Phần 44
2024-08-05 17:16:57
Liên tục mấy ngày sau xảy ra tình trạng cứ hễ mỗi lần tôi nhắc đến chuyện sang nhà Minh Châu ăn tối là Tiểu Mai ngay lập tức có những động thái muốn chấm dứt cuộc đối thoại.
– Haizz, hay anh về nói ba mẹ đừng qua nữa ta?
– Tùy anh!
– …
– Em nấu chắc chắn là ngon hơn nhà họ rồi, anh biết mà!
– Khỏi nịnh, bữa giờ em không có mua thịt bò!
– Chiều anh đi mua nhe, qua nhà em ăn một bữa?
– Không, bận rồi!
– …
– Nè, anh nghĩ ra cách khỏi phải qua nhà nhỏ Minh Châu ăn rồi!
– Cách gì cơ?
– Bữa đó cứ để họ nấu, anh giả bệnh không qua là xong!
– Mở vở ra, truy bài tiếng Anh!
– …
Chỉ duy nhất một lần là nàng có trả lời vào nội dung câu chuyện, nhưng kết quả thì hoàn toàn không như tôi mong đợi.
– Hay là bữa đó, tụi mình cùng qua luôn!
– Ôi… anh bị làm sao vậy? Chuyện riêng hai bên, em thì can dự gì mà đi cùng? – Nàng thở dài gập sách lại.
– Thì coi như anh mời là được chứ gì! – Tôi nằn nì.
Và Tiểu Mai tròn mắt nhìn tôi như tự hỏi sao mình lại vớ phải một ông bạn trai dốt đặc cán mai đến như vậy, rồi nàng lắc đầu ngán ngẩm đứng dậy bỏ về chỗ ngồi.
Lúc đó Khang mập chả biết từ đâu giả giọng eo éo, thì thào vô tai tôi:
– Mời em đi anh Nam, em là em đi liền!
Khiến cho tôi nửa ngượng nửa giận, nộ khí xung thiên quát to:
– Phản tặc, cút!
– Chửi chửi tao đồ. Hah!
Đúng thiệt dính tới miếng ăn là miếng tồi tàn, có mỗi một bữa tối thôi mà bây giờ Minh Châu hại tôi ra nông nỗi này đây. Mời với chả mọc, lễ với chả nghĩa, hừ hừ.
– “Lần sau dạy làm toán, cứ sai một câu ta gõ cho bờm đầu! ” – Tôi xấu tính giận cá chém thớt, tức tối nghĩ thầm trong bụng sẽ làm như thế với học trò của mình.
Nhưng chẳng bao giờ tôi có cơ hội đó nữa vì về sau, Dạ Minh Châu thuận nước đẩy thuyền vọt lên đổi ngôi, trở thành thầy của tôi mất rồi.
OOo.
Tháng 10 năm 2007, đám học sinh tụi tôi thông qua ti vi, báo đài và phụ huynh mà nhận được thông tin chính thức từ Bộ Giáo Dục. Đó là bắt đầu từ kì thi tuyển sinh đại học năm 2008 sẽ tổ chức thi trắc nghiệm khách quan ở hầu hết các môn như Toán, Lí, Hóa, Anh, Sinh, Sử, Địa, trừ mỗi môn Văn vẫn ở hình thức tự luận.
Thông tin này tạo ra hai luồng dư luận và phản ứng trái chiều trong học đường, nảy ra những tranh cãi đặc biệt ở lứa tụi tôi vì năm sau là trúng năm phải khăn gói lều chõng vào Sài Gòn dự thi đại học. Một số thì cho rằng thi tự luận là không nên bởi như thế sẽ hạn chế sự sáng tạo của thí sinh, còn hầu hết phần còn lại đều mừng rỡ nhảy cẫng lên ôm nhau như chưa thi đã đậu.
Như lúc này đây, Dũng xoắn hò reo ầm ĩ trong giờ ra chơi:
– Quá đã tụi bây ơi, thi trắc nghiệm thì hên xui may rủi, đánh lụi biết đâu lại được 5 – 6 điểm không chừng!
– Còn lâu, tao vẫn thích làm bài tự luận hơn! – Tuấn rách hừ mũi cự lại.
– Mày bị ngu à, tự luận mà bí thì coi như bỏ giấy trắng. Còn trắc nghiệm ít ra còn đánh vô được một trong bốn đáp án, biết đâu phước chủ may thầy lại trúng! – Thằng Chiến sừng sộ.
– Có cái thứ mày mới ngu, làm đề trắc nghiệm thì xác định khỏi học tủ nha con, mày phải ôn thi hết toàn chuong trình! – Luân khùng nêu lí lẽ xác đáng.
Tôi với Khang mập cứng họng chả biết phải theo phe ai, vì bên nào cũng có lí lẽ riêng của bên đó. Nếu là Toán, Lí, Hóa thì với tôi tự luận càng tốt, trắc nghiệm cũng ổn chả có làm sao. Nhưng lỡ đụng Anh, Sinh, Sử, Địa thì mấy môn đó mà làm tự luận chỉ có đường chết không ngóc đầu lên được, nên trắc nghiệm vẫn là ngon hơn. Như tụi thằng Chiến nói đấy, biết đâu phước chủ may thầy đánh lụi lại trúng. Dù sao đáp án nó cũng nằm trên giấy kia rồi, quan trọng là ta có nhận ra nó hay không thôi.
Đại khái cuộc tranh cãi trong hội bàn tròn tụi tôi cũng tựu trung xem như là đại diện cho hai luồng dư luận đang nổ ra trong lớp, trong toàn bộ khối 12 của trường Phan Bội Châu và cũng là của toàn bộ các trường trung học phổ thông trong cả nước.
Và mâu thuẫn lại càng nảy sinh gay gắt hơn nữa khi mà giờ chủ nhiệm cuối tuần hôm đó, cô Tuyết Yêu Thương công bố thêm một thông tin từ Ban Giám Hiệu. Tức là, để chuẩn bị kịp cho các em học sinh cuối cấp có thể làm quen và thích nghi với hình thức thi trắc nghiệm khách quan của kì thi đại học thì ở bài kiểm tra chất lượng đầu năm tiếp theo, nhà trường sẽ tổ chức làm bài trắc nghiệm luôn cho nóng. Điều này cũng áp dụng cho cả hai kì thi học kì I và II.
– Tuần sau là sẽ thi kiểm tra chất lượng đầu năm, các em chuẩn bị bài vở cho tốt. Điểm số bài thi tương đương với kiểm tra một tiết nhưng sẽ được thông báo với phụ huynh ở buổi họp đầu năm đấy nhé!
Cô Tuyết vừa dứt lời thì Dũng xoắn từ dưới lớp đã vỗ tay bôm bốp:
– Cô yên tâm, nói về thi trắc nghiệm thì em có linh cảm đầy mình!
– Đúng rồi đó cô, tỉ lệ đánh trúng đáp án là một phần tư thì chả lẽ trật? Xổ số độc đắc thấp hơn một phần mấy triệu mà ngày nào cũng có người trúng cơ mà!
– Điên à, đã gọi là tỉ lệ thì vẫn là tỉ lệ, mày mua 10 tờ vé số thì cũng không tăng thêm tỉ lệ trúng so với mua 1 tờ đâu con!
Cả lớp bắt đầu lại nhao nhao lên và chia phe ra tranh cãi, cô Tuyết thấy tình hình không ổn mới gõ cây thước lên bàn gần ba phát thì mới vãn hồi được trật tự. Đâu đó xong xuôi, cô mới nhìn khắp lớp mà ôn tồn giải thích, chậm rãi phân tích thiệt hơn.
Đại khái theo lời cô nói thì hình thức thi trắc nghiệm có ưu điểm mà cũng có nhược điểm. Ưu điểm chính là đề thi tự luận sẽ khó tránh khỏi việc học tủ, gian lận, thiếu công bằng, không kiểm tra được toàn diện kiến thức của học sinh. Việc chấm thi cùng một bài cũng phụ thuộc vào người chấm lúc đó, có người cảm thấy bài này đáng điểm cao, có người chỉ chấm bình thường.
Trong khi đó đối với đề thi trắc nghiệm thì sẽ trải rộng toàn bộ kiến thức khiến cho thí sinh khó có thể học tủ, bắt buộc phải toàn diện đủ bài. Phương pháp này còn dạy cho học sinh biết cách vận dụng và linh hoạt trong tính toán. Vả lại bài thi sẽ được chấm bằng máy quét quang học để đảm bảo tính chính xác, do đó mới được gọi là trắc nghiệm khách quan. Nhờ vậy tâm lí học sinh cũng nhẹ nhõm hơn vì chỉ cần một đến hai ngày sau là biết kết quả thi rồi, không phải chờ quá lâu như làm tự luận.
Đến đây thì thằng Chiến láu táu phát biểu khiến cả lớp cười ồ lên:
– Em muốn thi xong biết kết quả lâu lâu tí, mười ngày nửa tháng gì đó nghỉ hè đi chơi cho yên ổn. Nỗi đau tới sớm, cái mông em nát sớm cô ơi!
– Ngu, mày chưa nghe “Đừng làm nỗi đau thêm dài” của Lương Bằng Quang à? – Tuấn rách cự liền.
Về phần nhược điểm thì đúng là hình thức trắc nghiệm cũng có nhiều hạn chế. Vì đề bài tự luận thường sẽ hay hơn, với mỗi lối giải của mỗi thí sinh sẽ có thể đánh giá đúng được sự sáng tạo, hiểu biết của thí sinh đó. Nên nếu ở môn Toán mà thi trắc nghiệm thì sẽ hạn chế tư duy và lí luận của học sinh, bởi chỉ đề bài tự luận mới khiến học sinh phải vận dụng, kết hợp khéo léo nhiều kiến thức có liên kết với nhau mới giải bài được. Như phần khảo sát hàm số mẫu thì phải vận dụng hàm Lim. Còn Lí và Hóa thì tạm cho là có thể thi trắc nghiệm được vì kiến thức ở một số bài là tách bạch không liên kết, như hóa hữu cơ khá khác biệt so với hóa vô cơ.
Đám học trò tụi tôi ngồi nghe say mê, bởi những lời này có trực tiếp liên quan đến vận mệnh sự nghiệp của thí sinh chứ không đùa. Nên nói đi nói lại một hồi thì cô chủ nhiệm mới chốt quả cuối rằng, thôi thì trên bảo sao dưới nghe vậy, mấy em cứ chuẩn bị tinh thần cho bài thi sắp tới đi.
Khiến cho tụi tôi ngã bổ ngửa ra đất vì chưng hửng, nhưng cũng tạm hài lòng với những phân tích nãy giờ mới được dung nạp.
Nhưng có câu nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò. Người khác ra sao tôi không biết, chỉ biết đám bàn tròn A1 đời nào chịu ngoan ngoãn ôn bài, thằng nào cũng có sở trường sở đoản khác nhau, mỗi cái chịu chơi làm liều là giống nhau.
Cảm ơn thi trắc nghiệm khách quan vì nhờ đó mà sau này thời thế tạo anh hùng, đã giúp sản sinh ra thế hệ những chuyên gia phân tích xác xuất đáp án, đánh giá tâm lí người ra đề cũng như sở hữu kĩ thuật quay cóp số một thiên hạ.
Các vị giám khảo cứ yên vị trên ghế chủ tọa chờ đó mà xem thí sinh tụi tôi trổ tài đây, hừ hừ!
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro