Em đã có chồng chưa?

Phần 26

2024-08-04 12:03:11

Phần 26
Có hôm trời mưa vào buổi tối.

Cơn mưa nhẹ dịu đi cái nóng của căn gác trọ.

Xua tan đi cả ngày oi ả bứt rứt của tiết trời hanh khô.

Tôi bước hẳn ra hiên mái tôn của nhà bên cạnh buông đàn hát. Lúc này trời chập choạng tối. Nhớ nhà ghê, nhớ những con mưa rần rã suốt buổi chiều, nhớ bọn trai làng cởi truồng tắm mưa. Quê tôi đất đỏ, cứ mỗi lần mưa xuống thì con đường ngoằn nghèo tạo thành rãnh nước bé xíu. Chảy dốc xuống chỗ trũng và hình thành đám nước nhỏ đục ngầu. Hồi còn bé, tôi hay được mấy anh chị lớn đùn đẩy vào đám nước nhỏ đó , trét bùn lên người.

Lớn hơn một xíu, tụi tôi tự hình thành nên những nhóm đi tắm dòng suối đuôi làng, nước trong vắt và có cả con trai, con hến bắt về bằm cháo. Đứa nào không biết bơi cho chuồn chuồn cắn rốn.

Thoắt cái mà đã mười mấy năm, thằng nhỏ nghịch ngợm năm nào đã thành chàng trai cao to vạn vỡ, đi học Sài Gòn…..

“ Quê tôi ai cũng có một dòng sông riêng mình. Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi. Bao năm xa qua ấy, trong mơ tôi vẫn thấy, hôm nay tôi trở về………”

Hôm nọ tôi có hỏi tin tức Trà My, nghe đâu em ở bên quận 9. Dự định ngày nào đó sẽ ra thăm Em. Giả như hôm nào Dì Quỳnh Anh không có đi làm, mượn xe của Dì đi. Cảm giác đó làm tôi khoái trá. Mải theo dòng suy nghĩ miên man, tôi cứ vậy vừa đàn vừa hát một mình.

Đối diện qua khung cửa căn gác trọ là một dãy nhà lụp xụp liên tiếp, rồi đến một ngôi nhà cao ba tầng khang trang. Cũng có một cánh cửa sổ đối diện. Thỉnh thoảng có cô gái ngồi học bài. Nói thật là bản thân mình chẳng lấy gì làm chú ý cho lắm, uhm thì thỉnh thoảng ra nghêu ngao hát cũng thấy bóng một cô nàng đứng dựa bên hiên cửa lắng nghe, ừhm thì cũng ráng đánh đàn hay một chút, không lỗi nhịp. Xem như là có người biết thưởng thức tiếng đàn ghitar của mình. Ngoài ra chẳng muốn tìm hiểu người con gái đó là ai? Xấu hay đẹp?

Nhất là hôm báo với Quỳnh Anh mượn xe được Dì đồng ý, thì hình ảnh Trà My chiếm toàn bộ trí óc…

Hôm nay lại khác….

Khu vực tôi bị cúp điện.

Đáng lý ra tôi chui vào lại căn gác xếp, nhưng ngặt nỗi đông người quá. Bèn nói trỏng vào trong:

– Anh Tùng ơi, lấy hộ em cái đèn pin để trên bàn học với

– Cái thằng này điên à? Không vào nhà lo tắm rửa học bài đi.

– Hihi… Kệ Em, tí em zô, không rảnh vào ngửi mấy cái mùi hôi nách của mấy anh.

Có đèn pin, tôi lại bật đèn chiếu vào sổ nhạc hát….

Ở một chỗ nào đó, bên khung cửa có người soi đèn pin hắt ngược vào cây đàn…

Tôi ngẩng lên nhìn, ra là căn phòng có cô nàng vẫn nghe hát mỗi chiều. Nghĩ ra được trò nghịch ngợm, tôi lấy đèn pin soi thành vòng tròn chiếu thẳng qua nhà bên đó.

Có tiếng cười khúc khích.

Cứ vậy soi qua soi lại. Rồi đột ngột đèn pin ngưng chiếu qua bên này, làm tôi chưng hửng. Chắc cô nàng chán rồi. Đang tính bước lại vào phòng thì lại có ánh đèn lóe lên. Một cái bảng thiệt to giơ lên rồi chiếu đèn vào đó

“ANH TÊN GÌ? ĐÀN HAY GHÊ?”

Tôi thấy vui vui nên kiếm một tờ giấy viết lại – Cũng chiếu đèn lên để người ta đọc cho rõ

“ANH TÊN PHONG – NGƯỜI TA TÊN GÌ?”

Lại thêm một tấm giấy rọi ảnh đèn:

“NHỎ QUÁ – EM ĐỌC KHÔNG RA. EM TÊN TRÂM”

Thiệt tình cái ông trời, làm như trong thế giới của tôi chỉ quanh đi quẩn lại ba cái tên phổ biến là “ ANH” ; “TRÂM” “QUỲNH”… đi đâu cũng gặp hết trơn. Loay hoay chưa biết làm sao để có thể hồi đáp. Tôi không có sẵn bảng to, mấy tờ giấy A4 thì đọc không thấy, khua đại ánh đèn thẳng qua bên đó, múa loạn xạ. Có hồi âm :

“EM HIỂU RỒI – NGHĨ CÁCH ĐI – MAI NÓI CHUYỆN TIẾP “

Chiều hôm sau đi học về, bồi hồi mong chờ cái cảm giác đợi buổi tối, cái khó cũng ló cái khôn, tôi nhớ lại giàn ná của thằng Tiến Mập, viết vào giấy rồi vo viên tròn bé xíu. Tôi vác ná bắn thẳng vào khung cửa. Không phải bắn lúc nào cũng trúng, đâm ra mỗi lần viết phải viết ra ba bốn tờ giấy, mỗi tờ một nội dung ngắn gọn. Bên kia hoạt động theo phương thức truyền thống là giơ bảng và rọi đèn pin. Cứ thế câu chuyện không đầu không đuôi được truyền tải qua lại giữa hai con người nhìn không rõ mặt nhau. Cũng có lần tôi vẽ khuôn mặt cô nàng lên trang giấy hỏi Em có giống vậy không? Cô bé chả lời là xấu hơn thế nữa, kèm theo khuôn mặt cười.

Cô bé đang học lớp 12 của một trường quận Tân Bình.

Cảm giác nói chuyện với một người mình không hề biết người ta là ai, chẳng phải quan tâm đẹp như thiên thần hay xấu như quỷ sứ thật thú vị. Nó kích thích trí tò mò của thằng đàn ông ghê gớm. Mà độc giả biết rồi đó, muốn chiếm được trái tim một người đàn ông có hai cách nhanh nhất: Một là qua cái bao tử, hai là tạo tò mò. Chuyện của cô nàng tên Trâm nằm theo vế thứ hai.

Cũng có hôm vừa bắn được mảnh giấy qua đã thấy phụ huynh cô nàng lòi mặt ra cửa sổ nhìn. Chắc ổng nghĩ tôi tán con gái ổng nên bắn lung tung. Chứ ổng mà đọc mà thấy câu chuyện bọn tôi hỏi thăm nhau, chắc ổng cạo đầu con gái đang học lớp 12 của ổng luôn quá. Tôi hết hồn giả bộ mâm mê cây đàn tích tịch tình tang. Lúc sau cũng có cái đầu nhỏ nhỏ có hai bím tóc lắc lư nhòm qua soi đèn. Viết trên bảng:

“MAY QUÁ – PAPA EM KHÔNG ĐỌC”

Rồi có hôm, chưa kịp bắn phá gì đã thấy đèn pin và bảng viết:

“ANH PHONG ƠI – BÉ ỐM RỒI”

Làm tôi viết luôn một tràng chuyện cười mệt xỉu, gói gém cẩn thận bắn qua dỗ dành cô nàng ngủ ngoan.

Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro

Nhận xét của độc giả về truyện Em đã có chồng chưa?

Số ký tự: 0