Phần 15
2024-08-04 21:15:22
Buổi chiều muộn hôm nay, Mạnh đỗ xe ở bên kia đường rồi đứng trước cửa nhà Thục Trinh. Cậu biết nhà vì hôm qua từ bệnh viện về cậu chở thẳng hai mẹ con Thục Trinh về đây. Cửa xếp sắt của ngôi nhà nhỏ 2 tầng khóa ngoài báo hiệu cho Mạnh biết là mấy mẹ con Thục Trinh chưa về đến nhà. Cũng phải thôi, hai người tan làm ở công ty cùng một lúc, trên đường về, Mạnh ghé qua một siêu thị mất 15 phút rồi về thẳng đây, cũng không dám nói trước cho Thục Trinh biết vì cô ấy chắc chắn sẽ từ chối. Hôm qua đã đưa về tận nhà rồi nhưng nói thế nào thì Thục Trinh cũng từ chối không cho Mạnh vào trong nhà. Nay Mạnh đánh liều cứ đến coi như là một sự đã rồi. Còn Thục Trinh, nếu Mạnh đoán không lầm thì còn phải qua trường đón mấy đứa trẻ nữa rồi mới về nhà.
Gần 30 phút đứng trước cửa nhà một mình, đi đi lại lại giống như một chàng trai đang trồng cây si trước nhà một cô gái mà mình quý mến, cuối cùng thì bốn mẹ con Thục Trinh cũng xuất hiện. Thục Trinh đi xe Lead, ở phía trước có lắp thêm một cái ghế con con để bé Út ngồi, Cu Tí ngồi giữa ở yên sau, cuối cùng là đứa lớn năm nay học lớp 2. Thục Trinh đỗ xe trước cổng nhà rồi tròn mắt nhìn Mạnh, dẹt mắt nhìn sang chiếc xe oto sang trọng cáu cạnh đỗ phía bên kia đường:
– “Anh Mạnh, anh làm gì ở đây?”, Chưa bao giờ trong đầu Thục Trinh nghĩ là Mạnh lại có thể xuất hiện trước cổng nhà cô giờ phút này. Hay nói đúng hơn, chưa bao giờ cô dám nghĩ có một người đàn ông lại đang đợi cô.
Mạnh ghé tay bế bé Út ra khỏi chiếc ghế nhỏ phía trên, chiếc xe quá nhỏ bé cho cả 4 mẹ con bởi Thục Trinh đã chiếm đến quá nửa diện tích của chiếc xe rồi. Bé Út nhỏ tí xíu, 3 tuổi rồi nhưng trông chỉ nhỉnh hơn đứa một tuổi một chút. Nếu ai có óc tưởng tượng có thể nghĩ ngay đến việc, Thục Trinh có thể đặt bé Út trên lòng bàn tay mình rồi nâng lên nâng xuống hết sức dễ dàng. Đến như Mạnh, sức cũng có là bao đâu mà cảm giác bé Út nhẹ bẫng trong tay mình. Còi cọc như một đứa trẻ thiếu ăn vùng cao.
Đặt bé Út nhẹ nhàng xuống đất, Mạnh ngẩng mặt lên hì hì:
– Tôi đến thăm Cu Tí. Hế lô Cu Tí, còn nhớ chú Mạnh không?
Hôm qua, hai chú cháu từ viện về cùng nhau trên oto, đủ để có thể làm quen nhau rồi. Cu Tí cười tươi đôi mắt mặc dù một bên má vẫn còn tím bầm chưa thể trở lại bình thường:
– Cháu nhớ chú rồi. Chú có xe đẹp. Hôm nào chú lại cho Cu Tí đi xe ôtô nhé?
– Uh, hôm nào được nghỉ, chú chở Cu Tí đi chơi, được không?
Cu Tí nhảy cẫng lên mừng rỡ.
Thục Trinh nhìn đứa con gái lớn, nhắc nhở khi thấy con im im không nói năng gì:
– Minh Anh, chào chú đi con.
Minh Anh khép nép vào lưng mẹ khoanh tay chào nhưng đôi mắt không khỏi xét nét nhìn chú đẹp trai. Trong lòng Minh Anh có gì đó như lo lắng khôn nguôi, lần đầu tiên thấy mẹ có bạn, lại là người đàn ông đến tìm mẹ, cảm giác như sợ sệt người đàn ông này sẽ cướp mất mẹ Trinh của mình. Những suy nghĩ đó làm Minh Anh có phản ứng đề phòng:
– Cháu chào chú ạ?
– “Minh Anh, tên đẹp quá nhỉ?”, Mạnh nửa ngồi, nửa quỳ để cho mình ngang bằng với Minh Anh, “Minh Anh mấy tuổi rồi?”
– “Cháu học lớp 2 ạ”, cô bé lễ phép đáp lời. Học lớp 2, lại là chị cả trong gia đình, Minh Anh trông già dặn hơn so với các bạn cùng tuổi.
Thấy phần chào hỏi đã xong, Thục Trinh bắt đầu nói với Mạnh, cô dựng chân chống xe nhưng không có ý mở cửa để mời Mạnh vào:
– Cu Tí không có việc gì đâu, anh Mạnh về được rồi đấy.
Là Thục Trinh đuổi khéo Mạnh. Nhưng Mạnh đâu có dễ dàng đầu hàng như vậy. Hôm nay đến đây, trong lòng Mạnh đã có dự tính và dự liệu cho việc đuổi khéo này rồi. Cậu cũng không phải là đến tán tỉnh gì Thục Trinh, chỉ là muốn tìm hiểu kỹ hơn về mấy đứa trẻ mà Thục Trinh đang nhận nuôi, từng bước, từng bước hỗ trợ cô ấy mà thôi.
Mạnh cười khổ sở:
– Hay là Thục Trinh cho tôi vào nhà ăn cơm tối cùng có được không? Hôm nay bố mẹ tôi đi vắng hết, không có ai nấu ăn cả.
Mạnh nói dối không ngượng mồm, mà Thục Trinh thì biết thừa là anh ta nói dối. Đại gia như anh ta thì bố mẹ nào lại đi nấu ăn, chắc phải có đến một tá người giúp việc ấy chứ. Thục Trinh không nói thẳng ra chuyện đó. Thực tâm mà nói, cô cũng chẳng có vướng bận gì mà không thể tiếp Mạnh một bữa cơm, cũng là để cảm ơn anh ta đã giúp mẹ con cô việc ngày hôm qua. Nhưng nghĩ đi lại nghĩ lại, Thục Trinh không muốn mối quan hệ giữa mình và anh Mạnh có tiến triển gì khác ngoài hai chữ “đồng nghiệp”, bởi cô biết, nếu làm điều đó, người nhận về đau khổ không phải anh ta, mà chính là bản thân cô. Thế nên Thục Trinh vẫn kiên quyết từ chối:
– Anh ra ngoài ăn tạm cái gì đó đi. Hôm nay thức ăn tôi mua chỉ đủ cho 4 mẹ con thôi.
Mạnh hớn hở vì lừa được người đẹp:
– Tưởng chuyện gì, chuyện này Thục Trinh không phải lo.
Nói xong Mạnh phi thật nhanh sang bên kia đường, đá chân vào gầm sau của xe, cửa hậu từ từ mở lên. Mạnh cúi người vào trong xách ra gần chục túi nilon, hai tay khệ nệ dâng lên cao như khoe rồi lại bước sang đường. Vừa đi vừa hớn hở nói:
– Tôi biết Thục Trinh không chuẩn bị nên vừa mới mua sẵn rồi. Chỉ việc nấu thôi.
Thấy không còn cách nào để đuổi anh chàng bám dai như đỉa này ra khỏi nhà, anh ta phá tan cái không khí bình lặng thường ngày của bốn mẹ con. Thục Trinh dậm chân làm mặt đất dưới chân như rung chuyển:
– Anh Mạnh…
Nhưng Mạnh cười khổ rồi xịu mặt ra ngay như một đứa trẻ nũng nịu mẹ:
– Đi mà Thục Trinh, 1 buổi hôm nay thôi. Tôi không quen ăn ở ngoài đường.
Đúng lúc đó thì Cu Tí giật giật vào váy mẹ, ngẩng mặt lên dẫn sói vào nhà:
– Mẹ đồng ý cho chú Mạnh ăn cơm cùng đi. Con thích chú ấy ăn cơm cùng mình.
Thục Trinh dứ nắm đấm về phía Mạnh dọa nạt:
– 1 Lần thôi đấy.
Mạnh cười hì hì vì nhận được sự đồng ý, các cụ ta có câu cấm sai: “Đẹp trai không bằng chai mặt”. Nếu hôm nay Mạnh chỉ trông cậy vào sự đẹp trai của mình thôi thì việc đã không thành, phần lớn đến từ cái chai mặt.
5 người lục tục mở cửa vào trong nhà. Người đi đường nhìn thoáng qua, chẳng ai nghi ngờ đây chính là một gia đình gồm hai vợ chồng và 3 đứa con, đang hạnh phúc quây quần bên nhau sau một ngày làm việc và học tập.
Trong khi mấy đứa trẻ lên tầng 2 tắm rửa thì ở bên dưới, Thục Trinh lụi trong bếp bắt đầu nấu đồ ăn. Cô lần giở từng túi ni lông mà Mạnh mua mang về đây rồi quay lại phía Mạnh hỏi:
– Anh định ăn ở đây 1 tháng hay sao mà mua từng này đồ. Tủ lạnh cũng không thể chứa hết được.
Nào Mạnh có biết mua bán gì đâu, lần đầu tiên trong đời đi vào siêu thị mua mấy cái thứ này. Thành ra người ta bày ra cái gì thì nhặt cho bằng hết, nào tôm, nào cua, nào cá, nào ghẹ, nào mực, nào thịt bò, thịt lợn, nào cái hồi, nào cá ba sa. Tóm lại là nhặt cho bằng sạch. Mạnh thanh minh, cái này là thật:
– Thực ra, hôm nay là lần đầu tiên tôi đi chợ. Chẳng biết mua cái gì nên mua tất cả cho nhanh. Thục Trinh xem ăn được thứ gì thì ăn, không ăn được thì bỏ đi.
– “Thôi anh ra kia ngồi đi, để tôi nấu ăn còn kịp cho các con ăn xong còn học bài”, Thục Trinh hoàn toàn tin chuyện Mạnh lần đầu tiên đi chợ. Hoàn cảnh của Mạnh như thế nào, không phải là Thục Trinh không biết.
Mạnh không ra ngoài phòng khách mà cứ quanh quẩn bên trong phòng bếp, cũng chẳng biết làm gì để giúp Thục Trinh cả. Cậu ngồi xuống một cái ghế bàn ăn bằng gỗ, trên bàn có một thứ làm Mạnh chú ý. Đó là một cây xương rồng xanh khá to với những chiếc gai nhọn hoắt tua tủa bao bọc lấy toàn bộ thân cây. Cây xương rồng trồng trong một cái khay nhựa xinh xắn, đặt chính giữa bàn ăn.
Mạnh lấy làm lạ lắm, chuyện người ta cắm hoa đặt trên bàn ăn không có gì là lạ cả. Như nhà Mạnh lúc nào cũng có vài lọ hoa tươi to đùng đặt rải rác khắp nơi trong nhà, trên bàn ăn cũng có. Nhưng trồng cây xương rồng rồi đặt trên bàn ăn như một vật trang trí thế này thì đúng là thấy lần đầu. Những chiếc gai nhọn hoắt như những mũi kim sẵn sàng chọc thủng da thịt nếu ai đó vô tình chạm vào thật là không thích hợp khi đặt ở chỗ này.
Cứ nhìn cây xương rồng rồi lại nhìn vào Thục Trinh, Mạnh có sự liên tưởng không hề nhẹ, phải chăng loài cây này là loài cây mà Thục Trinh ưa thích. Thật là giống nhau đến kỳ lạ. Ở chỗ bếp, Thục Trinh to lớn nhưng nhẹ nhàng thoăn thoắt làm những công việc của một người phụ nữ, 2 bếp đượm lửa, tay dao thay thớt nhịp nhàng và khéo léo. Ở giữa bàn ăn, cây xương rồng xấu xí vươn những chiếc gai nhọn ra như thách thức Mạnh dám động vào.
Mạnh chợt muốn trêu cây xương rồng, cậu cẩn thận chậm chạp từ từ đưa một ngón trỏ vào cây xương rồng, cậu dám chắc nếu mình làm khéo thì sẽ không bị gai đâm, thậm chí có thể luồn ngón tay vào mặt cây xương rồng nữa.
Nhưng khi ngón tay chưa kịp chạm vào chiếc gai nào thì Thục Trinh ở bếp ngăn lại:
– Đừng có trêu xương rồng. Đứt tay đấy.
Mạnh rụt tay lại trước lời cảnh báo của Thục Trinh:
– Tại sao Thục Trinh lại để cây xương rồng ở đây? Không sợ gai đâm sao?
– Nếu anh không trêu nó, nó tự khắc chẳng bao giờ làm hại anh.
Nói xong, Thục Trinh tiếp tục nấu nốt đồ ăn, để mặc Mạnh len men nửa muốn chạm vào những chiếc gai nhọn, nửa không dám vì sợ gai đâm.
Thế rồi bữa ăn diễn ra trong không khí vô cùng vui vẻ. Hôm nay, gia đình Thục Trinh có một bữa toàn những đồ ăn ngon mà Mạnh mang đến. Ai cũng cười, ai cũng ăn đến no cả bụng. Ngay cả bé Út, ngày thường ghị mãi mới ăn được nửa bát cơm, ấy vậy mà hôm nay ăn hết cả bát vẫn còn muốn ăn nữa. Những câu chuyện tiếu lâm lừa trẻ con mà Mạnh kể trên bàn ăn làm mấy đứa trẻ cười nắc nẻ. Minh Anh lúc đầu còn ngại ngùng, bẽn lẽn và ít nói, nhưng rồi cũng bị mấy câu chuyện ấy xua tan đi cái ngờ vực.
Lâu lắm rồi, Thục Trinh mới vui như thế, bởi ngoài những đứa con của cô còn xuất hiện thêm một người đàn ông. Cái điều mà cô chẳng bao giờ dám nghĩ tới.
Khi ba đứa trẻ lên trên tầng trên học bài. Thục Trinh ngồi ở dưới phòng khách cùng với Mạnh. Cô ngồi đối diện, hai tay bắt chéo đặt lên đùi, giọng nghiêm túc:
– Anh Mạnh, giờ bọn trẻ ở trên kia rồi. Anh cũng ăn cơm xong rồi. Anh có thể nói cho tôi biết được không?
– “Nói gì cơ?”, Mạnh ngơ ngác hỏi.
– Anh đến đây với mục đích gì?
Thục Trinh không ngần ngại, cô thà nói thẳng nói thật ra còn hơn cứ giữ trong lòng. Chuyện Mạnh đến đây là một sự lạ, cô thực sự không thể tin được là Mạnh đến đây với mục đích bình thường.
Thấy Thục Trinh nghiêm túc, Mạnh cũng túc nghiêm theo. Nhìn vào đôi mắt Thục Trinh thật kỹ, Mạnh trần tình:
– Nếu Thục Trinh muốn nghe, tôi sẽ nói. Tôi muốn được chia sẻ khó khăn với Thục Trinh nuôi mấy đứa trẻ này.
Câu chuyện đã đi vào phần nghiêm túc, qua cách nói chuyện của Mạnh, Thục Trinh nói thẳng thắn, tính cô là vậy:
– Tôi không biết đã làm gì để anh hiểu lầm rằng tôi đang cần sự giúp đỡ để nuôi các con. Hôm qua tôi kể về các con cho anh không phải với mục đích tìm sự thương hại của anh. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ đó với bất kỳ ai. Tôi biết, anh rất có điều kiện, nhưng đó là chuyện của anh. Tôi không thể cho các con một cuộc sống sung túc vương giả gì, nhưng tôi tin vào bản thân mình sẽ lo cho các con được như bao nhiêu người mẹ khác trên đời này. Mong anh hiểu cho tôi.
Mạnh bối rối thanh minh:
– Không, ý tôi không phải thế, không phải thương hại. Mà là thực lòng tôi…
Đúng lúc đó thì tiếng hét thất thanh của Minh Anh từ trên tầng 2 vọng xuống:
– Mẹ Trinh ơi! Bé Út bị làm sao ấy. Mẹ lên đây ngay đi.
Nghe tiếng con gọi, Thục Trinh lập tức đứng phắt dậy, khuôn mặt cắt không còn giọt máu. Bé Út là đứa khó nuôi nhất, cô không làm cách nào để con lớn bằng chúng bằng bạn được. Gần như là Thục Trinh chạy thục mạng leo lên tầng 2 để xem con làm sao. Thân hình nặng nề là vậy, ấy thế nhưng nhìn Thục Trinh bước lên các bậc cầu thang như đang bay.
Mạnh cũng chạy theo sau lưng Thục Trinh.
– “Ối Út ơi. Sao thế này?”, Thục Trinh một tay Thục Trinh đỡ đầu con nằm ngửa ra, một tay bịt vào mũi để ngăn máu trào ra. Giống hiện tượng người ta bị chảy máu cam.
Máu đỏ tươi từ trong mũi của Bé Út cứ ồng ộc trào ra không kiểm soát, những bong bóng màu đỏ từ mũi to dần vì máu chảy kèm với hơi thở của bé Út.
Mạnh cũng nhanh trí nói thật to cho Thục Trinh nghe thấy:
– Mau đứa bé Út đi bệnh viện.
Thục Trinh không nói không giằng, cô bế sốc bé Út lên tay mình, máu vẫn chảy tong tong từ trên tay cô rơi xuống đất. Vừa chạy, cô vừa nói với hai đứa con còn lại:
– Minh Anh trông Cu Tí, mẹ đưa bé Út vào bệnh viện. Có gì khẩn cấp thì chạy sang nhà hàng xóm nhờ gọi điện cho mẹ.
Mạnh chạy xuống trước ra mở cửa xe.
Rất nhanh chóng, chiếc xe lao vụt đi trong ánh mắt lo âu và xót em của Minh Anh và Cu Tí. Hai đứa trẻ ở nhà một mình.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro