Phần 25
2022-12-19 06:38:00
– “MẨY MƯA ƠI!!!”
“Mẩy Mưa ơi!”, Đó là tiếng gọi của con tim. Nó là tiếng nói trong đầu của cô giáo Thương lúc cô bị nước lũ đổ ập xuống đầu, cả người cô chìm trong biển nước đục ngầu.
Nó cũng là tiếng gọi thất thanh của các cô giáo đứng trên bờ, của các bạn học sinh đã đến trường trước và sang được bên này suối.
Lũ quét vùng cao, nó đến cực nhanh nhưng cũng đi cực nhanh, một lượng nước cực lớn mang theo cây khô, thậm chí mang theo cả đất đá cuồn cuộn như sóng thần. Chỉ vài giây sau khi lũ quét đến đoạn các cô giáo chăng dây cho các em sang suối thì trở lại bình thường. Cô Thương, cô Bích Thảo và A Lứ vẫn bám được vào sợi dây thừng. Từ đầu đến chân cô giáo Thương đã ướt nhẹp. Còn cô Bích Thảo, cô dùng hết sức mình một tay bám vào sợi dây thừng, còn tay kia ghì chặt A Lứ ấp vào lồng ngực. Ơn trời, hai cô cháu đều không sao, chỉ bị ướt và có một vài vết xước nhỏ trên mặt mà thôi. Lũ qua, nửa người cô đã ở trên mặt nước, A Lứ mặt tái nhợt, ôm thật chặt cô giáo Bích Thảo.
Khi cô Thương nhìn được thấy cảnh vật xung quanh, cô dáo dác tìm, tìm thứ mà cô thấy đã rời khỏi ánh mắt mình lúc lũ vừa ập đến, cô khàn giọng hét to:
– MẨY MƯA! MẨY MƯA đâu rồi?
Nhưng không thấy, khi cô nhìn lên hai bên bờ, đã thấy cảnh tượng như ong vỡ tổ, tất cả các cô giáo và học sinh đều chạy theo hai bên bờ suối, về phía hạ nguồn, vừa chạy vừa hét to trong sự bất lực, tốc độ dòng lũ quá cao, cái đầu đen ngỏm của Mẩy Mưa lúc chìm lúc nổi ở phía xa xa.
– MÂY MƯA BỊ LŨ QUẤN ĐI RỒI!
Cô Như Hoa, cô Tố Quyên, cô Hạ Vy, cô Thu Huyền, cô Khánh Linh, cô Quỳnh Anh, và còn có cả Khoa cùng với đám trẻ cùng chân trần chạy theo bờ suối, bên những lóm hoa tam giác mạch đang mùa nở đẹp nhất.
Mặc kệ dưới chân mình là đá nhọn nhấp nhô, mặc kệ dưới chân mình là hố sâu, chân trần, các cô giáo cứ chạy, chạy để đuổi theo cái hy vọng mong manh nhất là có thể cứu được Mẩy Mưa, cứu được đứa học trò nhỏ xinh, ngoan ngoãn, chăm chỉ và vất vả nhất trường Pa Thăm:
– Mẩy Mưa ơi!!! Cứu Mẩy Mưa!!!
Tiếng thét của các cô cứ vang mãi, vang mãi, những con chim rừng nghe tiếng động cũng ráo rác rời tổ, bay lên trời, vượt qua những làn cây “cạc cạc” như để cổ vũ cho Mẩy Mưa, để cổ vũ cho các cô giáo trường Pa Thăm.
Nhưng đuổi mãi, chạy mãi mà cái đầu đen lòm của Mẩy Mưa cứ ngày một xa. Giờ đây, chắc chỉ có phép màu nào đó mới cứu được Mẩy Mưa mà thôi.
Lạy thần rừng, lạy thần núi, lạy thần suối, lạy thần cây, lạy con ma rừng, lạy con ma nhà… Hãy cứu lấy Mẩy Mưa, cứu lấy một đứa bé nhỏ nhắn xinh nhắn với ước mơ làm họa sĩ kia. Nó nào có tội gì đâu. Nếu có tội, phải là các cô giáo, các cô đã không thể làm một cái cầu chắc chắn cho các con đến trường. Các cô đã không biết được sáng nay có lũ quét, các cô đã bất lực nhìn dòng nước cuốn con đi.
Và rồi… điều thần kỳ đã đến, ở phía xa, đón đầu chỗ Mẩy Mưa đang bị cuốn đến có một bóng người nhìn rất quen thuộc. Cô mặc áo trắng, quần vải buộc ống. Cô gái ấy đứng im ở bờ suối, mắt nhìn chằm chằm vào dòng nước lũ đang cuồn cuộn. Cô đứng im bất động, tâm không tạp niệm, chỉ nhìn vào dòng nước lũ, chăm chú tìm kiếm cái đầu nhấp nhô lúc ẩn lúc hiện. Nó còn ở cách cô một đoạn, cô đang chờ đợi, như một con sói cái rình mồi, chờ cho con mồi hoàn toàn chủ quan mới tung ra một đòn chí mạng kết liễu.
“Con mồi” kia đã đến, con ma rừng, con ma nhà, ông thần rừng thần núi đã đẩy “con mồi” trôi về gần phía bờ, nơi cô gái kia đứng.
Và khi “con mồi” chỉ còn các cô gái áo trắng bằng vài sải tay, cô gái lấy hết sức mình, bật nhảy từ trên bờ xuống suối. Lao mình vào dòng lũ kinh hoàng kia.
– Ùm!!!
Các cô giáo Pa Thăm, Khoa và các em nhỏ dừng lại, ôm mặt không tin vào những gì xảy ra trước mắt, cô Thu Huyền lắp bắp:
– ĐÀI TRANG!!!
Đúng! Cô gái áo trắng kia chính là Đài Trang, cô giáo cao một mét năm mươi hai, cô giáo có giọng hát vang vọng núi rừng, cô giáo miền xuôi lên vùng cao dạy học yêu hoa tam giác mạch, yêu tiếng chim rừng, yêu hoa phong lan tím. Cô giáo ấy, 6 năm ở trên này, vừa có quyết định về xuôi để lấy chồng và tiếp tục sự nghiệp trồng người.
Cái cô Đài Trang ấy, sáng nay chứ đâu phải lâu đâu, chính các cô giáo Pa Thăm đã đưa ra tận đường cái, đến khi lên xe oto, khuất tầm nhìn mới quay về trường cơ mà, sao cô lại ở đây, lại có mặt đúng lúc này để nhảy vào dòng lũ cứu Mẩy Mưa?
Cứ tưởng điều thần kỳ sẽ xảy ra, nhưng không! Trời không thương, con ma rừng muốn thử thách lòng người, muốn thử thách sức mạnh của các cô giáo Pa Thăm. Không vì Đài Trang nhảy xuống mà dòng lũ ngừng lại, nó càng xiết mạnh hơn. Giờ đây không phải 1 cái đầu đen nhấp nhô mà là 2 cái. Chỉ là 2 cái đầu ấy ở sát nhau. Lúc thì dòng lũ đưa 2 cô trò về sát mép bờ, lúc thì lại lôi ra giữa dòng. Có lúc còn đập vào một tảng đá chắn ngang đường, dạt sang một bên rồi lại tiếp tục cuốn xuống xuôi.
Lại chạy! Lại đuổi!
Các cô giáo Pa Thăm, giờ đã có thêm cô giáo Thương, cô Bích Thảo ẵm A Lứ đuổi đến nơi, hòa cùng đoàn người đuổi theo bóng của Mẩy Mưa và Đài Trang.
Tiếng hò, tiếng hét, tiếng thét, tiếng khóc của các cô nghe mới nao lòng người làm sao, lay động cả cỏ cây, làm cho cả một vùng biên cương vốn bình yên trở nên xao động.
Trời lại mưa, càng ngày càng mưa to, tiếng giọt mưa rơi trên mặt lá nghe lộp bộp, tiếng gió thổi vào rừng nghe xào xạc. Con chim rừng mặc kệ trời mưa cũng rời tổ kêu “càng cạc” nghe như lạc mẹ mất con, bộ lông ướt sũng dựng ngược lên.
Men rừng, những con nai, con hoẵng, con khỉ, con chồn ở trong rừng sâu cũng ngấp nghé bìa rừng, thò đầu ra khỏi rừng cây đại ngàn, ngơ ngác nhìn con người đang chạy rầm rập hai bên bờ. Linh cảm của loài thú như báo hiệu cho chúng biết loài người kia đang xảy ra chuyện gì đó kinh khủng lắm.
– MẨY MƯA ƠI!!!
– ĐÀI TRANG ƠI!!!
– Hu hu hu!!! Có ai không!! Cứu với!!! Cứu chúng tôi với!!!
– Cứu người đi!!! Cứu đi!!! Hu hu hu hu!!!
Nhưng! Hai cái đầu nhấp nhô càng lúc càng xa. Xa mãi! Xa mãi! Không về! Mẩy Mưa đi rồi! Cô Đài Trang đi rồi. Lần này cô đi thật rồi.
Mưa to! Sấm chớp sao mãi mà chẳng ngừng!
… Bạn đang đọc truyện Tà áo nơi biên cương tại nguồn: http://bimdep.vip/ta-ao-noi-bien-cuong/
Buổi chiều hôm đó. Giữa sân trường Pa Thăm.
Cả ngàn người, đông chật kín cả sân trường. Không còn một chỗ trống. Tất cả dân bản vùng biên cương Pa Thăm hầu như tập trung ở đây. Tất cả bộ đội đồn biên phòng Nậm Hẻo tập trung ở đây. Cán bộ trên huyện, trên xã cũng tập trung ở đây.
Không. Vẫn còn một khoảng trống, giữa sân trường, trên một cái chiếu cói.
Đau xót biết bao! Đau lòng biết nhường nào. Có cái máy ảnh nào, có ngòi bút nào, có áng văn vần thơ nào tả được cảnh này không?
Trên chiếc chiếu cói ấy, cô Đài Trang đang ôm chặt Mẩy Mưa. Cứng đờ. Co quắp. Mẩy Mưa nhỏ tí hin, nằm gọn trong vòng tay ghì chặt của cô Đài Trang. Tay cô Đài Trang ôm Mẩy Mưa, chân cô quặp vào Mẩy Mưa.
Cô Đài Trang đã chết!
Em học trò nhỏ Mẩy Mưa đã chết!
Chết trong vòng tay nhau.
Các chú bộ đội đã vớt được hai cô trò ở ngã ba suối, nơi dòng Nậm Cha – Nậm Mế gặp nhau rồi hòa vào dòng sông lớn, chảy về xuôi. Cách trường Pa Thăm cả chục cây số đường rừng.
Đến giờ đây, khi cô Đài Trang đã về lại trường, về lại với nơi mà cô đã gắn bó cả tuổi thanh xuân, nơi đây có tình mến thương của học trò, có tình nghĩa keo sơn của đồng nghiệp. Nhưng tại sao cô không buông Mẩy Mưa ra, đã ở trên bờ rồi cô Đài Trang ơi. Có còn ở dưới nước nữa đâu, cô buông Mẩy Mưa ra đi.
Nhưng không một ai gỡ được tay của Đài Trang.
Bỗng cả rừng người dạt sang một bên để nhường chỗ cho các cô giáo Pa Thăm từ trong gian nhà trong chạy ra. Các cô đã ngất hết. Ngất vì đói, ngất vì mệt và hơn cả, các cô đã ngất vì mình vừa mất đi một người đồng nghiệp yêu quý, vừa mất đi một học trò ngoan. Ngất rồi tỉnh. Tỉnh các cô lại chạy ra giữa sân trường. Òa khóc.
Tiếng cô Thương nói không thành lời, chỉ còn tiếng rí rí từ họng phát ra:
– Hu hu hu hu!!! Đài Trang ơi. Mẩy Mưa ơi. Tỉnh dậy đi. Đừng chết!!! Hu hu hu hu!!!
Rồi cô lay, cô vuốt vuốt vào mái tóc dài ướt đẫm đến ngang eo của của Đài Trang.
Cô Như Hoa gục đầu bên tai của Đài Trang, cô sụt sùi tâm sự với đứa em bé nhỏ:
– Đài Trang em ơi! Em đi rồi mà, các chị đã đưa em đi rồi, sao em còn về trường làm gì hả Đài Trang. Ở quê có gia đình em, có ngôi trường mới chờ em, có chồng chưa cưới đang chờ em về tổ chức mà. Sao em còn về trường làm gì hả Đài Trang. Em tôi, sao em lại khổ thế này. Em buông Mẩy Mưa ra được không? Em để Mẩy Mưa về với bản làng, để Mẩy Mưa về nhà đi được không? Nghe chị đi mà Đài Trang.
Các cô giáo còn lại không ai bảo ai, cùng đồng thanh:
– Đài Trang ơi! Để Mẩy Mưa về nhà đi.
Thế rồi, như có một phép màu, cả người Đài Trang từ từ mềm nhũn, vòng tay cô buông lỏng từ từ, Mẩy Mưa trượt khỏi vòng tay, ngả sang nằm bên cạnh.
Nhìn thấy vậy, các cô giáo òa khóc nức nở:
– Hu hu hu hu hu!!!
Bởi các cô biết, Đài Trang đã nghe được, hay nói đúng hơn là linh hồn của Đài Trang đã nghe được, em ấy đang ở đây, ở ngay chỗ này, vẫn còn quanh quẩn bên trường Pa Thăm.
Khuôn mặt Đài Trang trắng nhợt, nhưng chỉ riêng đôi môi, nở nụ cười mím.
… Bạn đang đọc truyện Tà áo nơi biên cương tại nguồn: http://bimdep.vip/ta-ao-noi-bien-cuong/
Bảy ngày sau.
Dưới chân ngọn đồi của trường Pa Thăm, dưới bóng cây sến già bên suối Nậm Cha tập trung rất đông người. Có các cô giáo Pa Thăm, có bộ đội, có dân bản, có cán bộ địa phương, ở cách đó không xa. Những công nhân xây dựng đứng cạnh mấy cái máy xúc máy cẩu.
Mà lạ lắm cơ, các cô giáo Pa Thăm mặc đẹp ơi là đẹp, các cô đều mặc áo dài thướt tha. Phải mà, hôm nay là ngày vui của trường Pa Thăm, của các cô giáo và của các em học sinh. Được Đảng, nhà nước và các cán bộ quan tâm, hôm nay đã động thổ xây dựng cây cầu bắc qua suối Nậm Cha rồi đấy.
Trên tấm băng rôn to đùng chăng từ cây sến sang cây táu là dòng chữ: “Lễ Khởi câu xây dựng cầu Đài Trang”.
Chẳng vui thì sao. Giờ các em không phải lội suối đến trường, các cô không phải nơm nớp lo mỗi khi mùa mưa đến.
Trời hôm nay hửng nắng, gió hiu hiu thổi.
Trên sân khấu được kê bằng những chiếc bàn học sinh xếp cạnh nhau, cô Thương mặc áo dài đứng phía trước, phía sau cô là cô Như Hoa, cô Khánh Linh, cô Thu Huyền, cô Hạ Vi, cô Bích Thảo, cô Quỳnh Anh. Các cô đều mặc áo dài, gió từ rừng thổi ra làm tà áo của các cô tung bay, những TÀ ÁO NƠI BIÊN CƯƠNG đang tung bay trong gió.
Ở ngay bên cạnh sân khấu, ở dưới gốc sến già, là 2 ngôi mộ vừa mới đắp, ngôi lớn hơn có ghi dòng chứ nắn nót trên một tấm gỗ:
‘Cô giáo Pa Thăm…
TRẦN ĐÀI TRANG’
Trên ngôi mộ đắp bằng đất, những lùm hoa tam giác mạch vừa mới được trồng phủ từ dưới chân mộ lên tận đỉnh. Hoa mới trồng nhưng nở rộ, vừa trắng vừa hồng lung linh trong ánh nắng. Ở trên cao nhất, chính giữa ngôi mộ là một giò phong lan tím, chính là cái giò phong lan mà cô Đài Trang được cô Thương tặng hôm về xuôi. Chỉ là cô không kịp mang về mà thôi.
Ngôi mộ nhỏ hơn ghi:
‘Học sinh Pa Thăm…
Giàng Mẩy Mưa’
Trên ngôi mộ nhỏ này, xếp những bức tranh vẽ rừng, vẽ núi, vẽ suối Nậm Cha. Còn có cả chiếc cặp sách nhỏ, những vở tập viết, những sách giáo khoa lớp 2 mà khi còn sống vẫn luôn ở bên cạnh Mẩy Mưa.
Gió thổi mạnh làm tà áo dài của cô giáo Thương bay phấp phới, cô nhìn về phía 2 ngôi mộ một lát rồi đưa mắt nhìn xuống phía dưới, nhìn về phía học sinh đang xếp thành từng hàng dọc ngay ngắn, nhìn sang phía bên phải có các chú bộ đội, nhìn sang phía bên trái có các cán bộ địa phương, có cán bộ trên huyện, trên tỉnh và có cả các nhà tài trợ ở tận miền xuôi. Cô nhìn về phía xa, có bà con dân bản. Trong đó có cả gia đình của Đài Trang, có cả anh người yêu của Đài Trang. Còn có ông Sang, là bố của Khoa, là chồng cũ của cô, có cả Vân, là vợ bây giờ của ông Sang nữa. Họ lên đây từ hai hôm trước.
Cô run run cầm micro, tiếng cô phát trên chiếc loa đặt dưới sân khấu:
‘Có một nghề bụi phấn bám đầy tay…
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất…
Có một nghề không trồng cây vào đất…
Mà mang lại cho Đời đầy trái ngọt hoa tươi!’
– “Đài Trang em thân yêu, chị gọi như vậy bởi em không những là đồng nghiệp mà còn là một người em gái bé nhỏ của các chị, của các cô giáo Pa Thăm. Hôm nay các chị không khóc nữa, em thấy không? Các chị đang rất vui, các chị mặc bộ áo dài đẹp nhất, rực rỡ nhất để dự lễ khởi công cây cầu sắt bắc qua suối Nậm Cha. Em cũng vui mừng lên nhé. Cây cầu này là ước mơ của chị em mình hàng bao nhiêu năm qua. Có cây cầu này, các em học sinh thân yêu không phải lội suối đến trường, không phải chịu cảnh ngồi trong lớp mà nước từ quần áo chảy tong tong. Em có vui không? Chị biết là em sẽ rất vui. Cây cầu được đặt tên là “Cầu Đài Trang”.
Đài Trang, chị và các cô giáo Pa Thăm sẽ không sợ, không điều gì có thể làm cho các chị phải sợ cả. Các chị sẽ vẫn ở đây, sẽ vẫn đứng lớp, sẽ vẫn vận động dân bản. Dù có phải còng lưng, khuỵu chân các chị vẫn sẽ cõng từng con chữ lên đây cho các em học sinh. Không điều gì có thể làm các chị buông xuôi, từ bỏ học sinh được. Sự ra đi của em chỉ làm các chị thêm quyết tâm, thêm ý chí và thêm nghị lực để viết tiếp nên ước mơ của học sinh vùng cao nơi biên cương xa xôi này. Quỳnh Anh đã quyết định xin về đây dạy học chính thức, thay em đứng lớp 2, em yên tâm nhé.
Các chị đã gửi tới các học sinh lớp em chủ nhiệm những món quà em gửi trước khi về xuôi. Em Sỉn Cha nhận được một đôi dép tổ ong. Em Khỏe Khự nhận được một cái cặp lồng. Em Thào Lua nhận được một cái kẹp buộc tóc. Em Mùa A Dính nhận được một cái hộp bút, và còn nhiều em khác nữa. Đó là những món quà mà em mua ở chợ phiên Tả Sín Chài để chuẩn bị cho ngày chia tay của mình. Các chị đã thay em làm hết rồi nhé.
Ở lại đây với các chị, có hoa tam giác mạch, có phong lan rừng, có gió biên cương, có rừng đại ngàn, có bà con dân bản, có học sinh Pa Thăm cùng làm bạn với em sớm chiều. Tấm gương của em, tình cảm của em dành cho học sinh, cho riêng Mẩy Mưa sẽ mãi mãi là khúc ca bi tráng nhưng đầy hào hùng của không chỉ điểm trường Pa Thăm mà còn là của các thầy cô giáo vùng cao Tây Bắc.
Yên tâm nhé Đài Trang’
Cô Thương đi đầu, theo phía sau là các cô giáo Pa Thăm, họ đi xuống sân khấu. Đứng im bên cạnh mộ Đài Trang và Mẩy Mưa, lắng nghe nốt phần còn lại của lễ khởi công xây cầu.
Trên khuôn mặt của các cô, ánh lên nghị lực, ý chí và niềm hy vọng.
Gió rừng lại thổi, lại làm bay tà áo của các cô. TÀ ÁO NƠI BIÊN CƯƠNG.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro