Phần 14
2023-12-29 11:39:00
Tôi hiểu tâm lý của Trinh. Vốn là con gái, lại chưa từng làm bí thư trước đây, năm lớp 10, Trinh chỉ nhận nó như một nhiệm vụ bất khả kháng. Với tinh thần đầy trách nhiệm của mình, Trinh tham gia tất cả các hoạt động của đoàn trường, quỹ đoàn đầy đủ, công trình thanh niên hoàn thành tốt, nhưng không có nổi một giải thưởng nào mang về cho lớp. Tôi chắc chắn Trinh chả ưa gì vị trí mình đang nắm giữ, dù đôi khi, làm bí thư của một lớp thật ra cũng oai lắm lắm.
Tôn Tử có câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” quả chẳng sai. Chỉ sau một cuộc điện thoại, bằng những lời lẽ dẫn dắt hết sức điêu luyện của mình kết hợp với tâm lý “Trinh cũng không muốn làm đâu V ơi”, bước đầu tiên coi như xong. Trinh sẵn sàng không nhận lại vị trí này khi cô Yến tiếp tục chỉ định.
Bước thứ hai mới dần đi vào khó khăn. Đó là phải đạt được sự đồng ý của cô về việc lớp tự bầu ra bí thư, nghĩa là đúng như XHCN, cứ dân chủ mà làm, ai đạt được số phiếu bầu cao nhất thì người đó làm BÍ.
Tôi băn khoăn trăn trở với việc này mất một đêm. Nghĩ hoài không ra được cách nào gián tiếp, tôi quyết định đi đến “tay đôi”, đại khái là trực tiếp đối thoại để thuyết phục. Sau giờ văn đầu tiên của tuần học mới, đợi cô ra khỏi lớp, tôi theo sau lí nhí:
– Em chào cô ạ.
– Có việc gì vậy V?
– Dạ. Năm nay em muốn xin phép cô đảm nhận vị trí bí thư của lớp.
Tôi nói mà còn không tin là mình vừa nói xong câu vừa rồi.
– Bí thư đang có Mẫn Trinh làm rồi mà?
– Dạ năm nay bạn ấy xin phép không làm nữa ạ.
Một thoáng suy nghĩ, cô trả lời:
– Nếu vậy thì đợi đại hội chi đoàn sắp tới, lớp bầu ai, người đó làm thôi chứ cô không quyết định được. Mà nếu lớp tiếp tục bầu Trinh thì Trinh vẫn phải làm thôi.
– Dạ, em hiểu rồi, cảm ơn cô ạ!
Tôi cố nặn ra một vẻ mặt buồn bã khi dường như cô Yến không có tí gì ủng hộ chuyện tôi tự ứng cử làm bí thư. Sau khi cô quay đi, tôi vui sướng nhảy cẫng lên, xong bước hai. Vậy là cứ theo dân chủ lớp học mà phán – đứa nào số phiếu cao nhất, đứa đó làm bí.
Cuối cùng, phần khó khăn nhất là bước thứ ba. Trinh chấp nhận từ chức. Cô Yến chấp nhận chọn Bí Thư theo số phiếu. Vậy thì việc cuối cùng tôi phải làm sao đó cho số đông mấy đứa trong lớp bầu chọn tôi vào cái vị trí đó, bầu chọn cho một thằng từng hạnh kiểm yếu kém, học lực trung bình, từng bỏ học, cặp kè… vào chức bí thư.
Có những lúc chúng ta giải một bài toán, khi phân tích ra rằng phải giải nó bằng 3 bước, bước thứ 1 và thứ 2 ngon ơ, cứ ngỡ đã sắp hoàn thành, cho đến khi bế tắc cả ngày trời ở bước thứ 3 thì lắm lúc muốn vứt luôn cả bài toán.
Tôi đang nằm trong diện đó. Tôi hoàn toàn bế tắc với bước thứ 3.
Một năm lớp 10 trôi qua. Tôi có vài thằng bạn luôn kề vai sát cánh. Có vài đứa con gái trong lớp tỏ vẻ hâm mộ. Còn lại, sau tất cả những gì tôi thể hiện với hạnh kiểm và học lực, nếu để mấy đứa tự động bầu cho tôi thì xác xuất của việc tôi trúng cử bí thư gần như bằng 0.
Tôi đau đầu về việc cố gắng tăng cái xác xuất đó lên. Còn 1 tuần nữa là đến ngày đại hội. Tôi phải làm gì trong một tuần ngắn ngủi đó để thay đổi suy nghĩ của gần 30 con người? Bế tắc, tôi họp lũ bạn lại ở quán nước mía gần trường và bắt đầu ca thán:
– Năm nay ta muốn làm bí thư lớp mình mà coi bộ khó ghê.
– Ta sẽ bầu cho mi. Thằng Thành lên tiếng.
– Yên tâm đi, anh em sẽ bầu cho mi mà. Ku Danh nói.
– Vấn đề không phải ở đó. Vấn đề là cho dù tất cả tụi bay và một vài đứa lớp mình có bầu thì số phiếu cũng chỉ tầm 16, 17 cái. Lớp mình 48, chừng đó là không đủ.
Thấy mấy đứa gật gù, vẻ mặt tiu nghĩu vì cũng mù tịt cách giải quyết như tôi, tôi nhanh chóng lên tiếng phá tan bầu không khí bế tắc đó:
– Ta nghe nói “tam ngu thành sáng”, ý là nhiều thằng góp ý vẫn hơn một thằng trùm tự mày mò, tụi bay có cao kiến gì không?
– …
– …
– …
– Bầu không khí bế tắc vẫn bao trùm. Chán ngán, tôi giở chiêu cuối. Ta sẽ đi vận động bầu cử!
– Ta sẽ giúp mi, ku Danh nhanh nhảu.
– Ok, tụi ta sẽ giúp mi vận động. Thằng Tuyển bây giờ mới lên tiếng.
Gọi tính tiền chầu nước mía, mặt tôi giãn ra được đôi chút. Ít ra điều này cũng giảm bớt trong tôi phần nào sự bế tắc mấy ngày qua. Mình tôi đứng ra vận động nhiều khi sẽ thiếu sự tin cậy. Nhưng nếu một nhóm 5 7 đứa đứng ra vận động sẽ tạo nên sự lan tỏa và yếu tố dây chuyền. Nghĩ kỹ lại, thằng Thành cũng chơi khá thân với bé Quyên, thằng Minh, thằng Mạnh. Ku Liêm thì thân với nhóm bé Thảo, bé Mây, bé Trúc. Ku Tuyển thì hay chơi với nhóm bé Trang, bé Nguyệt… Cá nhân tôi có thể “dụ khị” thằng Hoàng, thằng Hà, thằng Huy, bé Khải, bé Thiết, bé Phương, bé Ngân… Càng nghĩ tôi lại càng thấy an tâm phần nào.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro