Phần 2
2024-08-05 19:52:34
– Cô có áo mưa thì đem theo. Trời này, chiều sẽ mưa – Ông Bảy nói rồi chỉ vào cái túi xách: Tôi đem theo cái poncho, loại này bây giờ thì quý lắm.
Hân nói:
– Tôi cũng có một cái loại của Mỹ, nhưng hơi ngắn.
Ông Bảy vác bao đồ thăm nuôi lên vai rồi nói:
– Mình đi, cô.
Ra đường, thấy ông Bảy vai vác bao đồ, tay xách một cái xách lớn, nên Hân hỏi:
– Bác vác giúp tôi bao đồ ăn, còn đem theo cái xách lớn kia làm gì?
Ông Bảy nói:
– Nhân thể đi với cô, tôi đi lấy ít măng. Mùa này măng mọc nhiều. Cửa hàng nhà tôi bán măng chua là măng tôi đi lấy.
– Bác thật tháo vát. Một mình làm rẫy, chăn nuôi, lại còn đi lấy măng, làm măng chua. Bác gái thật có phước mới lấy được bác.
Ông Bảy cười:
– Hoàn cảnh bắt mình phải làm cô ơi. Trước kia có biết rau dưa, trồng trọt gì đâu. Vào lính ngành quân cụ thì được học những khí cụ của quân đội. Sau 75, trở về làm dân thời Cộng Sản, chẳng có nghề ngỗng gì thì phải lao vào phá rừng sản xuất, không thì biết lấy gì sống. Được cái may là đất vùng này màu mỡ, đãi người mới, nên mùa nào cũng thuận mưa thuận nắng. Vất vả mưa nắng, nhưng sống được.
– Họ hàng tôi trên Ban Mê Thuột, đất cũng tốt, nhưng nhiều người thất bại, đói dài. Có người không chịu nổi mưa nắng, phải bỏ. Gia đình tôi cũng chia hai, một nửa làm rẫy, một nửa chạy chợ. Nhưng hoa lợi của rẫy không được bao nhiêu – Hân ngừng một lúc rồi tiếp: Nghe cháu gái nói rẫy rất rộng, bác trồng bắp, đậu, quanh nhà trồng các loại rau, lại thêm chăn gà vịt. Chỉ một mình bác mà làm chừng đó thứ thì thật đáng nể.
Ông Bảy cười nói:
– Ba năm nay tôi sống ở đây như người rừng, hôm nay mới được cô khen. Tôi không biết mình có tháo vát không, nhưng nhờ có sức, thấy cái gì làm được là làm. May có cái cửa hàng tạp hóa, nên những thứ tôi làm ra có chỗ tiêu thụ.
Hân hỏi:
– Những ông cải tạo vào đây làm rẫy năm nào?
– Họ mới vào đây được hơn năm, nhưng tới trên 500 người nên phá, đốt nhanh. Tới nay họ đã trồng được mùa thứ nhì.
– Bác thường gặp họ không?
– Ít gặp. Nhưng nói chung, vào đây làm rẫy họ được thoải mái hơn, dễ giao tiếp với dân làm rẫy, nên cũng nhờ dân được một số việc như gửi thư về nhà, nhờ mua thuốc men và đồ ăn.
Đi qua một căn nhà vách ván, lợp tôn. Phía trước cửa bày một số hũ bánh kẹo và nhiều thứ hàng lặt vặt như một quán tạp hóa bên đường. Người thiếu phụ, chủ quán đứng ở sân cất tiếng:
– Chào anh Bảy, anh lại dẫn người đi thăm nuôi.
– Chào chị Tư. Nhân tiện đi lấy măng nên dẫn cô ấy đi.
Để Hân đi trước, ông Bảy rẽ vào sân nói gì với bà Tư mà hai người cười lớn. Hân đứng lại đợi và nghe ông Bảy nói: Hôm nào tiện chị tới tôi. Thôi chào chị, tôi đi.
Bà đi với ông Bảy ra cổng, rồi đứng lại nói: Không ai vô đây nhờ tôi dẫn đi thăm nuôi, chỉ nhờ có anh Bảy.
Khi ông Bảy đi tới, Hân hỏi:
– Gia đình bà ấy làm rẫy, còn bà ta buôn bán như bác gái, phải không bác Bảy?
Ông lắc đầu:
– Không phải. Bà ấy ở đây một mình. Tôi không biết gia đình bà ấy ở đâu. Khởi đầu làm rẫy, được một mùa thì chuyển sang buôn bán tạp hóa, còn rẫy thì thuê người làm. Quán bà ấy có đủ thứ như rượu, mắm muối, dầu hôi, cá khô, đường, hột gà, hột vịt… có cả cà phê. Quán sống được, vì khách hàng là dân làm rẫy vùng này. Theo mấy ông cải tạo thì bà ấy là vợ một ông thiếu tá, phải ra Bắc và đã chết.
– Thân đàn bà mà dám vào đây làm rẫy, rồi mở quán tạp hóa. Thật can đảm. Phụ nữ chắc ít người có lá gan như bà ấy.
Ông Bảy nói:
– Can đảm là một chuyện, còn một chuyện lạ hơn tôi kể cô nghe. Nhưng trước khi kể tôi phải xin lỗi cô, vì chuyện đó không nên kể, nhưng là chuyện thật và lạ, nên tôi muốn kể cô nghe cho biết.
Hân cười:
– Chuyện như thế nào mà bác phải rào trước đón sau như vậy?
Ông Bảy cười:
– Chuyện cũng bắt nguồn từ mấy ông cải tạo. Vì cứ khoảng một tuần, các ông ấy phải ra ngoài này khiêng lương thực như gạo, cá khô, muối… thường thì lần nào cũng ghé quán bà ấy uống cà phê, và trong những lần ấy, qua chuyện trò, nếu ai hợp nhãn và ăn ý bà ta sẽ hẹn và hiến thân cho ông cải tạo đó.
Hân ngạc nhiên:
– Trời đất! Ở cái quán đó luôn sao?
– Không, họ hẹn nhau ở cái chòi trong rẫy của bà ấy.
– Sao bác biết được chuyện này?
– Cũng ngẫu nhiên thôi. Vì cách đây mấy tháng, tôi đi lấy măng, ngồi nghỉ ở một bên suối. Trong khi đó ở bờ suối bên kia, hai ông cải tạo đi lấy măng cũng ngồi nghỉ. Một người nói chuyện bà Tư, rồi hẹn sẽ giới thiệu. Nghe người đó nói thì bà ta rất kén chọn, phải có dịp chuyện trò vài lần, nếu hợp tâm ý bà ấy thì bà ấy cho hết và không đòi hỏi bất cứ cái gì.
Hai người im lặng một lúc lâu, rồi Hân nói:
– Còn trẻ đẹp mà không lấy chồng, lại chọn một đời sống như thế. Tôi là phụ nữ cũng chẳng hiểu bà ta.
– Có thể bà ấy thương ông chồng chết trong trại cải tạo, nên tìm cách bù đắp cho mấy ông cải tạo, mà cũng là một cách để bà ấy thỏa mãn. Phụ nữ mới trên 30, lại không chồng… Theo lời ông cải tạo tôi nghe được thì, xin lỗi cô, bà ta rất dâm, không ông cải tạo nào chịu được lâu, nên họ giới thiệu lại cho nhau. Tôi còn nghe được nhiều điều về bà ta, nhưng không tiện kể. Có một điều đặc biệt là bà ấy không ưa mấy ông quản giáo. Vì mấy ông đó cũng muốn bắt chuyện làm quen, nhưng bà ấy lảng và chỉ vồn vã chào hỏi mấy người tù.
Hân nói:
– Chẳng bù cho nhiều người khác, chồng mới đi vào trại cải tạo được mấy tháng đã lấy cán bộ, công an.
Ông Bảy rẽ vào một khu nhà lá trên giải đất cao, đặt bao đồ ăn xuống trước một căn nhà dài:
– Đây là K4. Cô vô cái nhà nhỏ là nhà quản giáo. Giờ này các ông cải tạo ở trong rẫy, chỉ có mấy ông nấu ăn và người bệnh ở nhà. Họ phải cho người đi gọi anh ấy về. Chắc cô phải đợi lâu đấy. Tôi vô rừng tre lấy vài chục cái măng rồi về luôn.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro