Phần 51
2023-12-29 11:39:00
Thương đưa chân bật chống xe rồi dắt ra, vén tà áo dài lên yên, tà còn lại cầm trong tay vịn vào ghi đông bên phải. Em đạp nhẹ nhàng thong dong bên tôi trên con đường xanh thẩm màu biển. Dưới ánh nắng sớm vàng nhạt, bên tiếng chim ca ríu rít giữa tầng không. Đắm trong nụ cười em thánh thót, đôi mắt em mênh mông… tôi như quên mất không gian và thời gian đang tồn tại. Cảm giác đó, nếu dùng lời văn để tả ra chỉ e vốn từ mình không đủ. Bầu ngực ăm ắp những trong trẻo hồn nhiên, trái tim loạn nhịp khúc tình ca hớn hở, đôi mắt mở to hơn, đôi môi thì ngơ ngẩn, ánh nhìn như mong mỏi… Tôi bị dung nhan người con gái bên cạnh thôi miên đến dại người.
– V không định nói gì hả? – Thấy tôi mãi ngắm nhìn em lên tiếng phá tan không gian đó.
– Chợt ngẩn ra, tôi bối rối – Nói gì Thương…
– Đi bên cạnh cũng vui mà, phải không?
– Ừ, vui… – rồi suy nghĩ thêm điều gì đó, tôi tiếp – Nhưng… chở Thương vẫn vui hơn…
– Không được đâu!
– Sao… sao không được?
– Thương không có xe thì nhờ bạn chở. Chứ có xe rồi mà vẫn nhờ, như vậy sao được?
– V thấy được. – Tôi nói chẳng cần suy nghĩ gì.
– Hihi. Còn Thương thấy không được. Ai bảo hồi trước người ta nhờ qua chở lại không thèm. Mưa gió nữa chứ. Thấy mà ghét!
– Tôi tiu nghỉu im lặng.
– Lát học xong V về luôn hở?
– Nghe đến câu này tôi chợt bối rối. – À… đưa Thương về rồi V mới…
– Đâu cần thiết phải vậy đâu. – Em vừa nói vừa cười mỉm liếc tôi.
– Cần chứ. Nói xong tôi ngâm nga:
Không có anh lấy ai đưaem về…
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học…
Ai lau mắt cho em ngồi em khóc…
Ai đưaem đi chơi trong chiều mưa…
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: http://bimdep.vip/mua-ha-dau-tien/
Ai cầm tay cho đỏ má em hồng…
Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc…
(Cần thiết – Nguyên Sa)
– Xạo nha. Lâu nay làm gì có “viết thư cho em mang vào lớp học” nữa?
– Mai sẽ có!
– Rồi có kẹp trong quyển truyện nào không?
– Có. Có kẹp trong truyện.
– Rồi “tình bạn – tình yêu” đã đọc chưa?
– Đọc rồi. Nhưng không nhớ gì cả. – Tôi lại giăng bẫy.
– Ý là lúc đọc cứ vẩn vơ tơ tưởng ai đó chứ gì. – Và em vẫn né tránh tài tình…
– Em nói cứ như đi guốc trong bụng tôi thật. Điều này làm tôi chỉ biết nhăn mặt cười trừ.
– Đọc đến trang 14 đi.
– Trang đó có gì?
– Có gì thì đọc đi rồi biết.
Tới trường. Sóng đôi bên em đến hết hành lang lớp học. Qua lớp gửi Phượng cuốn nhật ký, tôi nói luôn lát bận nên không về cùng được. Chỉ thấy em gật đầu cười nhẹ rồi quay vô.
Về phía lớp tôi, ngang qua tụi 12/6, thằng Trọng gọi giật:
– Sắp xếp giao lưu tiếp chứ bạn?
– Ừ. Đá cho vui. Ta thấy hai bên cũng cân đó. Mà bữa sau đá đừng gọi thêm người.
– Cân con khỉ. Ta gọi thêm thằng Lĩnh còn chưa đủ đô chứ cân. Bữa sau có thằng Lĩnh đá thôi, không gọi thêm ai hết!
– Ừ. Vậy cứ sắp xếp đi.
Về đến lớp, nhìn thoáng qua chỗ Diệp, thấy em vẫn ngồi thỏ thẻ ôn bài. Tóc đuôi gà buộc cao sau gáy. Từ những ngày đầu năm học, không hiểu sao tôi lại có thói quen này. Tôi vẫn muốn thấy em vui tươi và hồn nhiên như thuở trước. Vẫn muốn thấy em nhí nhảnh dễ thương, nhẹ nhàng tinh tế, sâu sắc hiền hòa… Nếu đã không còn thuộc về nhau, và đặc biệt khi mọi thứ đã bị tiếng ve với sắc Phượng, cả đôi mắt ai kia nữa làm phai mờ bớt, tôi chỉ muốn mọi thứ được êm đềm như lúc đầu. Không lạnh lùng, không xa cách.
Có lẽ đây cũng là nét chấm phá rất riêng cho tình cảm ngây dại, trong sáng, hồn nhiên tuổi học trò. Dẫu trải qua thật nhiều những êm đềm, thật nhiều những quyến luyến, đến khi không còn chung lối, nếu đã bước qua niềm đau, chúng ta vẫn dễ dàng mỉm cười với ký ức.
Giờ ra chơi hôm đó tôi rủ mấy đứa xuống sân đá cầu. Có cả Nguyên con với Hiền lùn và Giang Nam 12A2 tham gia. Cuộc vui đang dang dở, tự nhiên thấy thằng Nam quay lưng bỏ đi một mạch vào lớp. Bé Loan chạy theo sau níu lấy tay áo như muốn phân trần điều gì đó mà không tài nào níu được. Tôi bỗng bật cười, rồi lại nghĩ ngợi vu vơ. Hai đứa này quen nhau từ năm 11, đến bây giờ vẫn ổn. Dẫu có đôi khi giận hờn, dẫu có lắm lúc xa cách, nhưng tụi nó vẫn là một đôi. Còn tôi, suốt những năm tháng dài đằng đẵng mải miết đi tìm, đến cuối cùng, tôi vẫn chẳng giữ được gì cả… Nghĩ đến đây tôi chợt giật mình nhớ lại lời hữa với Thương khi nãy. Nhìn vào đồng hồ thấy sắp hết giải lao, tôi phóng như bay lên thư viện mượn sách.
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh, cuốn nào có trong thư viện hầu như hồi đó tôi đều cho em mượn hết. Bây giờ lội tới lui thấy không còn quyền nào, tôi đi qua bên tủ sách tuổi mới lớn. Cầm cuốn đầu tiên – Kẻ di trú đi tìm chất xám, tôi giở ra vài trang đọc thử, thấy cũng khá hay nên cầm về.
Trưa hôm đó tôi không ngủ nằm cố gắng “luyện” cho xong hơn 200 trang của đầu sách đó. Truyện viết cuốn và hay cực. Tôi mỉm cười hớn hở khi tìm thêm được một pho sách hay ho cho ai kia. Rồi với tay lấy tờ giấy, tôi đặt bút định viết gì đó gửi em. Nhưng cứ ngồi mãi, ngồi mãi, tôi vẫn không biết nên bắt đầu thế nào và diễn đạt ra sao.
Ngày đó, những tờ giấy tôi kẹp trong truyện là những lời làm quen xã giao nhẹ nhàng, cởi mở. Đôi lúc, là những công tác đoàn được tôi ghi ra chi tiết kèm vài dòng nhắc nhở rồi nắn nót hai chữ “gửi Thương”. Còn bây giờ, khi hai đứa đã quen nhau hơn một năm có lẻ, đã nói với nhau biết bao câu chuyện hờn giận mến thương, đã trải qua những thăng trầm xa cách… tôi thật không biết phải bắt đầu từ đâu.
Suốt hai tuần nay tôi vẫn để cảm xúc của mình dẫn lối. Tôi không cần nghĩ đến việc chở em trên chiếc xe đó mỗi ngày hoặc cùng em đi về trên con đường quen thuộc nên hay không. Tôi cũng không quan tâm lắm đến việc tôi xứng đáng hay không xứng đáng với em sau khi đã trải qua những lần khó xử. Đơn giản chỉ cần thấy đôi môi em cười thật tươi không e ngại, ánh mắt em bớt buồn và bớt xa xăm, đôi vai gầy không còn run lên bên làn gió, vậy là tôi thoải mái nghe theo cảm xúc của mình.
Còn bây giờ. Đặt bút viết lên trang giấy trắng, liệu tôi sẽ viết điều gì bên trong? Ngồi gãi đầu, rồi cắn bút, lại đắn đo, tôi chợt nhớ còn 10 ngày nữa đến sinh nhật mình, thế là tôi viết… lời mời sinh nhật.
‘Gửi Thương quyển truyện V mới mượn được trên thư viện trường. Nội dung nói về tuổi học trò của tụi mình. Về chàng trai rời xa tỉnh lẻ lên học trên thành phố và những điều anh ta gặp phải. Chắc là Thương sẽ thích.
À, sắp tới sinh nhật V. V ít khi tổ chức sinh nhật nhưng năm nay hơi khác. Chắc sẽ có buổi lễ kỷ niệm “ngày trưởng thành” này. V sinh ngày 2, trúng thứ 5, không biết hôm đó Thương có bận học thêm gì không. Biết là năm nay ai cũng muốn tập trung thật nhiều cho việc học, nhưng… sinh nhật thì cả năm chỉ 1 lần, mong Thương sắp xếp…
Sao nhỉ… Sự hiện diện của bạn là niềm vinh hạnh cho tôi!
P/S: Thương là người đầu tiên V gửi lời mời đấy nhé!’
Biên xong, gấp lá thư lại kẹp vào giữa cuốn truyện rồi bỏ vô cặp cho khỏi quên, tôi chạy xuống lấy điện thoại ra gọi ngay cho thằng Phúc:
– Có nhà không ta chạy lên chơi.
– Có đây, đá bóng à?
– Không, lên bàn tí việc. Ra hái ổi rửa sạch đi, 10ph nữa.
Nhà thằng này có 3 cây ổi to sát hàng rào. Ba mẹ nó vốn kỹ tính, ra trái nào, tránh để dơi ăn, liền lấy giấy che lại kỹ càng. Thành ra mỗi khi lên nhà nó tôi lại có dịp thưởng thức hương vị mùa thu đậm đà bản sắc này.
Bày chén muối ớt giã nhuyễn lên. Kê thêm rổ ổi đã rửa sạch sẽ. Giống ba mẹ mình, nó cũng kỹ tính và ngăn nắp gọn gàng lắm.
– Có chuyện gì vậy mi?
– Sắp tới tổ chức sinh nhật. – Tôi vừa nhai nhóp nhép vừa trả lời.
– Sinh nhật gì?
– Sinh nhật ta, mi với ku Đức chứ sinh nhật gì, còn 10 ngày nữa thôi, quên à bạn?
– À, mi định tổ chức sinh nhật nên lên mời ta hả, đâu cần vác xác tới, alo được rồi.
– Mời con khỉ. 3 anh em mình tổ chức sinh nhật chung luôn.
– Sinh nhật chung?
– Ờm. Sinh nhật chung. Mi ngày 12, ta ngày 2, ku Đức ngày 3. Gom vô một ngày mần luôn. Gọi là kỷ niệm “lễ trưởng thành”.
– Rồi tổ chức ngày mấy?
– Ngày 2.
– Nó bấm bấm chiếc đồng hồ điện tử một chốc rồi ngước lên nói – Được đó, mà tổ chức ngày 5 đi. Trúng chủ Nhật, lại gần ngày của ta chút xíu.
– Không, ngày 2. Thà mi tổ chức trước chứ ta qua rồi tổ chức chẳng vui vẻ gì.
– Cũng có lý, ngày 2 trúng thứ 5, cũng rảnh. Rồi định tổ chức thế nào?
– Có ý tưởng rồi. Lần này anh em mình tổ chức chung nên mời rộng nó loãng. Lớp mi toàn hot girl, ta quen cũng nhiều, nhắm đứa nào xinh nhất thì mời, mỗi bên 5 đứa, chơi không?
– Nghe hợp lý bay, cái này chắc ta ăn đứt mi rồi.
– Haha. Không có chút tính toán sao ta dám nghĩ, thống nhất không?
– OK!
– Vậy chung tiền đi, mỗi đứa 500k.
– Á đù, tiền liền vậy. Mà… 500k có hơi ít không?
– Ít chỗ nào vậy pa? Dồn hết vốn liếng tiết kiệm chắc phải xin thêm nữa đó.
– Chơi luôn. Rồi chương trình thế nào?
– Thống nhất vậy đã. Chương trình ta nghĩ thêm tí rồi nói sau, giờ chạy qua ku Đức gọi nó chuẩn bị.
Thêm một buổi tối lên kế hoạch, ba đứa thống nhất tổ chức tại nhà tôi làm phần tiệc, sau đó thuê một phòng karaoke dưới Cẩm Lệ làm phần hội. Các món ăn do mẹ tôi sắp xếp, chi phí tính toán tạm ổn. Về thành phần tham dự, tôi mời Thương với Phượng, sau đó gửi thêm thiệp cho Tâm với Trang ở lớp anh văn, cuối cùng, đắn đo thật kỹ, thật lâu, tôi ngập ngừng điền thêm hai chữ Minh Diệp vào chỗ trống.
… Bạn đang đọc truyện Mùa hạ đầu tiên tại nguồn: http://bimdep.vip/mua-ha-dau-tien/
Tôi định mời Diệp. Đó là sự thật. Và tôi đã điền tên Diệp vào tấm thiệp màu vàng nhạt với chùm bong bóng bay cao bên đám “hoa cỏ mùa xuân” đó. Nhưng làm sao để gửi đi, tôi vẫn chưa nghĩ ra cách. Đã qua rồi cái thời cười nói thân mật, qua rồi cái thời sóng bước chung đôi. Tôi thật chẳng thể cứ bước đến thật tự nhiên mà gửi em một cái gì đó như thuở trước. Vậy nên tấm thiệp cứ nằm mãi trong túi áo suốt 3, 4 ngày liền.
Một hôm, buổi học vừa kết thúc, đợi Thương dưới gốc cây dâu râm mát trước cổng trường. Em đạp xe đến rồi hai đứa sánh đôi trên đoạn đường quen thuộc.
– Cái gì trong túi áo V vậy, thiệp sinh nhật hả?
– Ừ Thương. – Tôi có thoáng giật mình.
– V gửi ai mà chưa gặp người ta hay sao?
– À… đúng… – Tôi bối rối buộc miệng.
– Vậy là không đúng rồi. Đúng mà cứ ấp a ấp úng hoài. V gửi nhưng ngại không biết gửi thế nào đúng không?
– Sao… sao Thương biết?
– Thì Thương thấy nó nằm trong đó 3 ngày rồi.
– … Tôi cứng đơ cổ họng.
– Có người làm V đắn đo đến vậy sao ta? Không biết hồi trước Thương có làm V đắn đo chút nào không nhỉ?
– …
– Hihi. Thôi Thương đùa đó. V mời Phượng sao không thấy mời Tuyết Linh?
– Tôi chợt ngớ ra. Ba cô bạn này chơi chung, tôi mời 2 người lại quên mất người còn lại, quên mất người đã giúp đỡ mình ngày trước, suy nghĩ thêm chút tôi trả lời – V chưa gặp để gửi thiệp thôi á.
– Ừ. Thương sợ V quên thôi.
Đúng là tôi quên thật. May em kịp nhắc. Trưa đó về đến nhà, mãi lăn tăn với tấm thiệp trong túi, tôi lững luôn chiều nay 3h mấy đứa lên nhà làm pa nô. Vẫn còn đang ngủ trưa, thằng Danh chạy xộc thẳng vô phòng:
– Mấy giờ rồi còn nằm đây bạn, hẹn anh em mà thế à?
– Ủa, hẹn gì, à, quên, mấy đứa tới rồi?
– Đủ rồi, dư luôn. Ta, ku Nhân, Minh chui, thêm cả thằng Huy, Thành với Tuyển.
– Vậy xuống làm thôi.
Tôi lục tục đi xuống rửa mặt rồi phân nhiệm vụ. Minh ra tạp hóa mua giấy roki đi, 2 tấm. Thành, Huy với Tuyển vô mở máy tính lên tìm tranh ảnh theo chủ đề. Danh sửa soạn màu nước nhé.
– Còn ta? – Nhân ca sĩ thấy không có việc gì nên đánh tiếng.
– Uhm. Mi, xem nào, chạy xuống quán Sài Gòn mua mỗi đứa ly chè về ăn cho vui.
– Ok. – Gì chứ thằng này chúa ăn hàng, giao cho nó mấy nhiệm vụ kiểu đó hợp không sai chút nào.
– Chết. Ta để quên màu ở nhà rồi V. – Ku Danh vô báo cáo thật thà.
– Ôi. Vậy lấy gì tô?
– Nhà mi không có à?
– Ta xưa giờ toàn khống chế môn vẽ mà có gì được. Để ta chạy lên nhà bé Ngân hỏi thử.
– Để ta đi. – Ku Danh tranh việc. Nó vốn say bé Ngân đứ đừ, hay tìm cách lân la nhưng toàn bị chặn ngay cổng. Vậy nên hễ thấy cơ hội tiếp cận mục tiêu là cu cậu xung phong ngay.
10 phút sau, tất cả mọi thứ sẵn sàng. Cả nhóm ngồi tô tô vẽ vẽ. Tôi chạy xuống nhà bé Trúc xin nẹp về cho ku Nhân đóng. Nhìn nó tháo vác đo, cưa, xuống búa, suy nghĩ trong đầu chợt lóe lên, tôi lên tiếng hỏi:
– Sao bữa nay lựa chỗ ngồi xa anh em vậy bạn?
– Không cố ý mi ơi, vô trễ, ngoài bàn đầu ra thấy trống mỗi chỗ đó nên ngồi luôn.
– Kaka. Ngồi sau gái, ngắm nhiều học hành tiến bộ nhanh lắm.
– Ta địa nhỏ khác rồi.
– Đứa nào, nói đi ta mối cho.
– Cũng định nhờ mi nhưng cứ từ từ.
– Vậy ta nhờ mi cái này trước. – Vừa nói tôi vừa lôi tấm thiệp trong túi áo ra – Mai lên gửi bé Diệp giùm ta được không?
– Gì đây, thiệp mời sinh nhật à? Hay bay, mời mỗi mình nó thôi hay sao mà không thấy mời anh em?
– Anh em tổ chức riêng, chị em tổ chức riêng, cố gắng giao tận tay giúp ta.
– Yên tâm. Mà không phải mi với hắn hết rồi à?
– Hết gì, trong lớp với nhau thì đều bạn bè cả.
– Ta íu tin.
Phải tôi là nó tôi cũng chả tin nữa là. Thôi nghĩ sao thì nghĩ, tìm được cách trao tấm thiệp đến Diệp tôi đã thấy nhẹ nhõm lắm rồi. Nhưng lại chợt mông lung, liệu em có đi không nhỉ? Nếu không đi, tôi mất ngay một điểm lấy le với thằng Phúc. Còn nếu đi, ngày hôm đó mọi chuyện sẽ như thế nào ta? Hai đứa sẽ nói gì với nhau? Hay là vùng đất băng giá ở giữa cứ thế tỏa ra những hơi thở lạnh buốt? Thôi cứ kệ. Không biết ngày mai sẽ ra sao, mà có ra sao cũng chẳng sao. Đó là phương châm sống của tôi lúc ấy. Năm cuối rồi, chơi lớn một lần cho đến đâu thì đến.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro