Phần 40
2024-07-30 23:09:37
Nhỏ qua thăm tôi trong một buổi chiều nắng sau đó hai ngày. Ấn tượng đầu tiên của tôi về buổi thăm đó là một bịt chôm chôm to tổ bố do nhỏ đem tới. Tôi vốn đã không thích ăn trái cây, mấy ngày nay cứ mỗi lần ai đến thăm là trái cây cứ chất chồng trong phòng ăn không sao hết nổi. Nay thấy bịt chôm chôm của nhỏ Nhung tôi đã ngán thấy tía.
Nhỏ Nhung đương nhiên không biết nổi lòng đó của tôi, nó thấy tôi nhìn lom lom bịt chôm chôm tưởng tôi thèm nên mở miệng bịt ra đặt ngay góc bàn trước mặt tôi:
– Ông buồn miệng không ăn tý chôm chôm nè!
– À ừ, bà cứ để đấy, lát tui ăn sau!
– Ừa, chân ông sao rồi!
– Lúc đầu đau nhưng giờ ổn rồi!
– Ùm…
Nhỏ gật gù đầu rồi ngắm nhìn một loạt quanh phòng của tôi. Chắc có lẽ do lâu ngày gặp lại nên bọn tôi cũng không biết nói gì với nhau. Mà lúc trước tôi với nhỏ Nhung cũng có lần nào nói chuyện với nhau đàng hoàng như bây giờ đâu, toàn là những lúc chọc ghẹo nhau.
Trong lúc tôi đang suy nghĩ chuyện để nói, nhỏ bỗng quay sang hỏi khiến tôi giật thót:
– À con bé Noemi có hay qua thăm ông không? Bạn gái ông mà.
– Ừ… ừ… cũng có!
– Ừm, thảo nào căn phòng lại gọn gàng như vậy, nhìn là biết không phải do ông làm rồi!
Quả thật nhỏ Nhung liệu việc như thần, nó đoán trúng phóc việc con bé Mi đã đến phòng tôi dọn dẹp. Nếu nó mà đoán ra con bé Mi vừa rời khỏi phòng tôi cách đây mấy tiếng thì chắc tôi bái nó làm sư phụ luôn.
Sau khi “rà soát” căn phòng của tôi, nhỏ ngồi xuống chiếc ghế gần đó nhìn tôi có phần ái ngại:
– Sao ông hay bị gãy chân gãy tay nhỉ, lúc trước đâu có nhiều như giờ!
– Thì… lúc trước khác, bây giờ khác!
Tôi buộc miệng nói đại một câu tiếp lời nhỏ Nhung. Nhưng trong bụng tôi lại âm thầm tán thành với nhỏ.
Lúc hồi cấp 2 tôi quậy phá, lêu lỏng bao nhiêu thì càng khỏe bấy nhiêu. Còn bây giờ tôi đường hoàn nghiêm túc bao nhiêu thì mọi tai họa cứ ập vào đầu tôi bấy nhiêu. Có nhiều lúc tôi nghĩ đây cũng là một quả báo của nghiệt đào hoa cũng không chừng, thiệt là khổ!
– Mà này, còn mấy đứa con gái bạn ông hổm rài có tới thăm không?
– Bà nói ai?
Câu hỏi của nhỏ Nhung làm tôi chợt giật thót.
– Thì bà Lam Ngọc đó, lúc trước có tặng sôcôla cho ông còn gì?
Trong hàng trăm hàng vạn câu hỏi để thăm người bệnh có rất nhiều câu rất hay, rất ý nghĩa nhưng nhỏ Nhung lại đi chọn một câu hỏi dở ơi là dở. Đang yên lành vui vẻ nhỏ lại hỏi tôi một câu làm cả bầu trời trên đầu tôi dường như muốn sụp đổ. Vết thương vừa mới lành trong tim lại bị nhỏ làm toẹt ra ứa máu.
Thấy tôi cứ trầm ngâm không trả lời câu hỏi, nhỏ lại càng hỏi bạo:
– Sao vậy, bộ có chuyện gì hả?
– Không đâu, tự nhiên thấy mệt!
– Mệt sao, kể tui nghe tui giúp cho ông?
– Thôi bà không giúp được, cứ ngồi nói chuyện với tui được rồi!
Mà cũng công nhận nhỏ Nhung là một đứa tiếp thu tốt. Sau khi ba lần bốn lượt hỏi tôi không thành công, nhỏ cũng không muốn hỏi nữa. Nhưng tôi chưa kịp xếp nhỏ vào nhóm những người hiểu chuyện thì nhỏ đã phá tan tành bằng một câu hỏi có thể giết người:
– Mà cái cô mắt xanh khi nào mới về vậy?
– Hả, bà nói Lan… à không Lanna hả?
– Ừ chứ còn ai nữa, năm trước tui nghe nhỏ đi nước ngoài làm gì ấy, tới giờ chưa về sao?
– Ừ chưa, nhưng chắc hè sẽ về!
– Thế thì hay quá, khi nào Lanna về nói tui tiếng tui chạy sang chơi hen?
– Ừ, rồi!
Với một nửa hồn đã chết, tôi chỉ đáp ậm ừ cho qua chuyện mong để tiễn con nhỏ Nhung xớn xác này về sớm. Thế mà với câu hỏi cuối của mình, nó làm nửa hồn còn lại của tôi chết luôn, chết hẳn:
– Mà ông quen em gái của bà Lanna, mai mốt về có cần gọi nhỏ là chị không nhỉ?
– Tui không biết!
– Nếu không sau này ông cũng phải kêu thôi, nên tập làm quen từ từ!
Cơn thịnh nộ đã dân tới đỉnh đầu chỉ chực xì khói ra hai lỗ tai, tôi rít:
– Bà Nhung này, từ đó giờ có ai muốn giết bà chưa?
– Chưa, sao vậy? – Nhỏ vẫn thản nhiên.
– Vậy thì tui sẽ là người đầu tiên đó, nếu bà còn nói nữa!
Tới lúc này nhỏ mới phá ra cười giả lả:
– Thôi ông đừng giận, thấy ông cứ ũ rũ trong phòng tui chọc cho ông vui thôi chứ có ý gì đâu!
– Chọc kiểu gì không vui tý nào!
– Hề hề, thôi cũng trễ rồi, tôi phải về nấu cơm đây, ông có gì khó khăn cứ gọi tui sang giúp cho!
– Ừ được rồi, cảm ơn bà nhiều!
Có thể nói cũng nhờ bị chấn thương như thế này mà tôi có thể thăm những người thân của mình mà không cần phải ra khỏi nhà. Trong những ngày tiếp theo cứ lần lượt những người quen của ba tôi đến rồi đi cũng với những món đồ trị thương gia truyền được biếu tặng, Vết thương trong trái tim tôi cũng vì vậy mà ngủ quên đi mất.
Tuy nhiên chiếc chân đau đồng nghĩa với việc tôi phải tạm xa rời những trò chơi với tụi thằng Huy. Xa rời bãi cát, xa rời bãi diều, xa rời sân cỏ và xa rời cả chúng bạn. Những ngày rảnh rõi ngồi nhà không có ai tới thăm tôi thường xem TV, xem chán rồi lại lăn xe ra ngoài bãi sân nhỏ trước cửa để ngắm nhìn những chậu cây hằng ngày được ba tôi cắt tỉa cẩn thận.
Nhưng có lẽ tôi phải cảm ơn cái thằng đã làm gãy chân tôi rất nhiều. Nhờ có nó tôi mới có thể sống chậm lại và không bỏ xót những thứ quý giá xung quanh mình.
Đó là vào một buổi chiều tôi ra sân ngắm nghía cây cỏ như thường lệ. Nhưng hôm nay sân vườn nhà tôi có một thứ gì đó khan khác. Đó là một chậu hoa lan ũ rũ được treo trên dây kẽm gần cửa sổ.
Tôi bối rối nhìn nó và chợt nhận ra đây là người bạn mà tôi đã bỏ quên từ rất lâu.
Chậu hoa Lan mà Ngọc Lan đã tặng tôi.
Dù chân vẫn còn đau nhưng tôi vẫn cố đứng dậy với lấy chậu hoa đó ôm vào lòng mà ngồi xụp xuống bậc thềm trước cửa.
Đúng là nó, chậu hoa lan mà Ngọc Lan đã tặng tôi trong dịp noel năm xưa. Nhưng sao nó lại ở đây héo úa trước khung cửa sổ nhà tôi sau gần một năm mất tích?
Người duy nhất lúc này có thể trả lời được đó chính là ba tôi, người chăm sóc số cây ngoài vườn này hằng ngày. Thế nên tôi gọi lớn:
– Ba ơi, ai treo chậu lan này ở cửa sổ vậy?
– À, chậu lan đó hả – tiếng ba tôi lớn dần cho đến trước cửa – hồi sáng tao kê lại mấy chậu kiểng thì thấy nó nằm sau mấy chậu gần đó đó! Chậu này của mày à?
– Dạ… à… ừm… là của con!
– Giờ thì tao nói mày là thằng vô dụng được chưa Phong?
– Dạ sao ba?
Thấy tôi vẫn còn trơ mắt ếch nhìn, ba tôi cau mày chỉ vào chậu hoa tôi đang cầm trên tay:
– Bản thân mày lo chưa xong, mày trồng hoa làm chi để nó héo thế này, biết hoa này quý thế nào không hả?
Bình thường thì tôi có lẽ chống chế mấy câu ngay vì thế nào ông cũng tìm cớ này, hoặc cớ nọ để la rầy tôi. Nhưng hôm nay tôi im lặng hoàn toàn, không phải vì tôi sợ ông mà là ông nói quá đúng.
Chậu hoa này là chậu hoa Ngọc Lan thích nhất, nàng giao cho tôi như một món quà quý giá và tôi có nghĩa vụ phải chăm sóc nó cẩn thận. Nay nhìn nó với vẻ héo úa hiện giờ, trong lòng tôi không khỏi thấy áy náy và xót xa. Nếu Ngọc Lan biết được, chắc nàng sẽ giận lắm, thậm chí nàng sẽ không muốn nhìn mặt tôi nữa. Thế nến tôi đành để ba tôi la mắng như một hình phạt dành cho mình và chỉ ngước lên nhìn ông khẩn khoản:
– Ba ơi, có cách nào cứu chậu lan này không ba?
Thoạt đầu ba tôi có hơi bất ngờ bởi biểu hiện lạ của tôi, nhưng rồi ông nhìn vào chậu lan tôi đang cầm tặc lưỡi:
– Bị bỏ lâu vậy rồi mà rể nó vẫn chưa thúi là hên rồi, sau tao biết đường cứu được!
– Vậy là nó sẽ chết sao?
Tôi thở dài ngồi xuống ghế, mắt vẫn nhìn đăm đăm vào chậu hoa mong sẽ có một phép lạ nào đó làm nó sống dậy. Tuy nhiên nó vẫn như vậy, héo úa, ũ rũ như một người bị bỏ đói lâu ngày.
Vậy là tôi sắp thất hứa với Ngọc Lan, tôi không thể nào chăm sóc chậu hoa tốt như những gì đã hứa với nàng được, chắc chắn nàng sẽ giận tôi và không thèm nhìn mặt tôi nữa.
Có lẽ thấy thằng con của mình vì một chậu hoa từ đâu rơi xuống mà ngồi thẫn thờ như thằng mất hồn, ba tôi đâm quạo, ông gắt:
– Có một chậu hoa mà mày làm ghê vậy, tốn cả đống tiền mua không trồng được giờ tiếc à?
– Không phải đâu ba, người ta tặng…
– Tặng thì mày càng đáng trách hơn nữa, đồ tặng mà mày vứt lung tung như thế thì ai dám chơi với mày nữa hả con?
Câu nói của ông làm tôi đâm chột dạ. Nó nhắc tôi nhớ lại cách đây hơn 10 năm Lam Ngọc đã tặng cho tôi con gấu bông và tôi đã suýt đánh mất nó chỉ vì tính bất cẩn của mình. Bây giờ lại một lần nữa tôi sắp phải chia xa chậu hoa mà Ngọc Lan thích nhất chỉ vì cái tính đó.
Nhưng trong thâm tâm tôi thực sự không muốn mất nó chút nào, đó là món quà đầu tiên Ngọc Lan tặng cho tôi, nếu tôi không giữ được thì tôi không còn mặt mũi nào nhìn nàng nữa. Vậy nên tôi lật đật ôm chậu hoa chống nạn vào nhà mặt cho ba tôi cứ đứng sững đó đó không hiểu chuyện gì đang xảy ra với thằng con trai của mình.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro