Phần 26
2024-08-03 08:05:45
Tôi lao vào công việc như một kẻ điên, ngày đi làm ngoài công trường tối về tôi tranh thủ làm khối lượng, hôm nào không làm thì lại đi uống rượu với mấy anh cùng công ty, đến Tết nếu mấy hạng mục tôi phụ trách bàn giao thì tôi sẽ được điều chuyển về Hà Nội thế nên tôi có gắng hết sức để hoàn thành.
Được chuyển về Hà Nội thì 1 nửa kế hoạch của tôi và em sẽ hoàn thành, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội bên nhau hơn, khi đó công việc ổn định rồi tôi sẽ dễ ăn nói với bố mẹ em hơn khi thuyết phục 2 bác. Nghĩ như vậy và tôi quyết tâm mọi giá đạt được nên kết quả là rất khả quan, tuy nhiên công việc bận bịu đã khiến cho thời gian tôi dành cho em ít đi, chúng tôi vẫn nhắn tin gọi điện cho nhau, em trên đấy vẫn thế, vẫn đang thuyết phục bố mẹ cho em chuẩn bị thi cao học đợt 2, đó là cách duy nhất để em có thể về bên tôi, chứ việc xin vào dạy học dưới Hà Nội chỗ tốt không phải điều dễ dàng, bố em thì không bao giờ chấp nhận cho em đi làm nghề gì không phải là dạy học.
Thấy tôi rất hào hứng với việc sẽ được chuyển về tổng, anh Sơn cùng phòng có nói chuyện:
– Em chán công trường rồi ah, trên này khổ quá à?
– Làm gì có anh, em về cty làm cho ổn định 1 chút.
– Người yêu gọi về chứ gì, chắc lại sợ đi lăng nhăng hả?
– Không anh ah…
Thấy ông S này có vẻ chân tình, lại vợ con rồi cũng từng trải nên tôi có tâm sự với ông ý, kể cho ông S nghe chuyện của tôi và em, ông này dội luôn cho 1 gáo nước lạnh vào tôi:
– Anh nói em đừng buồn nhé…
– Vầng, có gì anh cứ nói đi không sao đâu.
– Anh thấy bố em ý cũng có cái lý của ông ấy, người lớn cũng có cái đúng đấy em ah.
– Vâng, em có bảo ông ý sai đâu.
– Đó là cách tốt nhất ông ý làm cho con gái, để đỡ khổ sau này như đứa chị nó…
– Nhưng làm thế là ngăn cấm tình duyên anh ạ…
– Không có tình này thì sẽ có tình khác, không ai chết vì thất tình em đâu em a…
Cái lý của ông này nghe cũng vào tai nhưng tôi nuốt không có trôi, tôi yêu em và rất nhớ em, nên tôi sẽ quyết tâm theo đuổi mục đích của mình, dù có ai ngăn cấm thì tôi cũng sẽ vượt qua.
… Bạn đang đọc truyện Tình mãi xanh tại nguồn: http://bimdep.vip/tinh-mai-xanh/
Những ngày cận kề Tết đến, tôi đã bàn giao hạng mục trước thời hạn, được mấy chú trên công ty biểu dương và cho chuyển về công ty dưới Hà Nội, tôi vô cùng vui sướng, vậy là kế hoạch của bọn mình đã đạt được 1 nửa, em cố gắng thi đỗ cao học, khi em ra trường sẽ có công việc tốt, chúng mình sẽ cùng nhau xây đắp tương lai.
Tôi sẽ về quê em để biếu quà Tết đồng thời báo tin vui cho em luôn, nghĩ đến cảnh em tròn mắt ngạc nhiên vui sướng, tôi thấy trong lòng rộn rã, đang mùa đông lạnh mà cây cối như xanh tốt hơn, đâm trồi nảy lộc. Lại bắt chuyến tàu sớm về quê em, một ngày mùa đông lạnh giá, sắp Tết rồi có khác, tôi hòa vào dòng người đang vội vã về quê ăn Tết, ai cũng hối hả tất bật hơn ngày thường.
Đây là lần thứ 6 tôi về quê em, phong cảnh nơi đây vẫn đẹp như thế, trời mùa đông sắp chuyển sang xuân, mưa phùn bay lất phất, những cành đào phai trong vườn đã chúm chím nụ, chỉ mấy ngày nữa thôi sẽ nở bung tươi sắc đón mừng xuân mới. Giữa cái không khí này con người ta thấy thêm yêu đời hơn, tàu Tết nên về ga chậm hơn so với ngày thường, đến nhà em thì đã hơn 2h, cổng đóng im ỉm, tôi gọi điện cho em không thấy bắt máy, đứng ngoài gọi cổng 1 hồi không thấy ai thưa, tôi lững thững đi bộ ra ngoài đường lớn, ngồi ở 1 quán nước ngay đầu ngã ba đoạn rẽ vào nhà em, cuối năm vắng vẻ chỉ có mình tôi ngồi quán uống hết mấy chén trà, nhắn mấy cái tin nhưng không thấy em trả lời, tôi muốn em bất ngờ nên trước khi đi chẳng báo trước cho em, thấy vẻ sốt ruột của tôi bà cụ bán nước hỏi:
– Chú chắc không phải người ở đây nhỉ?
– Vâng a.
– Chú ngồi đợi ai ah?
– Cháu ngồi đợi người quen bà a, cháu có người quen trong kia nhưng không có ai ở nhà.
– Nhà ai thế?
– Nhà bác V công an.
– Ông V ah, đầu giờ thấy đèo vợ đi qua đây rồi.
– Thế hả bà.
Chẳng biết làm gì tôi ngồi buôn chuyện với bà cụ già, đủ thứ chuyện trên đời, ở đây cũng làng quê nên mọi người biết nhau hết cả, nhà nào có chuyện gì là y như rằng cả làng cả xã biết hết. Rồi bà cụ kể 1 tràng về nội tình gia cảnh nhà em nghe cứ như là người trong nhà, nào thì đứa đầu ăn cơm trước kẻng bụng ễnh lên phải cưới gấp, nhà chồng giàu nhưng khó tính, bà ngoại phải nghỉ hưu non lên bế cháu không chịu được lại về, nào thì bố em gia trưởng độc đoán nhất nhà…
Tôi cũng chỉ biết ngồi nghe rồi ậm ừ cho qua, chẳng tâm trí đâu mà chuyện với trò, nhưng ở cái quán vắng vẻ này chắc là chẳng mấy khi có khách, bà cụ không có người nói chuyện nên khi gặp tôi cứ ngồi lỳ ở đấy nghe thì nói không dứt mồm. Khi nói đến đoạn về em thì là: Cô thứ 2 học dưới Hà Nội mới về, ông V đang xin cho vào dạy cấp 3 trường huyện, xin được vào đấy cũng phải chạy trọt khó khăn tốn kém lắm chứ không ít. Nghe đâu sắp lấy con ông X trên huyện…
Nghe đến đây tôi thấy ù hết cả tai, người đột nhiên hụt hẫng, trong phút chốc máu trong người như sôi lên, tôi đi ra nhà em lần nữa, dẫu biết chẳng ai ở nhà, tôi nhấc máy gọi cho em, vẫn chỉ là những hồi chuông đổ dài, sốt ruột lắm rồi nhưng không biết làm thế nào, tôi quyết đợi gặp bằng được em để hỏi cho ra nhẽ.
Mùa đông trên vùng cao càng về tối trời càng lạnh, lại có thêm mưa phùn nên càng thêm buốt giá, nhà nhà đã lên đèn, tôi ăn tạm bát mỳ tôm với quả trứng luộc ở quán bà cụ rồi tiếp tục co ro uống nước chè ngồi đợi em. Đêm nay tôi xác định sẽ ngủ lại trên này mai về sớm, đã nhắm được cái nhà nghỉ ngoài đường này rồi, chứ bây giờ mà về thế này thì tôi làm sao chịu nổi.
Đường lớn nhưng vẫn là liên xã, thỉnh thoảng mới có ánh đèn ô tô xe máy loang loáng chiếu trên đường, thấy ánh đèn nào tôi cũng nhìn xem có thấy em không. Đêm đông, sương trắng và mưa phùn giăng kín trời, trong lòng tôi như lửa đốt, ánh đèn xe lại loang loáng mặt đường, một xe rẽ vào đường nhà em, phía xa có một xe nữa, linh tính mách bảo tôi căng mắt nhìn ra đường, cổ họng tôi khô cứng, máu trong người lại sôi lên khi thấy em ngồi sát sau xe một người khác, kia đúng là em rồi, cái dáng em quen thuộc dù có đứng giữa nghìn người tôi vẫn nhận ra.
Tôi lao nhanh về phía nhà em, mọi người đã vào nhà, đèn trong nhà sáng trưng, có tiếng cười nói vọng ra, nghe rõ rất là tiếng bố em. Tôi cứ đứng ngoài bờ rào len lén như thằng ăn trộm. Có tiếng “Cháu chào cô chú cháu về, anh về N nhé”, rồi tiếng xe máy nổ trong sân, thấy bố em đi ra mở cổng, tôi nấp vào bờ rào, đây chắc chắn là con ông X rồi, em đi đâu về với hắn? Sao không nghe điện của tôi? Bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu, có tiếng chuông điện thoại, em gọi:
– Anh ah.
– Ừ.
– Bây giờ em mới cầm máy, thấy nhiều cuộc gọi với tin nhắn của anh, có việc gì hả anh?
– Hôm nay em đi đâu mà không nghe máy thế?
– Em đi có việc, không cầm máy theo.
– Đi có việc hay đi chơi với thằng nào?
– Anh nói cái gì thế?
– Anh đang ở cổng nhà em đây, anh vào nhé.
– Sao? Anh ở cổng nhà em á, đợi em ra ngay.
Tôi thấy bóng em đi ra cổng thật nhanh, em nhìn quanh tìm kiếm, tôi như từ dưới đất chui lên, đứng ngay trước mắt em. Em của tôi đứng chôn chân, ánh mắt đầy ngạc nhiên và thương cảm, em lao về phía tôi, sờ lên mặt, lên tóc, lên trán tôi dính đầy nước mưa. Em vừa lấy tay lau vừa khóc:
– Anh đứng đây lâu chưa? Sao lên mà không nói với em 1 câu, đứng một mình ở đây để ướt hết ah?
Tôi vẫn đứng như trời trồng không nói gì, em đấm thùm thụp vào vai tôi và nức nở:
– Sao em hỏi mà anh không nói?
– Anh nhìn thấy hết rồi.
Tôi chỉ buông thõng một câu rồi đứng im giữa trời mưa lạnh, em cứ gục mặt vào vai tôi mà khóc, vừa khóc em vừa nói, tai tôi cũng ù hết chẳng nghe được rõ hết câu:
– Anh nhìn thấy gì nào… Hôm nay cả nhà đi sang nhà bạn bố em chúc thọ, em để điện thoại ở nhà… Anh đấy là con bác bạn bố em, anh ấy đưa em về… Làm sao anh phải khổ, phải tự đày đọa như thế chứ…
Em cứ gục vào vai tôi mà khóc như bao nhiêu nỗi uất ức đang chất chứa trong lòng, tôi vòng tay ôm lấy em mà lòng nghẹn đắng, bố em đã đứng ở cổng từ bao giờ, ông quát to:
– Ngọc… đi vào.
Em giật bắn mình vội buông tôi ra, bố em nhìn thẳng vào tôi quát còn to hơn:
– T, đi về đi.
Em vẫn không ngừng khóc, tôi bước lại phía bố em, lấy hết sự tự tin trong lòng, dồn nén những yêu thương dành cho em bao năm nay, tôi nói với ông:
– Cháu xin bác, xin bác hãy thương cháu, hãy thương em Ngọc…
Ông nghiến răng trừng mắt lên, em nãy giờ vẫn bám vào tay tôi bây giờ mới lên tiếng nghẹn ngào:
– Bố… bố ơi…
Ông khẽ đưa mắt về phía em rồi lại quay về nhìn tôi, rồi khoắt tay chỉ ra ngoài đêm tối, giọng ông quát lên nghèn nghẹn:
– Cậu về đi, tôi không bao giờ chấp nhận cậu đâu… Con N vào nhà…
Nói rồi bố em quay vào để lại em gần như khụy xuống, tôi thấy khóe mắt mình cay xè, cổ họng tôi nghẹn lại, nhìn thấy bóng em nhòe đi mà tôi thương em quá, em vừa nói vừa khóc:
– Sao anh phải tự làm khổ mình như thế, những ngày qua em đã khổ lắm rồi anh biết không? Anh còn yêu em, nhớ em làm gì nữa… hu… hu…
– Nhưng anh rất nhớ em, không gặp em anh không chịu được…
– Anh về đi, đừng như thế này nữa, em không chịu được đâu…
– Không…
– Anh còn đứng đây làm gì, em sắp đi làm vợ người ta rồi…
Tôi như chết lặng, lời nói của em là vết dao cuối cùng cứa vào con tim đang tan nát, tôi nhìn thẳng vào em, trong đôi mắt ấy là tận cùng đau khổ, cổ họng nghẹn ứ, đầu óc rỗng không, tôi lao đi như chạy chốn khỏi thế giới này, mưa cứ tạt ào ào vào mặt, gió cứ rít liên hồi, mưa mùa đông sao mà mặn chát môi, sao trong lòng lại giá buốt…
Còn gì đâu em, tháng ngày vui qua mất rồi.
Còn gì đâu em, thôi đừng để đắng cay thêm.
Đoạn buồn ta đi còn dài lê thê bởi còn đam mê.
Xuôi bước chân quên về nên nhớ quên câu thề.
Từ đó đôi ta buồn thật nhiều trong tình yêu…
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro