Phần 17
2024-08-04 12:03:11
Mùa mưa năm nào tôi cũng không nhớ…
Tôi quay về làng sau những ngày vất va vất vưởng ở Sài Gòn.
Cảnh vật thay đổi nhiều quá. Lũy tre đầu làng đột ngột biến mất, trám vào vị trí của nó là một bảng to sừng sững bằng bê tông ” THÔN VĂN HÓA…”
Ở quê tôi, trước cái thời của kẽm gai là thời của dàn hoa dâm bụt. Mỗi nhà đều trồng một hàng hoa dâm bụt quanh nhà làm hàng rào, bọn con nít tụi tôi muốn qua nhà nhau chơi, chẳng cần phải đi ra tới cổng chính, chỉ cần vén vén đám dâm bụt rồi chui người qua. Chính vì đám chân của tụi trẻ con mà vô hình chung, mỗi nhà đều có những con đường hẻm tắt nhỏ xíu rẽ lối trong vườn nhà mình. Tôi gọi những con đường hẻm tắt nhỏ xíu đó là”LỐI VỀ”
Đi bất cứ nhà nào, muốn chạy về nhà, đám con nít bọn tôi cứ lao đại vào những hẻm ngoằn nghèo chỉ có độ rộng bằng gang tay, cỏ cây rạp qua tránh cho đôi chân trần của bọn tôi khỏi phải đinh hoặc miểng chai. Cảm giác thật an toàn.
“LÀNG TÔI” cũng được xem như một “LỐI VỀ” của cuộc đời tôi.
Tôi như một chú chim sống ở vùng đất “ Quê của Quê ” . Cứ bước ra khỏi lũy tre làng là cả một thế giới bên ngoài vẫy gọi, nhiều tò mò, nhiều cám dỗ và đầy rẫy những thứ để khám phá. Ai cũng muốn thử sức mình bay xa và cao tới đâu? Nhưng cũng có những lúc cánh chim bay mỏi cánh, thì “Làng” là “Lối về” như ngày còn nhỏ, chạy vội về để tìm sự bình yên.
Cái ngày mà thằng Phong”Con” phóng hỏa đốt làng.
Mọi người bắt đầu sợ hãi chặt bớt hàng dâm bụt, thay thế bằng hàng rào thép gai.
“Lối về” biến mất.
Những tờ tiền giá trị cao nơi đất Sài Gòn cuốn lấy đám thanh niên làng rời xa quê nhà đi tìm miền đất hứa. Đứa học giỏi thì đi học đại học. Tất cả ra đi, rồi rào một hàng kẽm gai vô hình quanh làng. Đứa nào cũng sợ về quê bởi sự nghèo túng và cô đơn. Thậm chí có đứa đi Sài Gòn thì quên mất luôn ở nhà có hai đấng sinh thành ngày đêm ngóng trông bóng dáng bọn nó về thăm.
Tết làng mới rộn ràng được sắc xuân.
Đám con tha hương cầu thực ào ào kéo đàn kéo đống về hưởng một kì nghỉ . Nhưng hàng rào kẽm gai vô hình chẳng được gỡ bỏ. Bọn nó chẳng xem làng là “Lối về” nữa. . . Làng giờ là “xóm trọ” cho “kỳ nghỉ” của đám xa quê. Mấy ai còn tìm sự bình yên bên cảnh vật và những con thú quen nuôi trong nhà???
Đàn Gà cũng thôi gáy buổi đêm.
Đâu đó đống vật liệu xây dựng cất lên những căn nhà mới toanh, kiến trúc hiện đại.
Con đường làng bụi đỏ mù cả năm thay bằng con đường nhựa …
Thời gian trôi qua …
Làng chỉ còn những ông bà già ở trong những ngôi nhà to, phòng rộng nhưng thiếu sinh khí.
Năm tôi lên lớp sáu…
Tôi quen Trà My.
Năm tôi lên lớp tám…
Tôi quen thêm Trâm Anh.
Cả ba đứa đều chưa vương vấn bởi cái hào nhoáng của thế giới bên ngoài. Cả ba đều thích những khung cảnh êm đềm và đẹp diệu vợi của bức tranh quê. Mỗi lần ngắm hoàng hôn rớt trên đồi gió hú. Những lần ngửi mùi thơm của đám cỏ may. Những lần lén lén ra dòng suối đuôi làng nghịch ngợm. Những lần đứng trên đồi nhìn về tháp chuông nhà thờ và ngắm khói lam chiều từ những mái nhà tranh thổi lên.
Thói quen từ ngày đó ảnh hưởng đến tính cách của bọn tôi sau này. Trâm Anh đến giờ là cô gái về làng theo chồng…
Trà My dù chọn ẩn mình bởi mối tình dang dở đâu đó, nhưng tôi tin Em vẫn sẽ yêu làng.
Làng tôi còn có một nét đặc trưng rất riêng. Đó là Ấm Trà tươi buổi sáng.
Chè trồng quanh nhà nên mỗi sáng sớm mẹ tôi cũng như các bà mẹ khác đều ra hái ít lá trà già. Rửa sạch qua nước rồi bỏ vào ấm.
Những chén trà hậu vị có thể khiến người ta mất ngủ….
Tôi và Em đều thích uống ngay từ thời còn học sinh. Những buối sáng tới rủ em đi học, em bưng cho tôi tách Trà Xanh Tươi, tôi xoa đều trên đôi tay để đuổi đi cái lạnh heo may sáng sớm. Em cầm tách trà cho riêng mình cũng xoay xoay quanh lòng bàn tay rồi lấy tay nắm chặt hai tai truyền nhiệt
Càng lớn, những đồi chè xanh càng teo tóp lại nhường cho những hàng cà phê – Một loại cây công nghiệp giá trị cao hơn.
Làng lại mất đi một nét đẹp nữa.
Nhưng dù có thế nào, Tôi cũng đã kể một phần nào về làng cho độc giả nghe. Nếu ai đã từng ở một nơi như tôi từng ở, Trải qua tuổi thơ êm đềm chăn trâu, thả diều, bắn bi, tạt lon. Mừng cho Bạn. Các Bạn đã được sống một tuổi thơ trọn vẹn và đầy hạnh phúc.
…
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro