Phần 46
2024-08-05 17:16:57
Giáo viên dạy Văn năm lớp 12 của tôi là người rất chú trọng sự sáng tạo cũng như luôn muốn kích phát khả năng tiềm ẩn từ các học sinh. Thế cho nên, cô Tuyết Nhiệt Đới lúc ban đầu tuy có siêu đẳng hắc ám nhưng phương pháp sư phạm của cô thì không phải nghĩ bàn, chỉ có thể dùng từ độc đáo đến độc nhất chứ không ngoa.
Tôi nhận ra điều đó khi ở kì thi chất lượng đầu năm, cô Tuyết Nhiệt Đới đưa ra một cách thi khác. Đó là trong vòng mười lăm phút, học sinh được viết về bất kì chủ đề nào mình muốn. Yêu cầu đưa ra chỉ gồm có hãy chọn chủ đề mình thích nhất, tự tin nhất, sáng tạo nhất, và sử dụng vốn ngôn từ của mình hết mức có thể. Sau đó cô sẽ đích thân thu bài và đọc lên trước lớp tất cả bài thi, đồng thời nhận xét và chấm điểm tại chỗ. Tuyên bố này được 12A1 hưởng ứng nhiệt liệt và vỗ tay rào rào. Vì vừa đỡ phải học tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tác, vừa đỡ phải làm những bài văn dài dằng dặc.
Thay vào đó chỉ cần chọn điều mình thích rồi viết, thế thôi. Sau đó lại còn được nghe bài làm của người khác, hệt như sinh hoạt ngoại khóa.
Đúng, lúc ban đầu tụi tôi nghĩ đề bài như thế là dễ. Nhưng tới khi cô Tuyết ra hiệu bắt đầu mười lăm phút làm bài thì đám học sinh mới hối hận. Bởi đề dễ tức là đề mở rộng, mà nhiều quá lại hóa ít. Cái gì cũng muốn viết, thành ra lại không biết viết cái quái gì.
Nhìn quanh quất xung quanh, tôi thấy một số bạn học đã đặt bút viết soàn soạt nghe ghê răng gần chết. Bất giác nhìn lên chỗ Khả Vy, tôi thấy em ấy cũng đang viết với tốc lực nhanh không tưởng. Rồi tôi lại nhìn sang mấy anh em trong hội bàn tròn mà cứ tưởng mình đang soi gương, vì mặt mũi thằng nào thằng nấy trông ngu như nhau.
Cuối cùng, tôi nhìn về phía Tiểu Mai thì thấy nàng chỉ tay trái xoay bút, tay phải tựa cằm nhìn hờ hững ra cửa sổ, nơi có dãy trúc xanh mướt mọc thành từng cụm.
– “Sao em không làm bài đi? Anh… hông biết làm! ” – Tôi bất lực nghĩ bụng.
Thế là trong cái khó ló cái khôn, tôi đang ở vào cái trạng thái chả biết viết gì, chỉ đành đem suy nghĩ của bản thân ra có gì viết nấy, lại có thể vận dụng đạt mức tùy tâm sở dục. Đặt bút xuống là tôi viết một mạch, đến khi vừa kịp mười lăm phút hết giờ cũng xem như là cực kì hài lòng với bài thi này của mình. Và tâm trạng cũng ở một điểm lâng lâng như không thể tin điều mình vừa làm được, cứ như có ai đó nhập vào mà sử dụng tôi vậy.
– Rồi, bây giờ còn ba mươi phút mới hết tiết. Cô sẽ đọc đến bài của em nào thì em đó đứng lên, và chấm điểm tại lớp!
Cả lớp lập tức chìm vào bầu không khí im lặng, chăm chú dỏng tai lên ngoan ngoãn nghe ngóng.
– Khang! – Cô Tuyết gọi.
– Có em! – Thằng này hùng hổ đứng dậy một phép, có vẻ rất tự tin vào bài làm của mình.
Đại khái tôi không thể viết ra được nguyên văn, chỉ nhớ được vài chi tiết nổi bật. Bài thi của Khang mập, là về ẩm thực.
– “ Có câu ăn được ngủ được là tiên, thế cho nên tới tối là phải ngủ, tới bữa là phải ăn. Ở đây không bàn đến việc ngủ, vì buồn ngủ thì ngủ thôi, có gì đâu. Chỉ bàn tới việc ăn làm sao cho đúng, ăn món gì cho ngon? ”
Vô bài của nó như thế, vừa mới đoạn đầu là trong lớp đã có vài tiếng cười vang lên hích hích. Tiếp sau đó là tràng giang đại hải cả một đống tên món ăn Tây Tàu Ý Nhật, và rõ ràng là lôi từ trong phim ra chứ làm gì có mà ăn ở ngoài đời.
– Ưm, viết không hay nhưng rất biết cách làm người đọc thèm ăn, có sự phong phú. Sáu điểm!
Được cô Tuyết Nhiệt Đới cho 6 điểm thì không phải ai cũng đạt được, vì vậy Khang mập hoàn toàn hài lòng, mừng vui ngồi xuống trong ánh mắt ngưỡng mộ lẫn đố kị của bạn bè.
Đến các bài thi tiếp theo thì hầu hết trong lớp đều xoay quanh các chủ đề an toàn là viết về một tác phẩm yêu thích, một nhân vật yêu thích, một địa danh yêu thích. Rất hiếm những bài làm mang chất văn khiến người đọc phải suy ngẫm, bóc tách về nó.
Luân khùng với Tuấn rách thê thảm nhận điểm 4 vì thằng thì tả Thúy Kiều đẹp như Uyển Nhi, thằng thì tả Điêu Thuyền đẹp như Thu Sương, mà không biết diễn tả bằng ngôn từ là đẹp làm sao, chỉ viết rằng rất đẹp, đẹp quá trời đẹp. Đám thằng Dũng xoắn, thằng Chiến, thằng Xung, thằng Quý càng khốn khổ hơn, nhận điểm tăng dần từ 3 đến 4 chứ không hơn. Lâu quá nên tôi cũng chả nhớ mấy thằng bạn mình đã viết những gì. À khoan, tôi nhớ Dũng xoắn nó có vô đề bằng câu “Hỏi thế gian tình là chi mà đôi lứa thề nguyền sống chết? ” Rồi sau đó là một tràng những đoạn trích kiếm hiệp của Kim Dung lão sư. Cô Tuyết thẳng thừng phán thằng này còn nhỏ đã giở trò đạo văn khiến cho Dũng xoắn một phen tái mặt, đành chấp nhận con 3 vào sổ.
Khả Vy hãnh diện nhận điểm 8 với bài cảm nhận về mười lăm phút đầu giờ của sân trường, của ánh nắng, của không khí sớm mai, của tâm trạng các học sinh thông qua biểu cảm trên gương mặt. Cô Tuyết có lời khen cho cán sự Văn vì đã sử dụng chuẩn xác các từ ngữ giàu tính tượng hình như “vàng ươm, trong lành, nắng mai nhảy nhót trên vai”. Đại khái, cán sự quả là cán sự, Khả Vy quả là Khả Vy, điểm không cao nhất thì còn ai vào đây nữa. Cả lớp ồ lên tấm tắc ngợi khen, vỗ tay rào rào.
Nhưng hai kì tích xảy ra sau đó mới làm thiên hạ đại loạn, 12A1 nháo nhào một phen.
Đầu tiên là tôi.
– Trí Nam!
Nghe đến tên mình, tôi run lẩy bẩy đứng dậy mặc dù trước đó cũng khá tự tin với bài làm của mình. Thế nhưng sau khi chứng kiến cảnh anh em chiến hữu lần lượt ngã gục, tôi đâm ra sợ hãi tới mình cũng chịu chung số phận.
Vài đứa trong lớp bắt đầu bụm miệng sẵn để chuẩn bị cho những tràng cười nổ ra, vì tụi nó biết tôi đã nổi danh với mấy vụ tào lao bá láp như “da lông móng sừng” quá rồi. Để coi xem lần này sẽ là trò cười gì nữa đây.
Cô Tuyết bắt đầu đọc, cả lớp bắt đầu nghe.
– “Mọi sự vật, sự việc trên đời này đều xoay quanh hai chữ: Tương đối.
Khi lúc ta đang vui như vừa trúng số chẳng hạn, thằng bạn hôm trước mượn xe hôm sau trả lại dù chỉ còn là một đống sắt vụn, ta cũng có thể nhẹ nhàng bỏ qua cho nó. Vì khi đó ta biết, ta sẽ còn mua được cả ngàn chiếc xe còn ngon hơn như vậy. Vậy thì tại sao lại đấm thằng bạn mình? Nó đấm lại thì sao, bạn bè đánh nhau ai coi ra gì?
Nhưng khi ta buồn, thì dù có cả đống khô bò trước mắt (chú thích: Khô bò là món em thích ăn nhất) ta cũng xem như đó chỉ là gió thoảng mây trôi, dù mùi hương hấp dẫn của món ăn cứ mãi quẩn quanh trên cánh mũi. Đó gọi là, chẳng buồn ăn.
Như đại thi hào Nguyễn Du có viết, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Chính vì vậy, điều ta muốn nói ở đây chính là mọi sự vật, sự việc trên đời đều có tính tương đối. Đừng cố chấp mê bất ngộ mà cho rằng ở chuyện vui thì không có điều không may nào là không thể xảy ra, cũng đừng cho rằng đang lúc buồn thì không được quyền cười lên cho lòng nhẹ bớt.
Bởi, cái gì ít quá thì là không thể, nhưng cái gì nhiều quá cũng là không nên. Đừng hứa khi đang vui và đừng quyết định khi đang nóng giận. Hãy cân bằng giữa mọi sự, ấy gọi tâm bình yên, cuộc đời bình yên. ”
Cô Tuyết vừa kết thúc bài văn của tôi là cả lớp từ ngẩn ngơ chuyển sang xì xào bàn tán:
– Thằng Nam lại viết cái quỷ gì vậy?
– Tao cũng không hiểu nữa, nhưng đọc lên nghe sướng tai quá mậy!
– Hay là nó đạo văn, chứ trình nó đời nào được vậy. Phải là tao mới đúng chớ!
Và tới phần nhận xét, cô cho rằng khá bất ngờ với một cán sự Toán như tôi mà có thể viết được đoạn văn mang tính suy ngẫm như vậy. Tuy đôi chỗ có hơi lan man, dùng từ vẫn còn giống văn nói nhưng đã bộc lộ được năng khiếu, phẩm chất của một người biết viết. Đặc biệt là chọn chủ đề rất thông minh, không trùng lặp với ai mà lại có thể khai thác được chủ đề. Cô còn nói nếu được, hoặc nếu cho tôi thêm thời gian thì tôi có thể hoàn thiện bài viết này nữa không, cô khá là muốn xem.
Tôi dĩ nhiên là gật đầu cái rụp, giã vờ gãi tai ngường ngượng trong những tràng pháo tay của bạn bè. Rồi toét miệng cười đến mang tai khi cô cho tôi điểm 7. Ôi làng nước mẹ cha ơi, từ thuở nhỏ đến giờ đây là lần đầu tiên có giáo viên khen tôi viết văn hay, lại còn mạnh tay cho cả điểm 7 thế này thì quả là trời đất đảo điên mất rồi!
Bầu không khí có vẻ sẽ còn náo nhiệt hơn nữa sau khi thằng Nam khô khan vốn chỉ biết làm Toán nay lại còn biết làm văn, giống như con lợn biết leo cây. Thì cái tên được xướng lên tiếp theo lại có sức nặng khiến cho cả lớp đột nhiên yên ắng trở lại, điều này cũng làm cô Tuyết phải ngạc nhiên.
– Diệp Hoàng Trúc Mai!
Và đây là cách kì tích thứ hai của ngày hôm đó xảy ra.
– “ Đừng e sợ cái chết.
Thế gian này đón chào mỗi người rất bình đẳng, là ai cũng sinh ra, và chết đi. Thế nên sau khi người được sinh ra, việc tiếp theo của người, là chết đi.
Ai cũng vậy, không có ngoại trừ. Như người vừa được sinh ra là ở đằng kia đã có một viên đạn được bắn khỏi nòng súng, hướng thẳng vào đầu. Câu hỏi duy nhất ở đây, khi nào thì viên đạn chạm tới người? Có nhanh, có chậm, chứ không có hụt.
Vậy sao phải e sợ cái chết, khi biết đó chắc chắn là điều sẽ xảy ra? Những ai nên sợ, chính là những người thân, bạn bè, gia đình. Bởi khi người chết đi, họ mới là những người hứng chịu cảm giác đó, chứ không phải người.
Điều nên sợ là trong khi sống người làm được những gì. Nếu Chúa ban tặng phép màu cho giống loài nào được bất tử, thì phép màu của Chúa dành cho loài người chính là, sự không bất tử. Phép màu này khiến con người trân trọng quãng thời gian còn tồn tại, dạy người biết trân quý những gì đang có, biết trải nghiệm những gì nên làm, và biết yêu.
Vạn vật đều có tính không. Có sinh, có diệt. Hãy nhìn vào bàn phím máy tính, bắt đầu từ số 1 đến cao nhất là 9, rồi kết thúc ở số 0.
Thử suy tưởng về cái chết, đó chắc chắn là một trải nghiệm không dễ chịu gì. Người mất đi, chìm vào đêm đen dày đặc, vĩnh hằng và bất biến mặc cho thế sự đổi dời. Chết là hết, không có tật bệnh dày vò, không nỗi đau cào xé. Nhưng cũng không còn những hạnh phúc đến rưng rưng, tim bay lên như khi được tỏ tình.
Vậy thì nói với người rằng, không phải. Rồi sẽ đến lúc người lại tái sinh, luân hồi chịu những khổ đau ấy thêm nhiều hơn.
Và, yêu thêm lần nữa. ”
Kì tích này, không có những tràng vỗ tay, hay những lời ngợi khen có cánh.
Những lời ấy, vượt quá tầm hiểu biết của những ai đồng trang lứa bấy giờ.
Chỉ có người giáo viên cố gắng đưa ra lời nhận xét rằng, rất đáng suy ngẫm, rất độc nhất.
Và ám ảnh đến dị thường.
Điểm: 9.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro