Phần 49
2024-08-03 14:32:13
Để đến gặp dì vú của Lam Ngọc không phải là dễ. Phải chắc chắn Lam Ngọc không có ở nhà tôi mới có thể an tâm mà đến bàn chuyện được. Thế là tôi phải có gắng gồng chiếc xe cà tàn của mình sau buổi học để ngồi quan sát trước cổng nhà nàng mỗi ngày. Cứ thế sau gần một tuần tôi đã nắm bắt được phần nào lịch sinh hoạt, sau buổi học nàng chỉ ra ngoài mỗi buổi chiều thứ 3, 5 và 7, có lẽ là để học võ vì lần nào đi tôi cũng thấy nàng mặc quần trắng võ phục.
Nắm bắt được giờ giấc đó, tôi lựa chọn đến nhà Lam Ngọc vào một chiều thứ 7 yên ả, sau khi nàng đã rời khỏi nhà chừng được 10 phút, tôi mới dám tò tè lại gần cổng nhà nàng bấm chuông cửa.
Đợi một lúc dì vú nàng cũng bước ra:
– Ồ, cậu là…
– Dạ con là bạn lúc bé của Lam Ngọc nè dì, lúc trước dì có nói chuyện điện thoại với con đó!
– À dì nhớ rồi, con vào trong đi đã rồi nói chuyện!
Đi theo dì vú vào khu bên của căn biết thự, tôi và dì cùng ngồi trên một chiếc băng ghế đá nhỏ được kê sát tường, từ đây tôi có thể quan sát rõ cả khu bên này cùng với khoảng sân phía trước nhưng thứ làm tôi chú ý nhất vẫn là chiếc xích đu ở phía đối diện, dường như lúc trước tôi có thấy nó một lần, nhưng chắc có thể là giống nhau thôi, vì xích đu nào cũng giống xích đu nào mà.
– Nghe cô Ngọc nói con bị thương ở chân phải không?
Dì ôn tồn hướng mắt về đôi chân của tôi.
– Dạ, cũng đỡ nhiều rồi ạ, cũng nhờ Lam Ngọc chở mỗi buổi sáng đấy!
– Ừm, như thế con may mắn rồi đấy, cô chủ chẳng bao giờ chịu lặn lội xa xôi để giúp bất cứ ai đâu!
– Dạ, ừm…
– Mà hôm nay con đến đây có việc gì?
– Dạ là vì những lúc thất thường của Lam Ngọc mà dì đã từng nói ấy ạ!
– À, hôm nay đến đây là về việc đó à? Được rồi, nghe nhé…
Rồi dì hít một hơi thật sâu:
– Con bé có lẽ bị tâm thần phân liệt đấy!
– Hả, tâm thần phân liệt?
– Ừ, cũng một phần do hoàn cảnh, nhưng cũng có thể…
Dì đột nhiên ngập ngừng.
– Sao thế dì, có thể sao?
– Có thể do con đấy!
– Hả, con?
– Con gặp nó từ hồi đầu năm học trước phải không?
– Dạ phải!
– Ừ, thì nó tái phát cũng ngần ấy thời gian đấy!
– Hả thật thế sao?
Tuy nhiên dì chỉ thờ dài rồi nói tiếp:
– Thực ra nó bị bệnh đó đã lâu từ những năm trước rồi, cũng vì chuyện gia đình nên nó mới bị thế thôi…
– Là sao dì kể rõ hơn đi!
– Ừm, dù không muốn nhưng đành thôi. Chuyện này đã xảy ra từ lúc gia đình này chuyển nhà rồi!
– Là lúc chuyển nhà 10 năm trước phải không ạ?
– Ừ, ba mẹ cô chủ cãi nhau rồi li dị, hai người bán căn nhà đó chia đôi gia sản. Vì ba cô chủ có khả năng tài chính hơn nên giành được quyền nuôi. Kể từ đó cô chủ chỉ mải mê vào việc tập võ, có những hôm đi học võ về mình mẩy bằm tím mà đâu dám cho ông chủ hay. Rồi tính cách của cô chủ thay đồi dần từ hiền lành, dễ thương chuyển sang lạnh lùng, dứt khoát, lúc đầu dì cũng chẳng quan tâm lắm vì cô chủ lớn mà, tính cách chắc sẽ thay đổi phần nào nhưng…
Mắt dì đột nhiên rớm nước làm tôi giật thót:
– Sao thế dì?
– Ừm… không sao. Mỗi khi cô chủ nhìn lại mấy tấm hình của bà chủ, lại có những biểu hiện khác thường, dường như trở thành một người khác yếu đuối hơn hẳn. Việc này dì không cho ông chủ biết mà tự dẫn cô chủ đến bác sĩ khám, tại đây dì mới biết cô chủ bị tâm thần phân liệt nhẹ, cứ mỗi khi nhìn thấy một thứ gì đó quen thuộc hoặc gặp một tình huống áp chế tâm lý là lại có những biểu hiện như thế, nó phản ánh con người thật của cô chủ rất mong manh, yếu ớt đằng sau lớp vỏ bọc lạnh lùng, trầm tính kia…
– Vậy có cách chữa trị không dì?
– Có chứ, dì đã thuyết phục con bé cất hết hình bà chủ vào từ đó bệnh tình con bé đã thuyên giảm khá nhiều. Cứ tưởng sẽ mãi như thế nhưng ngờ đâu đầu năm lớp 10 bệnh tình cô chủ lại tái phát. Lúc đầu là chỉ 1 – 2 tuần một lần sau lại tăng tầng suất lên mấy lần một tuần, cứ mỗi lần như thế cô chủ lại nhốt mình trong phòng chơi với mấy con gấu bông, hoặc không thì lại ôm gấu bông ra ngoài xích đu một mình, có đôi khi lại ôm cuốn nhật kí ngồi thẩn thơ nữa. Thấy cô chủ như thế, dì cứ tưởng mấy bức ảnh bà chủ lại lạc ra ngoài nhưng khi nghe cô chủ kể về con, dì đoán chắc nguyên nhân chính là con đấy!
– Là con ư?
– Đúng vậy, thấy nó lấy ra lấy vào đống đồ chơi gia đình trong kho thì biết là con rồi, chỉ có con lúc đó mới chơi mấy trò này với nó thôi phải không?
– Dạ, bây giờ phải làm sao đây dì!
– Đó là do con thôi, dì tin con sẽ biết cách làm cô chủ khỏi bệnh mà, đúng không?
Dì nở nụ cười hiền hòa làm tôi như chết lặng trước những suy nghĩ ngổn ngang trong đầu.
Tạm biệt dì, tôi rời căn biệt thự với tâm trang man mác lạ thường. Lam Ngọc xưa nay là một hình tượng gì đó quá đỗi bí ẩn đối với tôi, nhưng hôm nay tất cả lại được phơi bày trước mắt tôi với một hình ảnh đầy tăm tối và u uất. Không ngờ nàng lại bất hạnh đến vậy, thế mà trước giờ tôi cứ nghĩ nàng là một tiểu thư kiêu kì, lạnh lùng không thôi. Vậy ra tính cách nàng vẫn không hề thay đổi, nó chỉ được bao bọc bởi một cái vỏ lạnh lùng, băng giá có thể vỡ bất cứ lúc nào nếu gặp một tác động mạnh, và theo như dì vú nói, tác động đó chính là tôi.
Liệu có thật thế không, tôi là nguyên nhân để nàng phải bộc phát bản chất thật của mình sao? Nhưng ngẫm lại những gì dì vú nói và cả những lần nàng bộc phát trước mặt tôi, tất cả đều có một điểm chung duy nhất là gặp xúc tác. Nếu như lần ở trong kho chứa đồ là do bị đống đồ đè lên thì lần ở nhà tôi lại là do tôi bất cần đè lên nàng mới gây ra chuyện. Hỏi thì dì vú lại giao hết trách nhiệm cho tôi, nhưng tôi bây giờ biết làm gì ngoài gượng gạo mỗi khi gặp nàng cơ chứ.
Nhưng trước khi có thể an tâm giúp nàng khỏi bệnh, tôi phải gạt đi chướng ngại vật trước mắt trước đã, đó không ai khác chính là thằng Tiến và thằng Hiếu. Phần lớn thời gian tôi gặp Lam Ngọc đều là ở trường, nhưng đó cũng là lúc thằng Tiến lại bày trò cách ly tôi và nàng làm hai đứa chẳng thể nào có không gian riêng để nói chuyện được, thiết nghĩ nếu để lâu sẽ không ổn nhất là khi thằng Hiếu lớp phó học tập lúc nào cũng đầy đọa tụi tôi đến điên điên dại dại thì có sức trâu mới chịu nổi.
Ấy thế một hôm nhân lúc thằng Tiến với thằng Hiếu đi họp cán bộ đoàn và tất nhiên nó cũng kéo theo Lam Ngọc với tư cách thư kí lớp, tôi mới kéo theo thằng Khanh cùng bàn bạc với thằng Toàn về kế hoạch hạ gục hai thằng đấy vì trong lớp hiện tại tôi chỉ tin tưởng được tụi nó mà thôi.
– Chà, kế hoạch hử, không chịu nổi tụi nó rồi à?
Toàn phởn vuốt cằm cười nhoẻn.
– Dóc tổ, mày cũng có chịu được tụi nó đâu, bữa hổm cũng suýt phải lên bảng vàng!
– Thế mày có kế hoạch gì chưa?
– Có thì tao thực hiện lâu rồi đâu cần phải nhờ gì đến tụi bây!
– Bọn tao có kế hoạch thì thực hiện lâu rồi, đâu cần chờ tới khi mày hỏi.
– Thế là không có kế hoạch à?
– Ùm để tao nghĩ xem!
Nó lại vuốt cằm trầm mặt tỏ vẻ suy tư.
Lúc này tôi chỉ trong chờ vào nó thôi vì ngoài nó ra trong lớp chẳng còn cái đầu ma lanh nào có thể nghĩ ra được kế hoạch hay nữa cả, thằng Khanh khờ dữ lắm chỉ có thể dừng lại ở mức cộng tác viên kế hoạch là cùng.
Suy nghĩ được một hồi, thằng Toàn bắt đầu chề ra cái bản mặt phởn vốn có của nó:
– Hề hề, có rồi đấy, nhưng trước tiên phải tạo liên minh đã!
– Liên minh hử, thế nào mày giải thích kĩ tao xem!
– Đầu tiên tụi mình phải tao được lòng tin của thằng lớp phó lao động trước đã!
Dù chưa mường tượng được kế hoạch của nó cho lắm nhưng công việc đầu tiên mà bọn tôi phải làm lúc này là tạo được thiện cảm với thằng lớp phó lao động mà theo như thằng Toàn cho biết, có như thế mới làm bàn đạp cho việc hạ bệ hai thằng kia một lần và mãi mãi. Nhưng việc khó ở đây là phải làm như thế nào để tạo được thiện cảm với thằng đấy trong khi bọn tôi chả biết thông tin gì về nó. Thế mà trong cái khó ló cái khôn, người biết nhiều thông tin nhất lúc này chính là bọn con gái trong lớp, và nhỏ con gái ngồi gần nó chính là đầu mối cho việc khai thác thông tin này.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro