Chuyện tình nơi công sở

Phần 1

2024-07-31 05:05:33

– Long…

– Dạ, má kêu con?

– Có đứa con trai nào 26 tuổi mà vẫn giống mày không Long?

– Ý má là sao? Ý má muốn hỏi có thằng con trai nào 26 tuổi đẹp trai cỡ con hay nhiều gái theo cỡ con thì má nói rõ ràng ra coi!

– Má không có giỡn à nha! Mày thấy có đứa con trai nào 26 tuổi đầu vẫn lông bông ăn bám cha mẹ giống mày không Long?

Tưởng gì, lại chuyện này, nói hoài. Các cụ có câu: Tam thập nhi lập – > ý các cụ kêu 30 tuổi hãy tính tới… chuyện tự lập, sao cái câu đơn giản vầy mà ba má tôi nghe hoài hổng hiểu. Thấy con đi bar, đi nhậu, không mừng vì cuộc sống của con cái vui vẻ và nhiều bạn, tối ngày lo càm ràm sao mày không đi làm, không chịu đi kiếm tiền. Bộ… tôi tiêu tiền của ông bả có gì sai trái sao? Tình cảm gia đình mà cứ xen ba cái vụ tiền bạc này vô, thiệt tình không được hợp lý tí nào.

Bình thường thì chắc tôi kiếm đại cái lý do trên trời nào đó như nhức đầu, đau bụng, ghệ gọi để trốn vô phòng nằm khoèo, nhưng bữa nay không được suôn sẻ cỡ vậy. Ông ba tôi ổng ngồi trầm ngâm làm bộ ghê lắm, thủng thẳng kêu:

– Mày là cái thứ làm biếng, làm công ty nào cũng 3 hôm là xin nghỉ, không nghỉ thì bị đuổi, bộ mày tính ăn bám cha mẹ mãi sao? Như vầy đi, công ty chú Thắng đang thiếu người, mày chịu khó qua làm bên ổng coi sao. Việc cũng nhàn, không có gì hết, chủ yếu là tập cho mày lao động kiếm tiền dần cho quen. Quyết định vậy ha!

Thiệt tình tui chưa thấy có người ba nào thiếu dân chủ cỡ như ba tôi. Chính phủ muốn ban hành luật còn phải đợi quốc hội thông qua, bỏ phiếu, đằng này ổng cứ quyết định là tôi phải làm theo cái rụp. Bộ dễ dàng ăn hiếp tôi vậy sao trời? Tính cự lại, nhưng nghĩ tới việc mai mốt xin tiền ổng không đưa, tôi đành làm cái mặt khổ vâng một tiếng, lủi thủi bước vô phòng. Giọng ông ba vẳng lại đằng sau:

– Ba gọi điện cho chú Thắng rồi đó, mai mày qua làm luôn cho quen việc đi nha!

Lại còn vụ này nữa sao trời? Làm gì có chuyện nhận nhân viên ẩu tả dữ vậy, dám cái công ty của ông bạn ba tôi sắp… phá sản hay vỡ nợ gì đó lắm! Tôi nghe trong bụng càng thêm ngao ngán, đâm đầu vô gối cái bịch. Đang chơi long nhong, rụp cái mai đi làm, thiệt tình cứ như cơn ác mộng vậy!

Ngày thường, tui hay thức dậy vào lúc 11 – 12h. Thật ra thức dậy cái lúc đó mới thấy mặt trời rõ nhất, thức sớm quá có thấy mẹ gì đâu. Có điều, bữa nay coi bộ tôi đón bình minh đúng giờ. 6h sáng, bà má đẩy cửa phòng vô, la:

– Trời đất ơi, 6h sáng mà còn nằm chỏng gọng trên giường là sao? Bữa nay con đi làm ngày đầu tiên đó Long, dậy ăn sáng còn đi, lẹ lên!

Thiệt tình, cuộc đời tôi ghét nhất là dậy sớm. Thời đi học, tui khoái đi học chiều, thời đi cua gái, tui toàn hẹn buổi tối chứ chưa khi nào tôi làm gì buổi sáng hết trơn hết trọi. Ôm nguyên một bụng ngái ngủ và bực dọc, tôi lê cái thân vô nhà tắm đánh răng rửa mặt. Xong xuôi đâu đó, khề khà ly cafe, làm điếu thuốc, ngó cái đồng hồ đã gần 7h. Bà má lại giục cuống lên:

– Còn không đi thay đồ đi, Long!

Tôi ngao ngán bước vô phòng. Bận gì đi làm buổi đầu đây trời? Tính tui ăn mặc xuề xòa, thường chỉ jean và áo thun, vậy là xong chuyện. Tui ghét nhất mấy cái loại sơ mi hay quần âu, mặc nghe vướng víu một cục, làm cái gì cũng bất tiện. Bữa nay buổi đầu, chắc ăn mặc cũng nên lịch sự chút cho nó ra dáng dân công sở – tôi nghĩ bụng vậy. Chọn một cái jean đơn giản, khoác thêm cái áo thun đen, tôi lịch kịch bước ra xe. Bà má lại la thêm một chặp:

– Con bận đồ kiểu gì vậy? Bộ đi làm công sở được mặc vậy sao?

Tôi ngẩn người. Không lẽ đi làm công sở mặc… quần cộc ở trần sao? Bà coi bộ bực dọc, la:

– Quần âu sơ mi, bận vô lẹ lên!

Tôi thua luôn. Thiệt tình tôi nghi tôi và má tôi là… mẹ con họ lắm, chớ mẹ con ruột sao bả không khi nào quan tâm tới tủ quần áo của tôi hết trơn. Cái áo sơ mi gần nhất tui bận chắc cũng có tuổi đời cỡ 4 năm – cái bộ đồng phục nhân ngày lễ khỉ khô gì đó mà trường tui bắt mỗi đứa may một bộ. Nhưng lâu quá rồi, không rõ tui gửi nó đi qua mấy người nghèo hay đem cho ai rồi hổng biết. Ngó cái mặt nghệt ra của tôi, bả lại làm thêm một chặp:

– Chạy xe ra ngoài mua đại đi, còn đứng đó ngó cái gì?

Má tui là người nội trợ đảm đang, tuy vậy bả ít đi shopping dữ dội. Bởi vậy nên bả không có nắm được lịch mở cửa của mấy cái shop gì hết trơn. Tôi làm mặt khổ, kêu:

– Tầm này đâu có shop nào mở cửa, má ơi! Hay thôi, lỡ không có đồ rồi… con nghỉ bữa nay, mai mốt đi làm cũng được mà!

Bà má tui nóng tính thấy ghê luôn. Ngó cái mắt bả long sòng sọc, cái tay chống nạnh, cái miệng la chói lói:

– Đi ra chợ mua, cái gì cũng bày đặt vô shop là sao? Chợ họ bán quá trời ra đó, đi lẹ lên, đừng để má bực!

Từ nhỏ tới giờ có khi nào tôi đi chợ? Mà ba cái thứ đồ quần áo bán chợ tui cũng không nghĩ có lúc mình lại bận vô. Nhưng được cái tính tôi cũng xuề xòa, mặc đồ sao cũng không quan trọng, miễn không… ở truồng là được. Buồn rầu lê bước ra xe, cái xe cũng buồn rầu… không chịu nổ máy. Thiệt tình cái ngày gì đen quá xá đen!

Phóng con xe Max mà bà giúp việc hay chạy đi công chuyện bên ngoài, tôi tạt vô chợ. Chỉ đại vô một hàng gần nhất, tui kêu chị bán hàng lựa dùm luôn 2 bộ quần âu và áo sơ mi trắng. Khỏi cần bận thử chi cho tốn thời gian, tôi rút tiền trả bả cái xoẹt, khỏi thối lại. Dân chơi ai làm ba cái vụ lẻ tẻ lấy lại tiền thối.

Tôi biết bản thân có một cái ưu điểm là nhanh nhẹn tháo vát, nhưng không phải chuyện gì nhanh nhẹn. Làm tình chẳng hạn, nhanh quá ghệ nó bỏ mấy hồi. Nhưng cái vụ mua quần áo chợ mà lẹ quá, coi bộ tác hại cũng không thua mấy vụ xuất tinh sớm là mấy – tui nói thiệt luôn đó.

Thiệt tình tui không hiểu con mụ bán hàng quần áo kia có mua lại đồ cũ của tụi vận động viên thể hình hay không mà sao tôi ngó cái quần âu đích thực là quần của Phạm Văn Mách: Tui xỏ chân vô thấy cái gấu quần cách mặt đất chừng… 10cm. Còn cái áo sơ mi trắng, nếu nói không phải của cha nội Lý Đức cứ đem đầu tôi đi mà chặt. Tôi không thuộc dạng nhỏ con, nhưng bận vô thấy thừa thãi nguyên một mớ, dễ chừng đem luôn con mụ bán hàng nhét vô cũng còn dư chỗ. Đóng bộ đồ “công sở” mua ngoài chợ này vô, thiệt tình sao tui thấy mình giống tranh đả kích quá xá.

– Được rồi mặc đại vô đi, không có ai dòm đâu mà lo. Lẹ lên, 7 rưỡi rồi đó!

Giọng bà má lại vang lên phía sau. Thôi thì nhắm mắt đưa chân đại cho rồi. Dù sao cái thứ công sở chết tiệt này, tôi nghĩ chắc tôi chỉ làm chừng ba bữa là… họ đuổi thẳng, sức mấy mà chịu nổi. Nghĩ vậy, tôi cũng được an ủi phần nào, bận nguyên bộ đồ thừa trên thiếu dưới, thất thểu đi ra cái xe Max cũ xì. Ngày đi làm đầu tiên thê thảm gì đâu.

Ông Thắng là bạn ba tôi từ thời sinh viên. Cha nội này cũng người Bắc, hồi mới vào Nam nghèo xơ nghèo xác. Nhưng ổng giỏi dữ lắm, đầu óc thương trường cũng bén ngót, giờ cơ ngơi của ổng cũng thuộc hàng có cỡ trong thành phố. Công ty của ổng lớn, kinh doanh nhiều loại mặt hàng, trong đó phần lớn là đồ nội thất. Từ tủ, giường, bàn ghế, đèn treo tường cho tới bồn tắm, bình nóng lạnh, bồn cầu, nói chung trong nhà cần sắm cái gì tới mấy cái siêu thị của ổng là có hết trơn. Công ty ổng có chi nhánh cả trong Nam ngoài Bắc, nội trong thành phố mỗi quận đã có ít nhất một cái cửa hàng. Doanh số bán hàng mỗi năm nghe chừng cũng nhiều dữ lắm.

Có điều tôi chưa hiểu kêu tôi qua công ty ổng làm gì? Thiết kế bồn cầu hay cách tân bồn tắm? Mà nghe đâu ổng chỉ nhập hàng từ nước ngoài về chớ đâu có sản xuất mấy cái thứ đó? Nghĩ tới nghĩ lui một hồi không kiếm ra cái lý do nào nghe tạm tạm, đã thấy cái biển công ty của ổng nằm ngay trước mặt. Bự à nha!

Văn phòng công ty của ổng là một tòa nhà biệt lập, có 5 tầng. Phía dưới là sảnh tiếp tân và showroom, ngó vô coi bộ cũng khá sang trọng. Vài em nhân viên mặc áo dài đứng lố nhố bên trong, dịu dàng nói chuyện cưa cẩm khách mua đồ. Nếu ngày thường, ba cái chỗ này tôi cũng coi như… cái toilet nhà tôi, mở cửa đi vô đâu có ngại, nhưng bữa nay xem chừng hơi khác. Ngó lại bản thân bữa nay nhìn còn thua mấy đứa nhóc bán báo dạo, tôi đâm ngại ngùng, đứng chôn chân ở cửa hồi lâu. Nghĩ tới lui một hồi, tôi đành rút điện thoại, gọi cho ông ba:

– Con đang ở ngay công ty của chú Thắng nè ba. Mà tới đây rồi thì kiếm ai vậy ba?

Ổng ậm ừ một lát, kêu tôi tắt máy, chờ ổng gọi cho ông Thắng. Lát sau, máy tôi đổ chuông. Giọng ông Thắng hồ hởi:

– Thằng Long hả? Chú nghe ba mày nói qua chuyện của mày rồi, mày vô công ty chú là đúng luôn rồi đó. Để coi nào, tụi chăm sóc khách hàng đang thiếu người, mày chịu khó vô đó làm nha. Lên tầng 3 rẽ trái, có cái phòng mang biển chăm sóc khách hàng đó. Chú kêu tụi nhỏ ở đó rồi, mày cứ lên tụi nó chỉ việc cho. Vậy nha, chú đang đi công chuyện, mai mốt gặp sau.

Hồi nào tới giờ, tôi quen bắt gặp mấy ánh mắt trầm trồ ngưỡng mộ nhiều quá trời nhiều, nhưng chưa khi nào tôi chịu cảnh người ta dòm mình lom lom như sinh vật lạ như bữa nay. Thiệt tình chắc lâu lắm mấy người này cũng chưa có dịp đi coi tấu hài, nay ngó thấy bộ dạng của tôi cứ cười tủm tỉm hoài. Tôi cũng mặc kệ, làm mặt dày bước vô thang máy, chạy thẳng lên tầng 3.

Công ty gì đâu lắm các loại phòng ban quá trời, ngó nghiêng một hồi mới thấy tấm biển nhỏ xíu treo trước một căn phòng… bự cỡ cái nhà vệ sinh: “Bộ phận chăm sóc khách hàng”. Sao mấy cái phòng kia bự chà bá, phòng tôi chuẩn bị vô làm lại có chút xíu, lại còn nằm tuốt luốt trong góc mới tệ. Tôi thở dài ngán ngẩm, đẩy cửa phòng bước vô.

Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro

Nhận xét của độc giả về truyện Chuyện tình nơi công sở

Số ký tự: 0