chuyện gì nàng giấu tôi nữa không? Sao càng ngày tôi càng phát hiện ra nhiều chuyện khiến tôi tiếc nuối như thế này kia chứ?
Những cảm xúc trong lòng tôi giờ này như một hòn đá tản to lớn. Nó khiến cả người tôi nặng trĩu những suy tư. Và nếu không có chiếc ghế đỡ tấm thân xơ xác của tôi nãy giờ. Chắc có lẽ tôi đã bị tản đá đó kéo tọt vào hố sâu tuyệt vọng.
Nhưng tản đá đó dù lớn cỡ nào cũng không gây trở ngại bằng việc tìm mật mã để mở chiếc hộp kia. Dù đã tìm ra được ý nghĩa của cái tên nàng hay gọi tôi, xem ra nó cũng không liên quan gì đến mật mã đó cả.
Suốt cả đêm hôm đó tôi cứ ngồi vắt óc xoay từng dòng mật mã trên chiếc hộp. Từ ngày tháng năm sinh của tôi, của nàng cho đến những ngày tôi cho là quan trong nhất như noel, tết tây, tết ta và cả sinh nhật của Ngọc Mi tôi cũng thử hết. Nhưng rốt cục chiếc hộp vẫn sừng sững ở đó như một tản đá khác, cứng đầu hơn, nặng trịt hơn. Và tôi cứ tiếp tục thử từng mật mã như vậy cho đến khi cơ thể lịm dần trong cơn mệt mỏi…
… Bạn đang đọc truyện Đời học sinh – Quyển 4 tại nguồn: http://bimdep.pro/doi-hoc-sinh-quyen-4/
Sáng hôm sau tôi giật mình thức dậy bởi tiếng chuông báo thức của chiếc đồng hồ. Hôm qua tôi đã ngủ quên trên bàn trong lúc dò ra mật mã để mở chiếc hộp. Người ta nói sau khi ngủ một giấc, đầu óc sẽ minh mẫn hơn trong mọi việc. Thế mà khi nhìn vào chiếc hộp đó tôi vẫn cảm thấy mù mờ và bế tắc. Không còn cách nào khác, tôi đành để chiếc hộp lại và chuẩn bị quần áo đến trường.
Lần này tôi đến trường thật.
Nhà thờ Xóm Chiếu không còn là nơi để tôi gieo những hạt giống buồn bã nữa. Ngọc Lan vẫn thường đến đó với thằng con trai hôm nọ, cả thằng Bảo cũng vậy. Tôi bây giờ không còn chỗ nào để dung thân nữa. Cảm giác như tôi không thuộc về thế giới này vậy. Thật là chán!
Tôi đã dự đoán đúng. Khi vừa đi học trở lại tụi trong lớp bỗng nhìn tôi như sinh vật lạ. Chắc chắn câu hỏi trong đầu nó sẽ là tôi đã đi đâu trong mấy ngày qua. Tôi biết tụi nó sẽ không nói ra đâu, vì cơ bản tôi cũng không thân với mấy tụi nó. Nhưng đám trong đội đá banh thì có. Vừa đi ngang bàn thằng Tiến với thằng Hiếu, bọn nó đã hỏi:
– Ê, sao mày nghỉ bữa giờ không phép vậy?
Tôi đáp gỏn lọn:
– Ở nhà có việc không xin phép kịp!
Để không bị hỏi thêm, tôi nhanh chóng di chuyển về chỗ ngồi của mình. Nhưng tôi quên bẳn đi Phú nổ vẫn còn ngồi chung bàn với tôi. Vừa vào chỗ, nó đã ré lên:
– Đù, tưởng mày nghỉ hè sớm rồi chớ!
Tôi lều bều cất cặp vào hộc tủ:
– Nghỉ gì mà nghỉ, bận việc nhà thôi!
Phú nổ chỉ hỏi thế rồi nó lại chạy lên bàn trên giỡn hớt với thằng Kiên lảng. Có lẽ nó còn nhớ cái vụ tôi nạt nó lúc trước nên không dám hỏi nhây nữa. Riêng chỉ có Toàn phởn là nó hỏi cho tới:
– Sao rồi, mày xử lí vụ Lanna chưa?
Tôi chẹp miệng:
– Chưa, tao đã và đang đây, mày khỏi lo!
– Ờ, thế thì tốt!
Toàn phởn gật gù vênh cái mặt nó lên nhìn phởn bạo. Chắc nó cũng sốt rột mong chờ kết quả từ tôi lắm rồi. Nhưng biết làm sao được. Tôi vẫn chưa tìm ra mật mã để mở chiếc hộp đó ra thì làm sao nghĩ được phương án tiếp theo. Cũng chưa chắc bên trong chiếc hộp đó là tia hy vọng dành cho tôi nữa cơ mà. Mọi chuyện chỉ sáng tỏ khi tôi tìm được mật mã để mở chiếc hộp đó ra thôi. Một việc còn khó hơn lên trời.
Giờ anh văn đến. Đây vốn là môn học ưa thích của tôi, nhưng bây giờ hết chương trình dạy rồi, giáo viên đến lớp cũng chỉ ngồi kể chuyện em nghe như bao giáo viên khác. Thế nên tôi cũng không mấy mặn mà tập trung nghe giảng nữa. Chắc có lẽ tôi sẽ lại chống cằm nhìn ra khung cửa sổ để được ngắm những tán cây phượng sum xuê những đóm lửa cùng với tiết ve gọi hè râm rang.
Nhưng hôm nay có lẽ là một ngày tốt lành, ít nhất là đối với thầy dạy tiếng anh của bọn tôi. Vừa vào lớp thầy đã làm cả lớp giật thót:
– Mấy em xếp tập sách lại đi, mỗi đứa lấy cho thầy tờ giấy ra ghi tên họ vào!
– Hả, thi rồi mà còn kiểm tra hả thầy? – Mấy đứa trong lớp thản thốt.
– Ai nói kiểm tra? Cho mấy đứa chơi trò chơi chút thôi!
– Trời ơi, thầy làm hết hồn! – Cả lớp thờ phào một hơi.
– Mấy em muốn thì thầy cho kiếm tra cũng được, dù gì điểm cũng chưa tổng kết xong mà!
– Dạ thôi thầy, hề hề!
– Thôi được rồi, mấy anh chị nào muốn có điểm cộng để nâng điểm thì ghi bảng chữ cái tiếng anh ra nộp lên đây, đúng hết thì tụi cộng điểm cho!
Ngay tức thì Khanh khờ liền bay xuống bàn tôi mặt phởn lên:
– Ê ê Phong, chỉ tao cái bảng chữ cái coi! Để tao gỡ điểm lên khá với!
Tôi giật mình:
– Gì, giờ này mày chưa thuộc bảng chữ cái à?
– Ai nhớ dai như mày đâu mà thuộc với không, chỉ tao với!
– Rồi rồi, coi tao ghi rồi ghi theo nè!
Thế là bất đắc dĩ tôi phải lôi cuốn tập ra ghi bảng chữ cái cho nó chép theo. Mà không phải chỉ mình Khanh khờ mới như vậy, cả lớp tôi hầu như vẫn chưa có đứa nào thuộc nằm lòng bảng chữ cái cả. Đứa thì thiếu chữ này, đứa thì thiếu chữ kia phải hỏi qua hỏi lại gần 10 phút mới nộp đầy đủ lên bàn cho thầy. Tôi tất nhiên không cần điểm cộng nữa, học kì này đã đủ mục tiêu đề ra của tôi. Nếu môn ngữ văn có bài kiểm tra nâng điểm như thế, hoạ chăng tôi sẽ tham gia.
Lớp tôi chỉ nghiêm túc khoảng 10 phút trong giờ kiểm tra nâng điểm. Sau khi kiểm tra xong thầy lại trở về với những câu chuyện đời muôn thuở của mình, chúng tôi lại dọn hàng ra trở về với cái chợ làng như mọi thường. Và tôi lại tiếp tục thả hồn vào những tán cây phượng cùng tiếng ve ngoài sân như lúc ban đầu.
Ngắm những nhánh hoa phương chán chê, tôi lại lật tập ra ngó lại từng trang giấy một cách vô thức. Tôi cứ lật mãi cho đến khi dừng lại ở trang ghi bảng chữ cái lúc nãy. Tự dưng trong đầu tôi lại nãy ra một sáng kiến bất ngờ về mật mã mở chiếc hộp.
Cảm giác như vừa được khai sáng, tôi lập tức bật dậy khiến Toàn phởn giật mình:
– Gì vậy? Mày bị trúng gió à?
Tôi quay xuống lay vai nó:
– Tao phải về nhà! Mày giúp tao với Toàn!
– Cái gì, sao tao giúp mày được! Mày bị sao hả Phong?
– Không! Tao hoàn toàn tỉnh táo! Tao tìm ra được vấn đề rồi, giúp tao với!
– Nhưng bây giờ mày xách cặp ra về cũng đâu được, cổng đóng mà!
Tôi nhăn trán suy nghĩ một lúc rồi à lên:
– Đúng rồi, mày giữ cặp giúp tao nhé! Khi nào ra về mày qua nhà tao đưa lại cũng được!
Nó nhận chiếc cặp tôi đưa nhưng vẫn còn tròn mắt:
– Ờ ờ, giờ mày đi thiệt à? Sao mày ra khỏi cổng?
– Không sao cả! Tao tự có cách rồi!
Tất nhiên là tôi sẽ không đi cổng chính. Nó bây giờ đã bị đóng chặt cho đến giờ ra về. Thay vào đó tôi trốn ra bằng lối bí mật mà trước đây tôi đã cùng trốn ra với Lam Ngọc trong kì hồi trại trước. Nó nằm ở gần cổng sau. Đó vốn là lối ra của các cô chú lao công có nhà gần trường, chỉ có số ít học sinh trong trường là biết đến nó.
Tuy nhiên thoát khỏi trường là một chuyện, về nhà lại là một chuyện khác. Xe đạp của tôi vẫn ở trong trường. Tôi không thể nào đủ kiên nhẫn để chờ xe buýt. Vả lại tôi sợ khi lên xe buýt rồi, cơn say xe của tôi lại làm ý tưởng trong đầu đó bay đi mất. Do vậy tôi đành lựa chọn cách chạy thụt mạng về nhà.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro