Phần 14
2024-07-29 11:30:00
Buổi lễ bế mạc hôm đó diễn ra trong một ngày đầy nắng như bao ngày khác. Những cây bàng cứ vô tư rải xuống mặt sân những chiếc lá to đùng như ô dù phay phấp phới trong không trung. Và để thiêu cháy như chiếc ô dù đó, những cây phượng lại rải xuống nhưng đớm lửa đỏ au nhìn thật rực rỡ đối với những đứa học sinh có mặt ở đây.
Thuở đó, trong lúc ngồi sinh hoạt đầu tuần hay những dịp đại loại vậy, tôi thường nhặt những chiếc lá bàn tướt hết lá xung quanh đi chỉ còn sợi gân cứng cáp để thỉnh thoảng tôi lại buộc chúng vào quần một thằng nào đó đằng trước. Và thằng Toàn thường xuyên là nạn nhân của tôi.
Sân trường giờ này đầy ấp những người và người làm tôi có phần nôn nao một cảm giác gì đó khó tả. Cảm giác đó khiến tôi vừa vui vừa buồn.
Tôi vui vì cuối cùng sau một năm học chờ đợi, mùa hè cũng đã đến với học sinh bọn tôi. Nó đến và mang theo một kì nghỉ mà bất cứ một đứa học sinh nào như tôi đều mong muốn. Bởi lẽ lúc đó học sinh bọn tôi không có áp lực học tập như bây giờ, mùa hè chỉ đơn thuần là mùa hè để vui chơi chứ không phải là mùa học thêm.
Nhưng bên cạnh cuộc vui đó, cũng có một nỗi buồn mà không phải bất cứ ai cũng nhận ra. Hè đến, cũng đồng nghĩa với việc lại một năm trong cuộc đời học sinh trôi qua. Nó khiến tôi bâng khuâng một câu hỏi trong lòng rằng, tôi còn bao nhiêu cái lễ tổng kết nữa chứ?
Thực sự thì tôi cũng không thích lễ tổng kết đâu, nó ồn ào và chán phèo với những bài diễn văn dài đăng đẳng. Thứ tôi thích thực sự ở lễ tổng kết là màn trao thưởng cho học sinh giỏi trong năm. Ừ thì dù rằng tôi là học sinh khá, chả được món quà nào. Nhưng nhìn Toàn phởn, bé Phương được vinh danh là một trong những học sinh giỏi khối 11 cũng đủ để tôi hả dạ khi mấy cái lớp đầu tàu ở trên ngoài A1 ra chả được mấy ai. Thường ngày mấy lớp đó hay ganh đua với nhau ghê lắm.
Trong buổi lễ này cũng vậy, mới diễn ra được một nửa thời gian, tức bây giờ là 9 giờ sáng nhưng không biết bao nhiều lần tôi đã ngáp dài nhìn bọn nó múa hát những bài mà năm nào cũng nghe. Và khủng khiếp nhất là có đứa còn lên hát bài nỗi buồn hoa phượng. Đang trong không khí nhộn nhịp nó cất lên “… mỗi năm đến hè lòng man mát buồn…” làm biết bao nhiêu sinh khí trong lòng tôi bay hết vẹo.
Tôi lúc đó là vậy, nhưng đến lúc tốt nghiệp cấp 3 khi bài hát này vang lên một lần nữa trong buổi tổng kết, không hiểu sao tôi lại không cầm được nước mắt. Buồn ghê!
Mà thôi, trở lại với tôi bây giờ đã. Do đã chán mấy tiết mục hằm bà nhẳn trong buổi tổng kết nên tôi khều lưng thằng Toàn đang ngồi ở trên:
– Ê, cúp cua không mày? Qua nhà Lanna trước, oải quá!
Toàn phởn nhìn tôi như nhìn vật gì từ trên trời rơi xuống:
– Gì cúp mày? Tao còn phải ở lại nhận thưởng học sinh giỏi nữa!
Tôi chợt nhớ ra nó còn phải nhận mấy cái giải học sinh giỏi của trường nữa nên chắc chắn là không cúp theo tôi được. Vả lại nếu muốn nó đi phải có bé Phương theo mà bé Phương thì đời nào làm việc này nên chung quy là chẳng rủ được ai cả, phải tự thân vận động thôi.
Sỡ dĩ tôi nghĩ đến việc này là vì cũng đã có lát đát vài đứa ra về trước đó rồi. Thực ra thì nó về nhan nhãn ấy chứ. Do đây là lễ tổng kết nên trường cũng dễ hơn, không rào cổng lại như những lần sinh hoạt đầu tuần. Và thế là chốc chốc lại từng top ra đi theo tiếng gọi của đồng bọn. Còn tôi thì theo tiếng gọi của Ngọc Lan.
Tôi tặc lưỡi khều Toàn phởn:
– Chắc tao cúp qua nhà Lanna trước đây, coi có gì phụ ẻm được không. Tụi bây lát qua sau nha!
Toàn phởn cũng không có cớ giữ tôi lại, nó xua tay:
– Ờ thôi mày đi đi, ở đây cứ than hoài ai chịu nổi!
Tôi nhún vai cười cười rồi khom người đi chậm chậm ra phía sau lẫn vào những thân cây bàng dọc sân trường rồi hướng thẳng ra bãi giữ xe.
Trước khi xoay vòng pê đan lao đi, tôi còn ngoảnh lại trường một lần nữa vì kể từ bây giờ, tôi sẽ xa nó 3 tháng hè. Xa cây bàng, xa băng ghế đá, xa những tiếng ve râm rang vẫn vang lên đều đều những năm tôi còn học ở đây. Chắc thời gian tới sẽ nhớ lắm, nhưng biết sao được, tôi cũng là một thằng hay quên. Rồi cảm giác nhớ nhung đó sẽ nhanh chóng biến mất, thay vào đó là cảm giác vui sướng khi 3 tháng hè này tôi sẽ được ở bên cạnh Ngọc Lan. Chỉ nghĩ đến thôi tôi đã thấy rung cả người rồi. Sướng gì đâu!
Vì thế sau khi về nha thay đồ, tôi vọt sang nhà Ngọc Lan ngay. Tuy nhiên khi vừa định nhấn chuông cổng tôi lại chợt nhớ ra một điều khủng khiếp.
Bây giờ cả Ngọc Lan hoặc thậm chí là cả gia đình nàng đều biết bọn tôi đang tổ chức lễ bế giảng. Nếu đột nhiên tôi vào nhà lúc này thế nào cũng sẽ bị hỏi lí do về sớm ngay. Chẳng lẽ:
– Sao hôm nay con qua sớm thế Phong?
– Dạ, con cúp!
Đùa chứ bây giờ mà vào nhà Ngọc Lan là bị ăn chửi ngay chứ chẳng chơi. Nhất là đối với một người gia trưởng đầy khuôn phép như nội của Ngọc Lan thì chắc chắn bà sẽ nghĩ xấu về tôi ngay. Có khi bà cấm tôi gặp Ngọc Lan luôn cũng không chừng. Nếu đều đó có xảy ra thật chắc tôi chỉ có nước quỳ lạy bà chứ chẳng có một lí lẽ nào bào chữa được nữa.
Ấy thế mà vừa định quay trở ra xe, giọng của Ngọc Lan đột nhiên phát ra từ chiếc chuông cổng làm tôi giật thót:
– Anh đi đâu thế chéri?
Dám cá là Ngọc Lan đã phát hiện ra tôi đứng ở cổng từ nãy giờ và chỉ chờ tôi nhấn chuông cổng, nàng sẽ lại niềm nở ra đón tôi vào. Nhưng nàng đâu biết được, trong lòng tôi đang chết dần mòn như thế nào nhất là khi nghe được tiếng nàng phát ra từ chiếc chuông đó.
Đúng như tôi dự đoán, độ khoảng mươi giây sau, nàng đã chạy ra mở cổng nhưng không phải với khuôn mặt niềm nở mà là một khuôn mặt tò mò pha lẫn ngạc nhiên:
– Sao anh qua em sớm vậy, giờ đang là lễ tổng kết mà!
Biết không thể giấu Ngọc Lan được, tôi ngó ra sau lưng nàng xem có ai không rồi thỏ thẻ vào tai nàng:
– Anh cúp ra đây đó, ở đó chán lắm!
Nàng cũng có phần ngạc nhiên nhưng rồi lại lắc đầu cười:
– Chéri thiệt tình! Thôi vào nhà đi, em với bé Mi đang nấu ăn đó, anh nếm thử nhé!
Tôi đột nhiên khựng lại trước cái nắm tay của nàng:
– Có nội em ở nhà không?
Nàng vẫn đáp tỉnh bơ:
– Có chứ, hôm nay nội muốn nói chuyện riêng với anh mà!
– Vậy thôi anh đợi xong lễ tổng kết rồi vào. Bây giờ vào lại bị nội em hỏi nữa!
Ngọc Lan vẫn năm chặt tay tôi cười giả lả:
– Anh yên tâm, có em ở đây rồi không có chuyện gì hết!
Tôi vẫn dè chừng:
– Thiệt không đó?
Nàng đập vai tôi chẹp miệng:
– Em nói yên tâm là yên tâm! Cứ vào đi, ở ngoài đây nóng lắm!
Bị Ngọc Lan ôm tay kéo vào, tôi chẳng còn cách nào khác là nương theo cô hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ này. Mà thật ra thì tôi đang phải cố giữ cho đầu mình thật tỉnh táo khi cả người nàng đang ép vào cánh tay tôi thật sát. Vì thế tôi không có thời gian suy nghĩ bất cứ chuyện gì khác.
Vừa vào nhà, thứ đầu tiên tôi có thể cảm nhận được là mùi thức ăn đang tỏa ra từ căn bếp nghe sôi sục cả bụng.
Có lẽ con bé Mi đang phụ nàng nấu ăn ở dưới bếp vì tôi có nghe loáng thoáng tiếng của nó nói chuyện với nội về những món ăn. Nhưng rồi giọng nói đó đột nhiên chuyển to hơn và hướng thẳng ra ngoài phòng khách, nơi tôi và Ngọc Lan mới từ ngoài bước vào không lâu:
– Anh Phong vào rồi đó hả, lễ tổng kết xong rồi hả anh?
– À ừ…
Tôi chưa kịp thốt ra câu, Ngọc Lan đã đỡ hộ tôi:
– Chưa đâu em! Anh Phong sợ chị em mình cự nên qua đây phụ đó!
Lúc này giọng của nội nàng mới vang lên, bà bước ra từ cửa bếp với bộ bà ba sẩm màu của người lớn tuổi:
– Vậy là con bỏ buổi lễ tổng kết qua đây hả Phong?
Bị nội hỏi bất thình lình, tôi đâm hoảng không biết trả lời như thế nào, lại một lần nữa để Ngọc Lan nói thay:
– Nội đừng trách anh Phong quá, anh ấy chỉ muốn giúp tụi con thôi mà. Với lại buổi lễ đó cũng không quan trọng đâu nội, hì hì!
Nội nàng dù vẫn còn một chút khắt khe khi nhìn tôi nhưng bà cũng thở dài cho qua:
– Ừm, thôi không sao, bà tha cho lần này. Phong bây giờ rảnh không, lên nói chuyện với bà một chút!
Tôi lúng túng nhìn Ngọc Lan cầu cứu và nàng ngay tập tức hiểu được điều đó:
– Hì, cho con lên theo với!
Lần này nội cương quyết hơn:
– Không dược, nội chỉ muốn nói chuyện riêng với Phong, con hiểu chứ Lan?
Hết cách, nàng đành quay sang tôi lắc đầu cười cười một cách tinh nghịch:
– Thôi anh cứ lên với nội đi, không sao đâu!
– Ơ nhưng…
Nàng đẩy nhẹ lưng tôi về phía nội:
– Không sao đâu mà ông tướng!
Và thế tôi đành theo chân nội lên cầu thang mà trong lòng không khỏi hồi hộp lo lắng.
Tôi cảm giác mình như sắp phải bước vào một kì thi chuyển cấp mà chính nội của nàng là giám thị đang dẫn tôi bước vào phòng thi. Không khí căng thẳng đến phát ớn. Đã có lúc tôi thậm chí chẳng dám thở mạnh như nhịp tim trong lòng vì có thể nội của Ngọc lan sẽ đánh rớt tôi từ vòng gửi xe vì hành động thất thường này.
Nhưng sau cùng vẫn không có chuyện gì xảy ra. Kì thi tuyển vẫn được tiếp tục tiến hành trong căn phòng của bà lúc còn ở đây với bé Mi hồi trước. Tôi thấp thỏm ngồi xuống ghế chờ đề thi của mình được phát ra với hy vọng nó không quá khó khiến tôi phải kêu trời hoặc thậm chí là nộp luôn tờ giấy trắng.
Và rồi bà bắt đầu buổi thi tuyển với câu hỏi hoàn toàn trái ngược với dự đoán của tôi:
– Có phải kế hoạch giúp Ngọc Mi là của con không Phong?
Tôi không bất ngờ lắm với câu hỏi của bà vì với sự thông minh của mình, tôi đoán bà có thể nghiệm ra ngay khi nghe đoạn ghi âm đó. Thế nhưng đã đóng kịch thì phải đóng đến cùng, tôi lắc đầu chối:
– Dạ không, chuyện đó hoàn toàn là kế hoạch của thằng Bảo ạ!
Bà cười mỉm như đã đoán trước câu trả lời:
– Ừ, bà lại đoán sai nữa rồi Phong nhỉ? Đúng là con người ta già rồi, việc gì cũng lú lẫn!
Tôi không biết đáp lời bà như thế nào, chỉ ngồi im thin thít như khúc củi thỉnh thoảng lại cười lên cho có lệ. Tôi đoán chắc bà đã đoán ra tôi từ lâu, chỉ là không muốn để tôi phải mất mặt nên mới kêu tôi vào phòng nói chuyện riêng như thế này.
Câu hỏi thứ nhất đã qua với điểm số không được khả quan cho lắm, đến câu hỏi thứ hai bà dánh cho tôi còn hóc búa hơn:
– Bà vẫn còn nhớ những lời ở sân bay con nói với bà về việc bà cổ hủ. Con thật nghĩ về bà như thế à?
Thiết nghĩ đã vào đây tôi coi như cá trong chậu rồi, nói cũng chết mà không nói cũng chết. Chi bằng nếu có chết thì chết cho oanh liệt để Ngọc Lan còn tự hào về tôi sau này. Thế nên tôi khẽ khàng gật đầu:
– Dạ là vì qua những gì bà đã đối xử với Ngọc Mi với cả gia đình này nên con mới nghĩ như vậy. Con xin lỗi nếu có gì không đúng ạ!
Bất chấp nhận xét thẳng thắng của tôi, bà vẫn cư xử đúng mực:
– Con biết vì sao bà lại làm vậy không?
– Dạ không ạ!
Bà lặng thinh một lúc rồi từ từ kể:
– Việc này đã lâu rồi, bà không muốn kể dài dòng. Tất cả là vì gia đình nhà bà đã có truyền thống từ lâu, nó cũng đã ăn sâu vào người bà rồi. Mọi con cháu đều nghe theo lời người lới một mực không dám cãi lời. Duy chỉ có con trai của bà đã phá vỡ luật lệ đó để lấy một người ngoại quốc. Điều đó sẽ làm gia đình bà mất gốc dần đấy con biết chứ Phong?
Bất chợt bị bà hỏi, tôi chỉ biết ngập ngừng gật đầu, trong lòng lại xuất hiện bao suy nghĩ đan xen. Tuy nhiên, bà không để ý đến việc đó lắm, lại tiếp tục kể:
– Đó là lần đầu tiên người thân trong gia đình cãi lời lại bà. Không còn cách nào khác, bà phải đành đồng ý cho chúng nó lấy nhau. Và vậy, dù bằng cách này hay cách khác, bà vẫn cố giữ những nét truyền thống cho con cháu dù ngoại hình của nó có ra sao, dẫu là tự nguyện hay là bắt buộc, bà vẫn sẽ giữ truyền thống của gia đình không bị mai một đi.
Nhưng rồi bà thở dài, ánh mắt thật là buồn:
– Thế mà bây giờ, lại một lần nữa người thân trong gia đình lại cãi lời bà. Qua những gì con bé Mi đã nói ở sân bay, bà đoán nó đã phải chịu đựng việc này lâu lắm. Thành thử ra bấy lâu nay bà chỉ toàn bắt ép nó chứ đâu phải là dành những tình yêu thương cho nó phải không Phong?
Đến bây giờ tôi mới có thể mạnh dạn nói với bà. Không phải vì tôi nhát gan mà bởi vì tôi chỉ muốn giành lại một chút ít quyền lợi gì đó cho Ngọc Mi kể cả bà có biết điều đó hay không.
Tôi nói:
– Đúng là bà yêu thương Ngọc Mi thật. Xét về mọi mặt thì những điều bà làm cho Ngọc Mi điều mang lại tương lai tốt đẹp cho nó. Nhưng đổi lại, nó có thể sẽ không vui, thậm chí là có cảm giác bị ép buộc khi mà nó phải làm những chuyện nó không muốn. Như vậy với tương lai sáng lạng bà hướng cho nó, nó có thấy sáng lạng thực sự hay không, nó có thấy hạnh phúc thực sự trong cái tương lai đó không? Chính những lời nói của Ngọc Mi ở sân bay đã trả lời tất cả rồi đó bà ạ!
Tôi chấm dứt câu nói của mình bằng một cái lấy hơi thật sâu cho đã sau khi gồng hết sức nói một tăng. Tôi có tranh thủ ngó sang bà nhưng mặc nhiên bà vẫn không có lấy một biểu hiện nào khác thường. Đúng là một con người từng trải có khác, luôn bình tĩnh giải quyết mọi việc.
Bà càng làm tôi thấy nể phục hơn khi những lời bà nói đều rất nhẹ nhàng:
– Cảm ơn nhưng lời nói của con! Có lẽ trong thời gian sắp tới bà nên lắng nghe nhiều hơn những tâm tư của con bé. Có đúng vậy không Phong?
Tôi lại lặp bặp:
– A… dạ!
– Thôi con ra nói chuyện với hai chị em nó cho vui đi! Bà ở lại phòng nghỉ ngơi một tí!
Cảm thấy trong lòng vui phơi phới nhưng tôi vẫn cố ghìm lại giọng nghiêm túc:
– Dạ, vậy con xin phép ra ngoài!
Và chỉ chờ có thế, tôi đi tót ra ngoài một mạch như thể học sinh ùa ra ngoài phòng khi hết giờ thi cử. Cảm giác của tôi lúc này như vừa được tái sinh từ nấm mồ sợ hãi. Bởi lẽ tôi cứ tưởng mình xong tới nơi rồi khi vừa bước vào căn phòng lạnh lẽo đó.
Thế là tôi vui sướng hít một hơi căng tròn lồng ngực không khí trong lành bên ngoài căn phòng. Một không khí thật thơm tho và mát mẻ.
– Nội nói với anh chuyện gì rồi?
Giọng Ngọc Lan đột nhiên cất lên từ sau lưng làm tôi suýt tý nữa sặc hơi nếu không kìm lại kịp.
Té ra không chỉ có Ngọc Lan mà cả Ngọc Mi cũng bỏ lên đây trộm nghe lén cuộc nói chuyện giữa tôi và nội ở góc cửa. Không biết cả hai chị em nhà này có nghe được gì không nhưng nhìn vẻ mặt tò mò của Ngọc Lan tôi có thể đoán ra được vài phần.
Tôi nhìn Ngọc Lan tặc lưỡi:
– À, cũng không có chuyện gì quan trọng! Nội chỉ kêu anh chuyển lại lời cho em là từ nay em phải ngoan ngoãn, ngọt ngào với anh hơn!
Mặt Ngọc Lan đột nhiên phởn lên, nàng kéo tôi vào phòng:
– À, vậy hả? Anh muốn ngọt ngào hông, vào đây với em!
Chợt nhớ ra Ngọc Lan không phải là dạng người dễ đùa, tôi xua tay:
– À thôi, có bé Mi ở đây không tiện cho lắm, hề hề!
Ấy thế mà Ngọc Mi đâu có phải đồng minh của tôi, con bé vờ che mặt lại:
– Anh chị cứ coi như không có em đi! Em không có thấy gì đâu!
Được nước Ngọc Lan càng tinh nghịch hơn:
– Hì hì, đi thôi nào cục cưng! Em sốt ruột rồi đó!
Hoàn toàn chịu thua trước cả hai chị em, tôi giơ tay đầu hàng:
– Thôi, thôi! Anh thua rồi! Không giỡn nữa!
Ngọc Lan lắc đầu véo yêu má tôi.
– Hì, chéri thiệt tình! Mới giỡn có xíu mà!
Rồi như chợt nhớ ra chuyện gì, nàng nhỏ giọng:
– Mà nội đã nói với anh chuyện gì vậy? Nói thật với tụi em biết nha!
Ắc hẳn con bé Mi vẫn chưa biết toàn bộ kế hoạch là do tôi nghĩ ra kể cả Ngọc Lan. Thế nên tôi không thể nói cho cả hai chị em biết điều hoài nghi của nội được. Tôi biết cả hai chị em nhà này đều thông minh. Chỉ cần một chất xúc tác nhỏ như thế mọi chuyện của tôi sẽ bị phanh phui ra và thằng Bảo coi như công cóc.
Vì vậy tôi chỉ nói câu hỏi sau của kì thi tuyển bà đã hỏi tôi:
– À, nội chỉ hội anh về cách bà đã đối xử với Ngọc Mi là đúng hay sai thôi. Anh cũng đã nói hết rồi, không có gì to tát đâu!
Có lẽ những điều tôi nói đều đúng với mong đợi của cả hai chị em nên vẻ mặt của hai người này có phần bớt căng thẳng hơn.
Trong tình huống như thế này, người cất tiếng lên đầu tiên sẽ là người dẫn dắt câu chuyện đến bước kế tiếp. Do vậy tôi dự định sẽ bảo hai chị em đi xuống nhà dưới nấu tiếp đồ ăn cho buổi liên hoan và tôi sẽ là người phụ giúp việc đó. Quả là một đề xuất tuyệt vời ông mặt trời.
Trớ trêu thay, tôi chưa kịp mở lời, Ngọc Mi đã mở lời trước làm cả tôi và Ngọc Lan giật thót:
– Vậy giờ cho em mượn anh Phong một chút được không, chị hai?
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro