Phần 26
2023-05-27 08:33:00
Sau vụ “thảm án động trời” P Èng bị ghét như… chó ?. Anh C còn điên tiết nói, Thịt cho rảnh nợ, cho nó chừa…
P Èng rất khôn, chỉ ngồi im cúi mặt, không hiểu y nghĩ gì trong đầu.
Tội đó theo quân pháp thì y phải bị giáng cấp, tước quân tịch, đuổi về địa phương quản lý, hoặc cho đi cải tạo lao công… nhưng binh nhì là bết bát nhất rồi, giáng cấp nữa thì thành binh ba à ?, tước quân tịch thì y trên không chằng dưới không buộc, tước phút mốt, còn đuổi về địa phương, thì đuổi mãi có về đâu… làm gì có “địa phương” mà về ? ? ?.
Cuối cùng sau cuộc họp ra quyết định kỷ luật thì anh T chủ trì đứng lên vươn vai ngáp… Thôi kệ cha nó, chạy được là may rồi, tao nghĩ tới cảnh bị ba mẹ con chửi hôm cái áo gối của nó phơi rơi xuống… mà tao nóng lạnh quá, thôi đi ngủ đi.
Giải tán họp, ai cũng sỉ và P Èng… mẹ mày đang yên đang lành tại mày. Mày thấy tội mày chưa??
Riêng tôi tới gần nhòm thì thấy y ngủ từ lúc nào rồi.
Tháng sau, anh T bị thương đi viện, anh N cùng 4 anh em khác sang sườn Đông, tôi cùng mấy anh em đi chăn bò.
Những ngày sáng cầm tiền tỉ đi chơi tối lùa tiền tỉ về đó đúng là cực, nắng kinh hồn, nắng đến cháy cỏ, ngày nào cũng phải di chuyển rất xa tìm vùng cỏ, sâu trong rừng, mìn đầy rẫy, lúc nào cũng luôn chuẩn bị sẵn tư tưởng hôm nay là ngày cuối cùng được mở mắt dậy, đụng tàn quân liên miên, bom đạn vẫn đì đùng trong Anlonh venh vọng ra…
P Cun thì quả là được việc khi chịu trách nhiệm chở bao đựng nước và lương thực, còn Èng vẫn thế, lon ton chó chạy trước cầy…
Lùa bò ra bãi Èng có trò mới, đi săn rắn và bọ cạp, vài lần mỏ sưng như mỏ than vì bị bọ cạp chíu cho…
Mà con vật quả là thông minh thật, tôi cùng Èng đi bắt rắn nhiều lần, con người thì còn biết phân biệt đâu là rắn độc đâu là rắn thường… qua tìm hiểu, còn chó… nó cũng biết luôn. Tôi nghĩ chắc do bản năng của chúng.
Bình thường gặp ri coc, hổ ngựa hay hổ hành, rắn xanh hay hoa cỏ đen… thì anh ấy rất ngầu, bay vào vồ luôn không cần tránh né, dù lũ rắn rất to và hung dữ, có những con hổ ngựa ngóc đầu lên cao cả mét và to như cườm tay, dài ngoẵng, hổ hành thì toàn thân sáng choang như mặc giáp kim cương ngóc đầu há mồm bành cổ, rắn xanh thì nhọn hoắt như cây lao, hoa cỏ đen thì nhìn như con trăn nhỏ, dòng hoa cỏ tôi thấy ở Cam sao nó to khủng khiếp vậy, người ta từng bắt được con nặng tới hơn 5kg, như một con trăn con… nhưng những loại màu mè, hùng hổ hay to xác này gặp Èng tắt điện hết… nhưng đặc biệt là gặp lục hay chàm oạp hay hổ chúa thì nó khác ngay, thận trọng và dè chừng chứ không bay vào “nốc ao” luôn… dù những loại đó thường có bộ dạng lù khù chậm chạp như lục đầu to… không hung hăng “màu mè” như những loại thường. Chắc hẳn nhiều năm kinh nghiệm “bụi đời” dạy cho y hiểu câu: Không sợ kẻ ngu tỏ ra nguy hiểm mà nên sợ kẻ nguy hiểm giả đò ngu…
Lùa bò đi thì gần như ngày nào cũng bị bò đạp vào chân vì tội chạy lón cón lạng lách trong đàn bò, thấy nó khập khiễng tôi vừa buồn cười vừa không biết phải làm sao dạy nó cách đạp lại, như trẻ em đi chăn trâu bò, vô tình bị trâu bò đạp phải chân chúng có cách chữa mẹo rất hay là đạp lại cái chân của con trâu hay bò vừa đạp lên chân chúng, và không bị sưng và cũng ít bị đau hơn.
Còn Cun thì luôn điềm đạm nhẫn nhục chịu đựng mọi điều kiện khắc nghiệt… thấy nó phải đeo hàm thiếc vướng víu và khổ sở khi ăn, tôi cắt vứt bỏ hàm thiếc, quấn dây vào cổ nó như xích chó dắt đi, sau nó quen tôi bỏ dây cho nó như ngựa hoang, đề phòng lỡ mấy anh em có chết hết thì nó sống trong rừng thành ngựa rừng không vướng víu dây rợ gì nữa.
Cun hiền nhưng cục tính, hai ba lần nó nổi xung khi bị Èng đùa quá trớn nó cạp Èng nghiêng đầu quăng một phát Èng bay cả chục mét, kêu khóc inh ỏi sợ xanh lè luôn.
Bị ngựa đạp vào chân mới khủng, mà đặc tính loài ngựa cũng chẳng giống ai… đi đường mà gặp chúng cung cúc thồ hàng thì dù có là đường này của bố mày… thì cũng nhanh nhanh mà bay sang một bên mà tránh. Loại tốc độ cao phân khối lớn này cứ tằng tằng giữa đường thẳng tiến không né bố con thằng nào, không pha cốt còi kèn gì hết ráo…
Người ta vẫn nói câu kiếp trâu ngựa… ám chỉ sự khổ ải. Đúng vậy… tôi không biết mọi người có để ý không, còn tôi tôi thấy ánh mắt hai con vật này thật tội. Từ ngày còn nhỏ xíu ở với ông bà ngoại trên Lạng Sơn tôi vẫn nhớ có những chiếc xe ngựa chở hàng và chở khách, Đông cũng như Hè, mưa cũng như nắng… chúng lầm lũi kéo chiếc xe đầy những hàng hóa hay người… tôi chưa bao giờ dám leo lên xe ngựa hồi nhỏ, vì khi đó thấy thương con ngựa phải kéo mệt…
Mắt của ngựa đúng là ánh mắt của sự chịu đựng, nhìn xuống và buồn bã…
Ngày phải kéo xe, thồ hàng, tối ngủ đứng… thật tội cho một kiếp sống.
Cùng băng đảng chăn bò với chúng tôi có một băng khác, có sáu bảy người, hai phụ nữ làm công tác hậu cần và những người đàn ông.
Mấy tay đó người Cam, thỉnh thoảng có chuyện trò với chúng tôi, nhưng họ không mấy thân thiện và khó gần. Mấy tay cao bồi Cam này cũng thuộc loại sắt đá, vất vả nắng nôi nhưng quanh năm suốt tháng, không đau ốm gì, hở ra có rượu là nhậu, mà thứ rượu thốt nốt uống ngang ngang nhằng nhặng chả ra sao nhưng các cao bồi này vẫn tát như tát ao, không câu nệ… và món nhậu khoái khẩu của họ mà tôi kinh hãi nhất là mực khô sống với xoài xanh bào trộn mắm bù hóc… thôi, đúng là nhấc xác chứ hổng phải nhức nách nha bà con. Cái mùi mắm thật quyến rũ và ấn tượng rất “sâu đậm” với tôi, có thể ví như mối tình đầu vậy, thật trong sáng, ngây thơ… với những rung động đầu đời của con tim, và không dễ gì có lại cảm giác đó hay quên nó… giống như mắm bù hóc, cô bạn tôi tên Thu Thuy Nguyen khi nghe tôi tả về món mắm thánh thiện và trong sáng đó thì hớn hở hỏi… ? ? ? ui… ui… nó ngon không anh? Hôm nào anh qua đó nhớ mua về cho em một chai nhé ? ?, tôi bảo nhưng mắm đó ăn không hết thì người ta phải đem bôi lên tóc như nước hoa vậy. Sao lại thế hả anh?? À vì mùi nó rất đặc biệt, nó giống câu hát Hoa sữa vẫn nồng nặc đầu phố đêm đêm đó… Thơm lắm hả anh? Ừ… nó giống y chang mùi… chuột chết vậy ? ? ? ?.
Sau này món mắm đó họ làm sạch hơn, chứ lúc đó tôi thề là mở hũ ra tôi thấy cả chuột, ếch nhái, rắn mối… tùm lum ? ? ?.
Mấy tay cao bồi Cam cũng tếu, ngày đó các anh ấy thần tượng Thẩm Thuý Hằng, Diễm My của Việt Nam hay hoa hậu Pon thyp của Thái lan cơ… không thèm thờ Bụt chùa nhà nha…
Các anh khen gái Việt Nam đẹp lắm, da trắng… ờ cái này đúng thiệt. Rồi các anh ấy gạ bọn tôi dạy cho vài câu tán gái Việt, giống như câu “Un salanh boon te” họ dạy cho lính chúng tôi… nhưng bọn tôi dạy các anh ấy những câu khác, đại loại như “Em ơi người anh lắm rận lắm, có cả rận trâu với rận bò” hay ” Yêu anh đi nhà anh có đàn gà rù, chốc lại thịt, chốc lại thịt” các anh gật gù và thỉnh thoảng lôi ra ngân nga, chúng tôi phải nghiến răng lại quay đi để không cười bò ra với nhau.
Các cao bồi Cam này nhỏ thó da đen thuiiiii, như sét đánh trượt, tới nỗi tôi nghĩ đi đêm mà các anh ấy không mặc gì thì đúng là sự nguỵ trang hoàn hảo ? ?
Nói tới “đồng nghiệp” bò năm xưa thì không thể không nhắc tới “Lão Bà bà – Cố Đại Tẩu” chúng tôi đặt biệt danh cho bà vậy. Đó là một con người kỳ lạ vô cùng, có thể nói là kỳ lạ nhất trong những người kỳ lạ mà tôi từng gặp cả nửa vòng trái đất.
Không ai trong những người chăn bò khi đó biết về tên thật hay gốc gác của bà – tôi tạm gọi là bà, vì hình như là vậy nhưng chưa chắc đã phải thế – vì nếu thoạt nhìn, thì tôi tin là 10 người thì cả 10 người không thể biết gọi ông hay bà cho phải phép.
Năm đó Lão Bà chừng 70/80 tuổi tóc rụng hết, đầu trọc bóng, bà không đội hay quấn khăn cà ma như người Cam, mà đội một chiếc mũ vải tự khâu lấy, vuông vuông giống như phụ nữ thời xưa trong phim tàu hay đội, kỳ quái như mũ thông thiên của mấy tay đạo sĩ. Trời nóng tới hơn 40 độ bà luôn mặc mấy lớp quần áo, cả tuần hay nửa tháng mới thấy bà đi tắm, bà thường hay ngồi phơi nắng tắm… khô dưới gốc cây, dưới cái nắng như đổ lửa…
Dáng vẻ già nua, nhưng động tác, lời nói và ánh mắt thì rất nhanh nhẹn và tinh anh, dưới đôi lông mày bạc trắng là đôi mắt vẫn đen, trong vắt và sắc như dao… bà đi giày quanh năm suốt tháng giống bọn tôi, bọn tôi mang giày “bốt đờ sô” của lính Mỹ cổ cao để chống rắn rết và giảm bớt sát thương từ mìn cá nhân. Bà mang một đôi giày vải loại tàu khựa viện trợ cho lính ponpot, có viền xà cạp giống giày Mỹ nhưng bằng vải dầu… lưng bà còng gập nhưng không cần chống gậy vẫn đi lại bình thường thoăn thoắt. Nét gương mặt, không giống đàn ông hay đàn bà, giọng nói cũng vậy… bà nói bập bẹ được tiếng Việt, nói sõi tiếng Thái, một vài lần nói chuyện với bà tôi nghe bà nói bà là người Khơ me, Cam gốc… tôi vẫn dạ, vâng… nhưng không tin điều đó, bởi nước da bà rất trắng và mịn màng, điều này các cô gái Cam tiểu thư ở thành phố còn hiếm thấy, lúc đó…
Có một lần bà vừa ngồi tắm khô ở gốc cây xạ tị giữa trưa nắng lửa và đàn bò đang ăn cỏ hay nằm thở rải rác ở lòng suối cạn gần đó… tôi nghe tiếng bà hát ngân nga ư ử… nho nhỏ, phải người khác sẽ không để ý, nhưng tôi biết đó là Kinh kịch, một thể loại ca kịch chỉ có ở Trung quốc, pha trộn giữa Hán kịch và Huy kịch… cách phát âm của bà nghe kỹ mới thấy “lệch tông” một vài từ rất ít, lỗi thường gặp của người tàu khi dùng ngôn ngữ khác… trong con mắt của bà thì chúng tôi vẫn là những tên tù Việt Nam vượt ngục đang trốn chạy tìm đường tới một nước thứ ba… và tôi biết bà cũng không hoàn toàn tin vào điều đó, tuy bọn tôi trong vai những kẻ phàm phu tục tử ngu dốt và lỗ mãng…
Bà dùng “thuật chú” một cách công khai, không dấu giếm, những “tà thuật” bí ẩn nhưng bà không nói mà sẵn sàng chứng minh nó có thật bằng hành động.
Bạn có bao giờ tin một bà cụ ngoài 70 lưng còng gập và tóc đã rụng hết, có thể thi chạy lên một sườn núi đá khá dốc, đá và cây nhỏ lởm chởm… với một thanh niên 25 tuổi không?
Chỉ trong chớp mắt, như trong phim tàu… Lão bà bà vun vút tưởng như chân không chạm đất, bật và nhảy lách qua chướng ngại vật và đứng trên đích trước thanh niên kia đúng một nửa quãng đường, lạ lùng hơn nữa khi quay xuống, bà không hề thở dốc hay tăng nhịp tim, thân nhiệt… tôi đã vờ ôm bà mừng chiến thắng để kiểm tra điều này, hơi thở và giọng nói bà gần như bình thường.
Bàn tay người già xương xẩu với những khớp lộ rõ… rất nhanh quạt ngang cổ con hổ chúa khi nó vừa ngóc lên cao tới 70cm ngay cạnh chỗ bà ngồi ăn tối lúc trời đã nhá nhem, khi bắt con rắn về, chính tay tôi đã mổ và lột da nó và kín đáo quan sát vết thương ở gần cổ nó, đúng như tôi nhận định… Lão bà bà là một “quái nhân” thứ dữ, người bình thường, khỏe mạnh dùng gậy gộc chưa chắc đã hạ được con hổ chúa dài hơn 3 m và nặng hơn 2kg vào lúc nhá nhem tối là giờ của rắn như vậy… bà nói gạt nó ra nhưng cú đánh rất chính xác và cực mạnh phía dưới đầu nó tầm 20cm… người ta khi muốn đánh chết một con rắn thì vẫn nhớ câu đánh rắn dập đầu… mấy ai biết tử huyệt của rắn không phải ở đầu, và ra đòn nhanh mạnh chính xác như vậy.
Tôi bắt trăn, rắn cũng vào hàng thiện xạ, nhưng để hạ “nốc ao” một con hổ chúa thì chưa bao giờ làm được như lão bà bà đó cả, vì khi bất ngờ đang ăn mà gặp rắn cực độc tấn công thì ít ai đủ tỉnh táo mà ngồi im ra đòn mau lẹ vậy.
Bản thân bà, hay những người khác, bỏ quên một đồ vật gì đó ở đâu… bà chỉ cần ngồi nhắm mắt ngẫm nghĩ một lát là có thể chỉ đúng hướng và có trường hợp chỉ cụ thể vị trí vật bỏ quên như chiếc khăn gấp lại vắt giữa hai thân cây… hay là chính bản thân tôi đây, tôi có hai thứ luôn mang trong người một trong hai thứ kể cả khi tắm giặt, đó là con dao găm và khẩu col 45 của Mỹ, khẩu súng này tôi thu được từ xác một Ăng ka bị tôi bắn hạ. Và thứ hai là con dao găm của một người anh đi trước tặng lại, anh đã hy sinh ở Nemit sau khi tặng tôi con dao khoảng 3 tháng sau…
Lần đó thỉnh thoảng xe từ ngoài nông trường vẫn vào để chở bò ra ngoài giết thịt, sau khi lùa bò lên xe tôi xin đi nhờ xe ra ngoài vì tối họ lại quay vào ở trại ngủ để 2 giờ sáng dậy lùa bò lên và chở ra sớm…
Chở bò là một nghệ thuật của tài xế, vì bò không biết giữ thăng bằng như người, nên xe rất dễ lật nếu cua gấp, lũ bò sẽ cùng nhau dồn theo lực văng của xe… hoặc khi nhồi lắc bò rất dễ té ngã, mà đã ngã thì nó sẽ bị những con khác dẫm đạp chết, khi thấy nó té ngã phải bằng mọi giá lôi nó đứng dậy, bị buộc đứng thành hàng trên thùng xe chở đi chúng rất khó chịu nên khi ngã nằm xuống là chúng lỳ ra nhất định không đứng dù mình có lôi đứt cả mũi nó, có một mẹo đơn giản khiến nó phải đứng, là một người cầm dây lôi đầu nó ngóc lên, người kia cầm can 20 lít nước cứ thế đổ vào lỗ mũi nó, có con sau vài lít la đứng có con cả mười mấy lít no nước mới đứng…
Hôm đó bò bị ngã, phụ xe mơi không biết nên tôi phải leo lên thùng chỉ cho họ, và bò ngã dây bị tuột, tôi đã móc con dao cắt sợi dây khác để cột lại, trời nóng quá đứng trên đoạn giữa ca bin và thùng của xe Praha ai từng rồi sẽ hiểu, máy loại xe cổ quái đó mạnh kinh hồn và tản nhiệt phía sau cabin, nên giữa ca bin và thùng có một khoảng cách không liền như loại xe khác… cắt xong tôi gài con dao vào khe cửa gió trên nóc cabin rồi quên luôn. Khi về lục tìm loạn lên khắp nơi… đang tuyệt vọng vì không thể thấy nó vì chỗ ở là cái lán trống hươ mấy anh bới nát không thấy, ra ngồi thở cố nhớ xem vứt đâu, thì lão bà bà đang ngồi đó cười với trăng, tôi tiện miệng thì hỏi thôi chứ bà có ơ bên chỗ bọn tôi đâu mà biết… vừa hỏi vừa ra hiệu mãi không thấy bà trả lời, tôi cúi dòm mặt bà vì trăng lờ mờ… thấy bà nhắm mắt, tôi im lặng ngồi chờ đợi khoảng nửa phút bà mở mắt nói, giọng khao khao… gài trên nóc xe đó con, mai nó quay vào đây rồi lấy, tài xế kia nó nghỉ rồi… nhớ nhìn xe.
Đúng y chang, sáng hôm sau xe vào, người tài xế mới chứ không phải người cũ, tôi vội vàng leo lên nóc xe, con dao vẫn gài đó… tới tận lúc đó tôi mới nhớ hôm đó đã rút dao ra cắt dây rồi quên…
Có những chuyện thật lạ lùng không thể lý giải.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro