Phần 25
2023-05-27 08:33:00
Thời đó đã lâu lắm rồi, và những chiến hữu đặc biệt này cũng không còn, kẻ liệt oanh ngã xuống nơi trận mạc, kẻ may mắn hơn cũng đã nằm xuống bởi tuổi già…
Với tôi, chúng là những “binh lính” thầm lặng dù không quân phục và cầm súng, chúng cũng “hy sinh khi làm nhiệm vụ” phục vụ con người…
Đây là một câu chuyện kỷ niệm, và chỗ nhớ chỗ quên, dài và lan man tầm phào, nếu không muốn đọc xin hãy bỏ qua nhé các bạn của tôi.
Đó là những năm cuối thập niên 80 đầu 90, khi tôi bắt đầu in bước chân mình lang thang trên những miền đất xa lạ, không phải Quê hương của mình, cứ nghĩ “chỉ rong chơi một lúc… ai dè mãi tới tận hôm nay”…
Đầu tiên, là “binh nhì Phu Cun”… ra nhập đơn vị, một cách vô cùng tình cờ.
Lúc đó chúng tôi ở buôn Bocum tỉnh Champasak, Lào… sát biên giới Campuchia, nơi dòng Mekong chảy qua, dòng Mekong lúc đó còn sạch và hoang sơ lắm.
Lúc đó chúng tôi có 6 anh em, anh Tân là chỉ huy, tôi lúc đó gần như là em út trong đội, búng ra sữa và tay còn chưa khô mực học trò…
Nghỉ ở nơi đó chỉ chừng hơn chục ngày trước khi sang Cam, chúng tôi ở ngay trên bãi gỗ bờ sông, dân cư nơi đó khá nhiều nhưng họ sống cách khá xa chỗ chúng tôi ở… một buổi chiều tầm 4 – 5 giờ gì đó, mấy anh em, người thì tắm giặt, người nấu cơm, người nằm lim dim trên võng… chợt anh C đang tắm dưới sông hét to, Hình như có người chết trôi các ông ơi!! Chúng tôi dừng tay tò mò nhìn ra sông, ngày đó gặp xác chết trôi trên con sông này là điều bình thường, không quá lạ.
Theo tay anh C chỉ, tôi thấy có cái bè nứa nhỏ thì phải, chừng vài cây nứa đại, loại nứa to gần bằng bắp chân người đang trôi trên mặt sông cùng cỏ rác, hôm đó phía nguồn chắc mưa nên nước sông đục hơn và khó nhìn. Anh Tân đang nằm trên võng hút thuốc vội chui ra gương ống nhòm quan sát, anh kêu, Ui có thằng nhóc, nó vẫn sống kìa các ông ơi… rồi anh vội cột sợi dây dù quanh bụng (sống trên sông nước luôn cần sợi dây này, đề phòng bị cuốn trôi thì người trên bè còn nắm sợi dây lôi lại) miệng hét: Dữ dây cho tôi… rồi anh lao xuống nước bơi ra chỗ cái bè nhỏ, do khoảng cách khá xa và nước chảy qua đây cũng xiết nên chật vật một lúc lâu chúng tôi mới kéo được anh T vào, anh ôm theo một thằng bé con…
Thằng bé chừng trên dưới 10 tuổi, nó chưa chết thật, tái nhợt nhạt vì ngâm nước lạnh, tay chân người ngợm xước sát te tua, nhìn nó mặc bộ đồ sĩ lâm tôi đoán nó chắc con cái nhà ai đó phía núi trên bờ, chứ con nít sống sông nước nhìn hoàn cảnh lắm chứ không có bộ đồ này được…
Sau khi được hơ lửa ủ ấm, nó tỉnh lại, khóc um sùm và luôn mồm gào gọi gì đó bằng tiếng đồng bào, giọng khản đặc… chả ai hiểu nó nói gì và ngoại ngữ nào nữa, cho nó uống tý nước đường rồi trời chưa tối nên mấy anh em tôi bàn nhau đưa nó lên võng tải vào làng gửi người dân tìm nhà nó ở đâu hộ…
Khiêng nó trên võng nó không chịu nằm cứ trườn xuống, nên anh em đành thay nhau cõng nó vào bản chừng 3 – 4 cây số, giao cho ông trưởng bản rồi quay về.
Chuyện sau đó tưởng không có gì, thì hai hôm sau, tầm 9 – 10 giờ sáng, có một nhóm người dẫn đầu là ông trưởng bản kéo tới, nhìn họ đeo súng kíp dài thòong có người đeo cả AK… anh em tôi “phím” nhau chuẩn bị “chiến” nhanh chóng tản ra trườn xuống sông, bám mép bè gỗ trọn vị trí chuẩn bị chơi lại… còn mỗi anh T ở lại bè, vì anh là chỉ huy, theo hiệu lệnh bỏ mũ trên đầu xuống đất là chúng tôi nổ súng thôi…
Nhưng khác với cử chỉ đi phăm phăm là mặt ai cũng rất rạng rỡ, hớn hở, điệu bộ khum núm lắm… qua trao đổi một hồi, anh T giơ tay làm hiệu, tất cả chúng tôi ngoi lên bè… hóa ra người cha thằng bé hôm trước tìm tới trả ơn cứu mạng.
Sau một hồi nói chuyện qua phiên dịch trưởng bản thì chúng tôi mới biết, thằng bé đó đúng là “rích kít” thật, cha nó đứng đầu một Mường phía trên nguồn, hướng Pakxong, và ông ta bắt buộc phải mời “ân nhân” về nhà để làm lễ cúng theo phong tục và trả ơn.
Thế là tất cả anh em chúng tôi cùng theo vì được mời (kể cả không mời cũng phải theo để canh chừng cho nhau) hành trang thì mỗi mạng cùi với ba lô cóc, phút mốt là “lét gâu” thôi…
Nhà họ khá xa gần hai tiếng mệt lử trên con Wat “tử trận” (xe Uat cứu thương) xe này người Cam dùng chở khách như ở Việt Nam thời đó… chúng tôi mới tới nơi, từ đường vào Mường còn đi bộ cả cây nữa, từ xa thấy rạp dựng, nhạc xập xình… chúng tôi hơi hoang mang, mỗi anh C người Nghệ An là hý hửng “A lúi… phen này lụt rượu ớ…(anh C rất khoái món này)
Lúc đó tôi mới biết, thằng bé con cái nhà “gia thế” ở đó, nó đi học qua cầu treo thì cả ba thằng đùa giỡn sao lộn xuống sông, hai thằng kia thì vẫn chưa tìm được xác, còn nó mạng lớn nên bám được vào bó nứa tộ trôi về phía chúng tôi, và được anh T cứu sống, trôi qua chỗ chúng tôi là chết chắc vì phía dưới nước siết và toàn rừng không có dân ở…
Chúng tôi được làm thượng khách, đeo chỉ đỏ, ngồi mâm trên có gia nhân chạy quanh phục vụ, đúng là ngập rượu thịt thật… thằng bé này là con “cầu tự” của gia đình này, trên dưới nó còn tới 5 chị em gái nữa… nó là người dân tộc Cao lan, cỗ món chủ đạo là ngô (bắp) rượu ngô, xôi ngô, cơm ngô, mèn mén, canh thịt gà nấu ngô xay, xương lợn cũng nấu với ngô, đồ ăn được bày ra lá chuối rừng hơ lửa, phong tục họ là vậy chứ không phải thiếu thốn mà phải ăn độn ngô, họ mổ hẳn con bò và hai con heo to, mấy chục con gà để mời Mường và ân nhân… có tới 3, 4 ông thầy cúng đội khăn xanh đỏ mặc áo choàng thổ cẩm cúng bái suốt đêm ngày rất cầu kỳ…
Ăn uống say sưa cả hai ngày, sau khi làm lễ nhận cha nuôi với anh T, theo phong tục họ kể cả hơn nhau một tuổi cũng được gọi là Pá (cha), chúng tôi xin phép về, tới lúc này thì có một bất ngờ ngoài mọi tưởng tượng của chúng tôi…
Ngoài số xôi, thịt, rượu làm quà, vác nặng vai, anh T còn được họ biếu… một con ngựa nữa ? ? ?, nghe nói đây cũng là phong tục họ (có bạn nào người đồng bào Cao lan trong trang tôi xin hỏi có phải không ạ?).
Xôi thịt rượu… thì chúng tôi không từ chối rồi, còn con ngựa? Không nhận không được, mà nhận thì đúng là dở khóc dở cười.
Đó là một con ngựa màu hung hung, loại ngựa cỏ người Lào nuôi hàng đàn, nó bất đắc dĩ phải “đi lính” theo chúng tôi.
Con ngựa này rất khôn, hay loài ngựa đều khôn như vậy vậy, nó có tên hẳn hoi, nó tên Cun, chỉ cần vỗ tay gọi Cun… Cun… là nó đang ăn ở đâu đó hý lên một tiếng và chạy lại ngay.
Chúng tôi đành dắt nó đi theo, có nó chở đồ lúc di chuyển cũng đỡ cực, nhưng di chuyển xa thì ông nào phải lái con Lamboghini này đi sau đúng là cực (vì ngựa không thể vẫy xe đò leo lên ngồi được, nên nó cảm phiền đi bộ cho khỏe thôi).
Lần đầu di chuyển tôi xung phong nhận cầm lái con “siêu xe” này… đúng là ối giời ơi luôn. Trước xem phim ảnh cứ thấy họ cưỡi ngựa tưởng đơn giản, tới lúc leo lên con siêu xe vô lăng dây, bu gi dài này mới thấy nó không lãng tử, thơ mộng hay hào hùng tý nào như phim… cưỡi ngựa mới thật khổ, ngồi tròng trành hay chân lõng thõng, vì không có yên cương, ngựa cỏ thì bé, tôi thì chân dài… nhiều khi đi qua cái lằn ở đường tôi thì đứng lại còn nó thì vẫn tỉnh bơ đi tiếp, nó đi giữa cái lằn hai chân tôi đạp hai bên bờ thế là đứng lên cái, người ở lại sác li ngựa thì đi bước nữa… cưỡi chưa quen lưng đau cứng, xóc hơn xóc ốc, ban đầu còn ngồi chễm chệ trên lưng nó như cao bồi viễn tây Mẽo, đi một hồi thì ngồi lệch một bên, vì mồ hôi nó ra rồi xóc chồm chồm, cà mông vào đỏ choét như khỉ, rát quá đành ngồi lệch… cuối cùng là xuống dắt ngựa.
Tôi hứng chí đặt tên nó là Phu Cun, họ Phu chiếm đa số ở người Lào, cấp bậc binh nhì, đơn vị đặc nhiệm quân báo Bộ ? ?.
Thế là Phu Cun chính thức “đi lính” lang thang khắp nơi cùng chúng tôi, làm “công tác vận tải” khi có đồ gì đó cồng kềnh, mà lính thì có mỗi cái ba lô chứ có đồ gì mà mang vác đâu, nên Cun nhàn nhã lắm, thỉnh thoảng mang hộ bọn tôi vài cái ba lô, và có tới hai lần nó mang thứ “hàng” đặc biệt, đó là túi đựng xác tử sĩ… hai người anh em đồng đội của tôi, và cũng là của nó đã ngã xuống vì đạn của bọn Ponpot…
Còn “chiến hữu” thứ hai ra nhập đội cũng đầy “ly kỳ” oái oăm và hài hước… đó là “binh nhì” Phu Èng (Phu Cun lên binh nhất). Một “bụi đời” thứ thiệt luôn…
Lúc đó, khoảng hơn tháng sau, chúng tôi di chuyển xuống cuối dòng Mekong trên đất Lào, sát biên giới Cam, giáp Xiempang.
Lần đầu tiên tôi phát hiện ra sự có mặt của nó là sau khi ăn cơm, tôi tụt xuống lán, ở rừng thường dựng lán cao để ở, dưới gầm lán tôi thấy một chú cẩu, chừng 4, 5 kg, bẩn thỉu… lông màu hung hung, nhuôm nhuôm… chả ra đen chả ra tím, màu lông đặc trưng của loài chó người Mông hay nuôi, thường gọi là Mông cộc, nhưng anh này không cộc, có đuôi đàng hoàng… điệu bộ nhút nhát sợ sệt, lấm lét… thấy tôi anh ấy bung chạy luôn, lúc đó nghĩ chó của dân quanh đó, khu đó là Vực Sên của sông Mekong, một ngã ba sông của dân bè gỗ sông nước sinh sống…
Hôm sau và vài ngày nữa tôi vẫn thấy nó, thấy nó có vẻ đói khát, tôi xúc cho nó ít cơm và cá sông ướp muối phơi khô, nướng… chỉ trong nháy mắt nó tợp sạch không còn dấu vết… rồi nó lân la kiểu vào xin chén nước, điếu thuốc… chỗ anh em tôi ở, chẳng ai đuổi nó còn cho nó ăn lúc thì cơm lúc thì cá hay xương… rồi sau anh ấy quen mui ở lỳ lại đuổi không đi, còn leo lên sàn lán ngủ, đêm sủa như đang trông nhà của bố tao vậy…
Anh em tôi đành chấp nhận sự có mặt của nó…
Cho tới ngày tất cả di chuyển, tạm biệt đất Lào thân thương để qua tử địa Cam chết chóc…
Khi thu dọn hành trang, thấy nó vẫn nằm tỉnh bơ nhìn chúng tôi, anh em đùa nói với nó, Thôi, về nhà đi ông tướng cơm no rồi, rượu say rồi, chia tay thôi… hết đường hết bột, hết tập một rồi… về đi bọn tôi đi đây…
Tưởng nó về, ai dè nó đứng lên đi theo bọn tôi, đuổi nó chạy xong lại quay lại đi theo… anh em áy náy, không biết chó nhà ai, hỏi ai cũng lắc đầu, người Lào, không phải của mình là không nhận, không giống người Cam, tăng xin giảm mua tích cực cầm nhầm…
Chúng tôi đi qua cái chợ cóc nhỏ của dân vùng đó, nó cũng lẽo đẽo theo sau, anh em hy vọng đi qua chợ thế nào chủ nó cũng thấy rồi ra lôi về…
Nhưng không, thằng này hình như bụi đời thứ thiệt, vô gia cư thì phải. Tới đêm lúc xuống tàu khách chúng tôi bảo nhau, Hình như con đen vẫn đi theo mình các ông ạ. Ban đầu gọi nó là đen, theo màu lông nhuôm nhuôm của nó… sau, lúc chính thức “nhập ngũ” tôi mới đổi tên cho nó là Èng, người Việt thì gọi chó là tặc tặc lưỡi và êu… êu… nhưng người Lào và một số người đồng bào ở ta lại gọi èng… èng… mới đầu gọi nó êu… êu, nó tỉnh bơ không bắt sóng, coi như điếc…(không biết ngoại ngữ khổ vậy đấy 񘰩, gọi èng… èng… mới vẫy đuôi.
Tôi đặt tên và lấy họ Phu của người Lào cho nó.
Xuống tàu, qua sông sang đất Stung Treng, Campuchia, thì Phu Èng chính thức bước chân vào giang hồ, không quốc tịch và vô chính phủ…
Loài chó thật khôn và tình nghĩa… khi còn bên Lào, thì dù ở với chúng tôi gần như ăn cùng mâm ngủ cùng sàn, nhưng không ai chạm được vào người nó cả, nó luôn đề phòng và chạy dạt ra tránh xa tầm tay con người…
Nhưng khi xuống tàu, tàu sông lúc đó bẩn thỉu kinh hồn, bò và ngựa ở ngay gần khoang người ngồi, thối um khai mù, gọi là tàu khách cho oai chứ cả sàn tàu không có nổi cái ghế nào, tất cả hành khách già trẻ lớn bé, lam lũ ngồi lê la hết dưới nền tàu bẩn thỉu ướt nhẹp…
Chúng tôi ngồi tụm lại một góc lẫn hàng hóa vì tàu quá đông.
Đang nằm trên những bao tải đầy những củ hành khô, nghĩ miên man về những ngày sắp tới, những nơi sắp tới… thì tôi thấy chân lạnh lạnh, cúi xuống nhìn xem cái gì thì tôi giật mình, tay bụi đời nằm ngay sát chân tôi và đang thè lưỡi liếm chân tôi, kiểu kiếm mối lân la xin chén nước điếu thuốc đây… tôi ngồi dậy thò tay xuống xoa xoa đầu nó, ban đầu nó hơi chút giật mình, nhưng ngồi yên cho tôi xoa đầu, rồi lúc sau bắt đầu tỏ ra thân thiện hơn…
Khi xuống tàu, đặt chân vào rừng là nó khác hẳn, rất hớn hở tung tăng lăng xăng chạy trước, kiểu dẫn đường mà có biết đường mẹ nào đâu mà dẫn…
Tới lúc ở rừng thì nó khác hẳn, luôn sà vào chỗ tôi và thằng L mỗi khi chúng tôi làm gì đó, có lần anh T đi qua thấy hai thằng đang đè nó ra bắt bọ chét và tôi lấy bút bi vẽ lên bụng nó… anh T cười trêu, Thân quá nhỉ, hiểu nhau chưa, ơ mà “thằng con trai” tao đâu rồi. Từ lúc được tặng ngựa thì anh T lên chức “bố” anh thường hay gọi binh nhỉ Phu Cun là “thằng con trai tao”…
Con Phu èng quả là khôn, đúng là một tay giang hồ bụi đời lăn lóc từ bé… nó gần như hiểu con người qua sắc mặt, hay giọng nói… khi ở Lào nó lơ ngơ và rón rén, khép nép bao nhiêu thì qua biên giới cái khác ngay, mặt ngầu pín hẳn, dù dáng vẻ không giống ai, chả được đẹp trai cho lắm… tai một bên cụp, một bên vểnh rất mắc cười, lông nhuôm nhuôm, người xây xước sứt sẹo lung tung, chắc chiến tích cuộc sống bụi đời hè phố ngày xưa, không biết xăm như người chứ biết xăm như con người tôi nghĩ chắc anh ấy cũng cõng rồng cõng hổ đầy lưng đầy bụng chứ chả chơi, rồi sỏ khoen, hút thuốc, múa quạt, lai chim chém gió nữa nhỉ ? ? ?.
Dần dà Phu èng bỗng nhiên thành quân số đội, khi ăn uống cũng một phần đàng hoàng không phải cơm thừa canh cặn nữa… rất nhanh nhẹn hoạt bát, và cà chớn, bên Lào ngây thơ bao nhiêu qua Cam cáo bấy nhiêu. Bên Lào thì còn sợ người qua Cam thì “gần Chùa gọi Bụt bằng anh”, chui rúc tranh cả chỗ ngủ với người nữa.
Rồi Phu èng cà chớn quá đà một lần suýt anh N cho vào nồi.
Đợt đó mưa rả rích cả tuần, xin xỏ mãi mới ở nhờ được một gia chủ người Cam, ông bà này và hai cô con gái (xấu như con gấu) rất khó khăn chảnh choẹ, với anh em tôi, chúng tôi ngủ nhờ dưới gầm sàn và nấu ăn thì phải ra ngoài gốc cây kể cả là mưa, vì hai cô bảo khói hôi họ không chịu được…
Chúng tôi không ăn ớt mà vẫn thấy cay lắm, nhưng đành chịu, có lần Phu èng leo lên cầu thang, bị cô chị thấy quát ầm lên… anh N và tôi phải chạy lên lau, dù cái cầu thang và cái nền sàn nhà thì má ơi, nó dơ hơn cái chuồng bò, toàn cát, Phu èng chạy lên có tý xíu các cô bắt anh em tôi phải lau suýt cả cái nền nhà ? ? ? ?, nhưng vụ đó chưa phải đinh điểm…
Vụ này khủng hơn ?.
Hôm đó là ngày hội chết tiệt gì đó của người Cam (thấy 365 ngày thì 366 ngày là lễ hội gì đó) hai cô con gái và bà vợ “lên đồ” đi “quẩy” ở trong Phum, còn mỗi ông già ở nhà.
Anh C. Nhìn bình rượu của ông già thèm lắm bèn nghĩ kế… anh rủ chúng tôi qua bên bờ bưng bắt rắn, bên đó mép những bờ thành chỗ trú ẩn cho rắn rết khi mưa gió, chúng đào hang ở hàng bầy, ri cá, ri cóc, ri voi… nhiều tới nỗi chúng tôi chỉ chọn con nào to, mập mới bắt… nhìn dòng ri này tôi thấy ớn ớn, không phải sợ rắn mà nhìn nó giống mấy con sâu béo múp trong rừng, ri sẵn mồi nên con nào cũng mập ù, to như cổ chân và ngắn tủn, bụng như bụng nhậu, mập tới nỗi chạy không nổi…
Được chục con, to khủng, thịt cả rồ thịt tầm phải chục người ăn…
Anh C làm các món rắn lá lốt, nướng niếc gì đó… thơm lừng rồi lên gạ gẫm ông già nhậu thịt rắn, mồi bén mà chắc cũng tranh thủ bà vợ hổ báo đi vắng, ông già ba chân bốn cẳng múc rượu ra ang bê xuống nhập cuộc ngay. Bọn tôi chả ai uống mỗi anh T và anh C, hai ông nháy nhau một hồi, thấy ông cụ nằm chỏng quớ no say rượu thịt, còn hai ông ông hỉ hả ngồi cưa bom tiếp…
Mấy anh em ăn xong nằm khểnh xem hai đại ca nhậu, cưa bom chém gió… không ai để ý Phu èng, tới lúc tự nhiên một người thấy có nước gì như tơ nhện trên sàn nhỏ xuống, ngửi thì thơm thơm… nghĩ ông già rót rượu làm đổ cái gì, thằng L chạy lên coi, rồi chạy xuống tá hoả báo tin… Chết cha rồi anh T ơi con èng chui vào chum mật ong nhà ông bà rồi…
Bọn tôi hốt hoảng chạy lên coi… trong chum mật Phu èng say mật ong không trèo ra nổi đang nằm lềnh bềnh mặt kiểu Chí Phèo, Kệ mẹ… đến đâu thì đến… ra phường là cùng…
Trèo vào uống mật xong trèo ra vừa say vừa trơn không ra được nên y đành nằm đó, trong lúc cố gắng trong tuyệt vọng để trèo ra thì y làm cái nắp chum mật ông già mở ra múc mật bỏ vào rượu quên không đậy lại, cái nắp to nặng bị nó hất sao rơi xuống những chum nhỏ hơn, ác cái là vỡ cả một cái chum màu đen hoa văn cầu kỳ và khá đẹp, có lần hai cô gái nói nó là đồ cổ và rất có giá trị…(người Cam rất nhiều và rất thích đồ cổ)
Thôi xong!
Chưa hết, trong lúc chạy xuống dưới tìm giẻ lau chỗ mật đổ thì thằng S phát hiện ra hiện trường một vụ “thảm án” kinh khủng nữa… nửa ổ gà con đã bị sát thủ máu lạnh Phu èng xuống tay hạ sát, đang nằm lăn lóc đầy cửa chuồng gà…
Thế này thì cáo trạng Phu èng chắc phải dài thăm thẳm chiều trôi rồi…
Không riêng nó mà anh em bọn tôi mới khổ, chắc cả 7 anh em phải ở lại làm chồng hai cô xấu kia, làm gia nhân hầu hạ suốt đời chưa chắc đã hết tội, hết nợ…
Còn Phu èng chắc bị treo như cái kẻng mỗi lần sáng lấy dùi đập phải kêu keng… keng… như vậy tới suốt phần đời còn lại thì hai cô xấu với bà già mới hả giận mất…
Làm sao bây giờ…
Hai anh T, C bỏ nhậu tỉnh cả rượu dù trước đó say khướt cò bợ nói méo tiếng…
Anh T hội ý chớp nhoáng, Bùng… dọn dẹp tốc hành, đua nhanh còn kịp…
Rồi phân công, ông này thu gom quân tư trang, ông kia đem chôn xác gà, ông kia vác Phu èng ra ao tắm cho sạch mật, thằng T mắt tinh chân chạy nhanh… phóng ra ngã ba kè leo lên cây săng lẻ xem bà già với hai cô con về thì chạy về trước báo…
Thế là trong tích tắc mọi thứ tạm ổn, còn mỗi cái bình cổ bị vỡ là không ổn…
Xong, anh T ra lệnh, Lướt…
Cả bọn đóng cửa đóng cổng tay nải gió đưa, đi không kịp thở…
Phu èng và anh C say lướt khướt một say rượu một say mật, L vác bao tải đựng Phu èng, tôi dắt Lamboghini Phu Cun trên lưng là anh C vừa đi vừa ói… cắt rừng thẳng hướng Khatkong…
Nghĩ thì thấy quá đáng, nhưng khổ nỗi lính thì hai tay không lấy gì mà đền cho họ được, với lại có đền được, mua được cái khác trả họ thì cũng bị các cô kia hành tỏi cho tướp xác, có khi xong vụ xuống tóc đi tu tránh xa trần tục luôn… rồi rủi hai cô bắt phải cưới họ trả nợ nữa thì đúng là đang yên lành đút mảnh sành vào đuýt…
Hai cô đã xấu lại còn tưởng mình xinh nữa, chắc nghĩ mấy thằng này ở rừng chỉ toàn thấy khỉ… vô duyên nữa, to như hai con voi còi mà làm đồ ăn thì cái gì cũng nói kiêng không ăn được… không hài lòng bất cứ chuyện gì dù nhỏ là cả ba mẹ con xuống túm tất cả bọn tôi chửi tắt bếp, bất biết đầu đuôi, chỉ cần thấy khúc giữa thôi… nhiều vụ chửi chán xong lên nhà thì bà mẹ lại nói, Ơ cái này tao làm mà… thế là cười hí hố với nhau, cũng chả thèm xin lỗi chúng tôi một câu nào, dù vô lý hết sức là suốt thời gian ở đó tất cả chúng tôi có người còn chưa bao giờ bước chân lên cái cầu thang, tôi thì chỉ lên chào họ đúng một lần hôm mới đến, vừa chào xong quay ra bị cô chị tay to như Mike Tyson vỗ bốp cái vào gáy, cười the thé… nói gì đó lúc đó tôi chưa nghe đc, xuống thấy anh T cười lăn dịch lại cho nghe là, Ô thằng này da trắng nhỉ có muốn làm rể Cam không… hé hé hé…
Thôi treo tôi lên bắn luôn giùm cái cho nhanh ? ? ? ?.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro