Phần 23
2021-01-18 11:39:00
Tao nung nấu quyết tâm ra ngoài, vì tao biết, khi đã không thể giữ được hòa khí thì khó sống. Nói về mẹ tao đi. Bà là một người phụ nữ đẹp, có tay nghề cao về sửa chữa ô tô, được nhà nước cử đi học ở Trung Quốc. Nhưng biến cố xảy ra, nhà tao đi di cư hết. Bà một nách hai con nhỏ. Lại vướng là thợ chính bậc cao, chần chừ mãi rồi không đi được. Chính quyết định này đã là một sai lầm mãi mãi không bao giờ có thể sửa khi kẻ lênh đênh đất khách quê người, kẻ vò võ chờ chồng vô vọng.
Hồi trước nghe mẹ kể, bố tao yêu mẹ tao lắm, bố cực hiền và lành tính, ôn hòa và dịu dàng hơn tao nhiều. Hai vợ chồng không sống cùng nhau, chỉ cuối tuần là mẹ lại từ HN về BG, bố ở BG học làm nghề thuốc Đông Y. Ông Nội là người TQ nên chỉ truyền nghề cho con cả, tao có 2 ông chú và 1 bà bác, chú thứ 2 thì chỉ làm chân le ve, không làm được trò trống gì, chú út thì lại cực thông minh, học lỏm thôi mà sau lại thành BS nổi tiếng. Bố tao được dạy từ nhỏ, nên cũng là người có kiến thức, với chú út, là người có chí, luôn làm được việc, và chú trở thành người giàu nhất dòng họ do tay nghề. Đời lên hương nhất là khi chú trúng sổ số bên Anh. Thế là có một gia tài kếch sù. Bố tao vì muốn định cư, phải có thẻ xanh, bố lấy vợ khác, nên càng đốt cháy lên sự căm thù của mẹ tao đối với bố. Và mọi căm thù ấy chuyển thành yêu thương hằn học với đứa con như tao. Yêu đến mù quáng, đến nỗi ghen cả với vợ tao. Vợ tao rất biết ý, trước mặt mẹ tao, chưa bao giờ ngồi gần cạnh chồng.
Bố tao đi di cư, liên lạc mất dần, mẹ tao tần tảo với việc nuôi hai chị em, sống giữa nghi ngờ của xã hội vì là người Hán, nuôi thêm bà ngoại nên mẹ tao đi theo đoàn xe tối ngày. Mẹ tao cũng cực nhanh nhẹn, buôn hàng từ cửa khẩu về, mở thêm quán ăn ở cơ quan, phục vụ anh em lái xe. Tao cũng hay chạy đi chạy lại giúp mẹ phần nhạc nhẽo, hồi đó hát bằng đầu điện tử, tao cũng có làm thêm việc đĩa lậu. Chị em tao không có ai kèm cặp, cứ như cây cỏ lớn lên giữa những ống tiêm và nàng Mai Thúy. Vì mẹ vất vả, lại khó tính và ác liệt, nên tao đã tự hứa, dù mẹ có ngang ngược thế nào, thì mẹ vẫn là người sinh ra tao, vất vả vì tao, tao không có quyền làm mẹ đau lòng. Sau này lấy vợ về, tao cũng nói rõ thế, vợ tao cũng đồng ý. Nhưng càng ngày mẹ tao càng quá quắt, dỗi là không ăn cơm, cứ đến bữa là đi ra khỏi nhà, thức ăn để cho thì không ăn, sáng hôm sau lại đổ đi. Hơn một năm, toàn vậy.
Mẹ tao thích chửi bới gì, vợ tao cũng không nói, thích móc ngoáy gì nó cũng không bảo sao. Chỉ có lúc bà giáo dục sai lệch và chiều thằng kia quá, nó mới phản kháng. Thế mà hôm sắp đi ra ngoài, nó lại bảo tao”lỡ đêm hôm bà có việc gì, thì làm sao?” Tao vin đúng cớ đó, không ra ngoài nữa, hoãn binh thêm được 5 năm. Nhưng không ra lại là sai lầm không hàn gắn được. Mâu thuẫn ngày một cao, bà ngày càng thách thức vợ chồng tao khi lấy thằng con tao ra chiều chuộng. Thật ra không phải bà không hiểu đạo lý, chỉ vì giận dỗi nên toàn đi ngược lại những gì vợ tao dạy con.
Vợ thấy con ngày càng hư, ích kỷ và dựa dẫm, nên nó nói với tao:
– Em nghĩ đến lúc mình phải ra ngoài ở riêng rồi?
– Anh cũng nghĩ vậy.
– Em phải nói rõ với anh, ra ngoài sống, cái tôi sẽ rất cao. Ở nhà còn có mẹ, em nhịn được hết, nhiều khi không lên tiếng để yên nhà yên cửa. Có rất nhiều người khổ chịu được, sướng hỏng ngay. Nên em cho anh hai lựa chọn:
1. Đi cùng em…
2. Ở lại với mẹ anh, chỉ cần anh thực hiện đủ nghĩa vụ làm ck và làm cha là dc. Còn anh ở hay đi đều không quan trọng. Ai cũng có bố mẹ, đều đứt ruột sinh ra mình, nên yêu thương con là điều tất yếu. Em không thể hòa hợp ở cùng mẹ như lời em hứa, nhưng em cũng không có quyền chia rẽ mẹ con anh. Tùy anh quyết nhé!
Nó nói thế tao càng đắn đo. Mẹ tao cũng lớn tuổi rồi, không ở gần tao cũng lo lắng, nhưng ở cùng thì không thể được, con tao sẽ rất khổ, đứa bé thì mặc cảm, đứa lớn thì hư đốn.
Thế là bọn tao ra ngoài, bà bảo con tao “Xem ba bảy hai mốt ngày có quay lại quỳ gối xin tao cho vào nhà không nhé. Xem bố mẹ mày có kiếm đủ tiền thuê nhà và nuôi chúng mày không nhé!”. Nhưng mẹ tao nhầm về vợ tao, nó đã đi, chỉ trừ khi chết chứ không bao giờ quay lại. Nó từng đề nghị tao về việc nói chuyện với mẹ tao về việc bỏ qua hết những khúc mắc để ở chung, nhưng với điều kiện là ở nhà nó. Chứ nó không về nhà bà nữa. Tao gạt đi luôn, vì tao biết mẹ tao cũng không bao giờ chịu xuống nước.
Tao lại nhớ đến việc hồi nó xin tao đi làm khi con cún được 2 tuổi, cũng không nhờ bà trông, nó bảo bà không có nghĩa vụ phải chăm con do mình đẻ ra. Bà còn việc của bà, nó đem con đi gửi lớp. Tao không đồng ý, vì con vẫn còn nhỏ. Nó nói với tao: “Anh cho em 1 tháng, nếu em không tìm được việc và không làm được việc, em sẽ ở nhà và nghe lời anh hết. Còn nếu em làm được, thì đừng cấm em, ok không ba bì…”
… Bạn đang đọc truyện Lấy vợ người Hải Phòng tại nguồn: http://bimdep.vip/lay-vo-nguoi-hai-phong/
Vợ tao chưa từng đi làm ở đâu cả, lại ở nhà một nèo đến gần 4 năm, quãng đường dài nhất của nó là đi từ nhà ra đến chợ và từ chợ về nhà dài đâu đó khoảng 300m. 4 năm với bốn bức tường và hai đứa con thơ, 4 năm sống vất vả và phải nhìn sắc mặt của mẹ chồng, 4 năm đấu tranh với việc hoặc là hóa điên hoặc trầm cảm. Tao nhìn thấy hết, nên khi nó xin đi làm tao vô cùng lo lắng. Nó mua báo tìm các ô về việc làm để ứng tuyển, nó làm bất động sản, làm báo chí, làm về giáo dục, nhưng tất cả đều không quá được vài tuần. Tao giao nó cho một đứa bạn làm đa cấp, ý định của tao chỉ để cho nó biết, xã hội này thật sự rất nhiều lừa lọc. Để cho cái tính cả tin với thương người của nó bơn bớt đi tí nào.
Có lần trong người nó còn đúng hơn 200k, nó gặp hai mẹ con, cái nhà mà đi mấy năm không vượt qua được cái cầu Thanh Trì ấy, nó vẫn cho hẳn 200k. Xong đi đường về còn rớt nước mắt vì nó nghĩ trên đời này còn nhiều người khổ hơn nó. Nó kể chuyện cho tao với vẻ mặt đầy xúc động, tao chỉ bảo nó:
– Chịu khó lên mạng và nghe nhiều một chút, em sẽ thấy không ai ngốc như em đâu!
Vài hôm sau nó bảo:
– Hóa ra người ta vì cái lợi của mình mà bất chấp lừa cả tấm chân tình của người khác, rẻ mạt quá anh ạ!
Tao phì cười vì không nghĩ nó vẫn ngây thơ đến vậy.
– Em lớn hơn chút đi, tư duy vẫn không hơn được đứa năm tuổi là sao?
Nó còn rất bao đồng, tao nhớ có lần trưa nắng nổ đầu, nó đang đi trên đường, gặp một ông già đi bộ, đầu đội mũ bảo hiểm đang lê những bước khó khăn dưới lòng đường. Nó bảo hình như không ai nhìn thấy ông ấy, giữa cái nắng cháy da cháy thịt, nóng đến bốc hơi ở mặt đường, ai cũng chỉ lao đi vun vút, thế là nó dừng lại hỏi ông ấy đi đâu.
– Trời, em liều thế, nó đập cho một cái rồi cướp mất xe thì làm sao?
– Không anh, nhìn tội lắm, nắng há mồm, chó còn chả thở nổi thì ông ấy cũng chẳng còn sức đâu?
– Xong sao, kể tiếp đi?
– Xong ông ấy lên xe ngồi, mà cứ luôn mồm “tôi đội ơn cô, cả nhà cô sẽ được giời phù hộ, sẽ được giời thương mà tai qua nạn khỏi, gia đình hạnh phúc cô ạ”, em hỏi sao ông lại lang thang ở HN giữa trời 40 độ này, ông ấy bảo là bộ đội mà mất hết giấy tờ, phải ra HN kêu đến TW để các bác ấy đèn giời soi xuống, chứ khổ quá cơ.
– Thế lại cho người ta bao nhiêu tiền?
– Không, lần này em không cho, chỉ cho đi nhờ xe đến Bờ Hồ thôi, vì ông ấy bảo ước mơ ra đến HN là phải ra Hồ Gươm ngắm tháp Rùa một lần thì chết cũng hả dạ. Rồi ngủ ở ghế đá một đêm rồi mai về tận Thanh Hóa, Nghệ An gì đấy.
– Người khổ thế thì không cho thật à?
– Thật ra có cho một tí thôi!
– Tí là bao nhiêu?
– Thì em cho tiền xe!
– Thế không cho tiền ăn à?
– Có 1 bữa ăn.
– Thế mai người ta ăn bằng gì?
– À. Hình như cho thêm cả tiền ăn của hôm sau ấy…
Khà khà khà, con vợ tao nó quanh co thế đấy, nên đi ra ngoài hai đứa con tao có thể chạy lung tung, chứ nó thì tao phải kéo vào lề trong không lại vô phúc cho thằng nào thấy nó đi bộ đánh võng ở lề đường mà tông vào nó, lại gặp họa. Tao vì cộng đồng mà hy sinh thân này để giữ nó, không thả ra xã hội, chúng mày nghĩ có nên cảm ơn tao một tiếng không?
Lại nói đến việc đi làm của nó, sau hơn 3 tháng xoay vẫn với việc làm hay nghỉ, nó quyết định làm PG cho một công ty làm về thực phẩm. Sau nửa tháng kỳ tích xảy ra với nó, nó dc làm TP KD, và cũng lần đầu nó biết, thông minh thì người ta ghét, đói rét thì người ta khinh. Phe cánh vui dập nó không ít, chả hiểu sao ở nhà với tao đến chuột dính bẫy nó còn không dám vứt, thế mà ra ngoài đố đứa nào bắt nạt được nó luôn. Nó đi làm, có kinh tế, tao cũng không phù hợp với việc làm y tá hay đông y, nên cùng mấy anh em làm điện lạnh, cũng không đói được. Nó là người nhiệt tình, nên đi làm với đối ngoại đều rất ổn, những người quý nó không ít, những người đố kị cũng không dám thể hiện. Nó có thể biến chuyện to thành nhỏ và nhỏ nghĩa là không có. Ngược lại, khi đã muốn thì con kiến cũng thành con voi. Mẹ tao không vì nó kiếm được tiền mà tỏ ra hãnh diện, ngược lại còn khó chịu ra mặt khi nghĩ nó hơn tao thì nó sẽ coi thường tao. Nó biết thế nên nó bảo:
“Cho dù ra ngoài em có làm vương làm tướng gì, thì về nhà, em không bao giờ vượt mặt anh, vì em thấp lắm không vượt được cái nóc nhà cao M7 đâu anh…”
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro