Chuyện tình thời sinh viên – Quyển 1
Phần 8
2024-08-03 10:40:50
Hà Nội tháng 12 hoa cải về trời họa mi ở lại…
Sáng sớm, băng qua những làn sương mờ ẩn hiện, đâu đó những người đạp xe chở gánh hàng hoa chầm chậm di chuyển trong không khí vắng vẻ. Mùa đông Hà Nội không còn nắng, cơn gió mang theo giá lạnh, để gánh hoa Cúc họa mi thêm bừng sáng và tinh khôi hơn bao giờ hết. Đưa tay ôm trọn bó họa mi vào lòng lại thấy rạo rực và dâng trào nỗi niềm khó tả. Cách cúc bồng bềnh như làn mây trắng, mỉm cười chào Hà Nội mùa đông đã về.
Em cũng rất thích Cúc họa mi, trên đường Kim Mã mỗi khi gánh hoa đi qua, em lại xuýt xoa. Em bảo em thích hoa họa mi vì tuy nó bé nhỏ giản đơn nhưng lại có 1 nhiệm vụ vô cùng cao cả là báo hiệu mùa đông về. Nó chỉ giống như cánh chim báo tin, vụt đến rồi vụt đi ngay. Khi mọi người đã quen với cái lạnh giá của đất trời đang xê dịch thì nó lặng lẽ biến mất, lặng lẽ rời xa giống như cái cách chúng xuất hiện chẳng ồn ào. Chỉ khoảng một, hai tuần, đến và đi lặng lẽ như áng mây trôi nhưng luôn để lại trong lòng người 1 cách gì đó rất riêng, 1 thứ mà chẳng loài hoa nào có thể thay thế được…
Hà Nội năm đó mùa đông lạnh lắm, gió Đông Bắc tràn về tê tái cả người, cái lạnh hanh khô cứ len lỏi qua từng lớp áo dày cộm, chỉ chực ai đó sơ hở là ùa vào. Bằng cách này hay cách khác, cái lạnh khiến con người sát lại gần nhau hơn, khiến những cái siết tay hay những cái ôm trở nên ấm áp và ý nghĩa hơn. Lạnh sâu thì đã sao chứ, Hà Nội vẫn đẹp bình yên và đầy thân quen!
Trời lạnh, thằng Hùng hay bỏ tiết đầu ở nhà ngủ vùi, nhưng tôi thì không, tôi vẫn dậy sớm đi học đúng giờ để được gặp em. Thằng Hùng cũng đã biết chuyện tôi nên chẳng ngạc nhiên gì, anh Tú thì càng ủng hộ:
– Thời sinh viên thì phải yêu, phải trải qua hết, nếu không phí đời sinh viên. Mà chú đã chén chưa? Hôm nào dẫn về anh duyệt cho.
Ông Tú vẫn thế, bỗ bã rất đời.
Hôm đó, vào một ngày cuối năm, bên hồ Thủ Lệ tôi thấy em nháng buồn.
– Sao thế em? Hôm nay ở lớp có chuyện gì à?
– Không có gì đâu anh.
– Đừng giấu anh. Có gì kể anh nghe.
– Sắp đến Tết rồi anh nhỉ. – em không trả lời thẳng tôi.
– Ừ, khoảng hơn chục ngày nữa thôi.
– Bao giờ anh về quê?
– 25 (âm) anh về, sao thế nhớ anh à? :)
– Ghét, ai thèm nhớ chứ. – Em vừa nói vừa đấm thùm thụp vào lưng tôi.
– Anh về nhớ nhắn tin cho em nhé.
– Ừ. Anh gọi nữa nhé.
– Đừng anh, bao giờ không có ai thì em gọi cho nhé, không bố mẹ em biết chửi chết.
– Lo gì, bố mẹ em không biết đâu.
– Không được, em cấm đấy.
Em lừ mắt nhìn tôi. Sau hôm tôi nói yêu em đến giờ cũng được 1 thời gian, tình cảm của chúng tôi cứ thế vun bồi, tình cảm ban đầu giống như 1 dòng suối nhỏ, cứ tí tách chảy dần ra sông rồi ra biển lớn, thấm mát tâm hồn chúng tôi. Thời điểm bấy giờ nó như ở khoảng giữa của dòng sông, cứ êm ả trôi dòng, chưa trải qua sóng lớn nơi cửa biển, bãi xa.
Tôi và em đã nhắn tin với nhau nhiều hơn, thỉnh thoảng cũng gọi điện nói chuyện với nhau nhưng hạn chế. Em bảo bố mẹ em ghê và tinh lắm, không thích em yêu đương gì, nhất đang lớp 12 nên càng cấm. Tôi và em vẫn chỉ gặp nhau chủ yếu tại Kim Mã, nói chuyện với nhau tại bến xe, bên ghế đá hồ Thủ Lệ hay trên những chuyến bus ít người. Những buổi chiều em được nghỉ học thì lại cùng nhau vào khu Ciputra chơi nhưng rất ít.
Tôi cũng không muốn em phải phân tâm nhiều để tập trung cho việc học, mấy tháng nữa thôi khi em đã là sinh viên như tôi, lúc đó tôi và em sẽ có nhiều thời gian cho nhau hơn. Nghĩ đến đó tôi lại mỉm cười, bằng lòng với những buổi sáng cùng em trên chuyến xe bus chật cứng, đôi lúc đi bộ cùng em đến trường, hài lòng với những buổi chiều cùng em sóng đôi trên đường Kim Mã, bước qua những gốc cổ thụ già bên hồ Thủ Lệ, cũng chẳng phàn nàn mỗi khi đang cùng nhau em giật mình mỗi khi tin nhắn đến cứ ngỡ mẹ gọi, không buồn khi em hoảng hốt nhìn đồng hồ rồi dục tôi ra về mặc dù mới gặp nhau chưa được 5 phút. Không sao cả miễn là tôi có em ở bên là đủ.
– Ra Tết cái là em cũng sắp thi Đh rồi đấy, nhanh anh nhỉ, em lo quá.
– Không sao đâu em, cứ bình tĩnh thôi. Lo gì, có gì không biết cứ hỏi anh, anh giỏi lắm đấy.
Tôi nhìn em cười động viên, đúng là học sinh cuối cấp, lo lắng thi cử luôn thường trực. Em cứ nói đến chuyện thi là lại lo, tôi biết em rất áp lực, áp lực từ gia đình, áp lực từ bạn bè. Tôi bảo em có gì hỏi tôi chứ thực ra tôi muốn bảo cũng chẳng bảo được. Em học chuyên Anh, thi khối D trong khi đó thì tôi tiếng anh ngoài Hê lô với gút bai ra thì chịu, mà em thì cũng toàn đứng trong Top trên của lớp, nói thật chứ lực học của em ngày xưa tôi lớp 12 cũng còn chạy xa chứ đừng nói đến bây giờ. Tôi chỉ có thể ở bên động viên những lúc như này thôi:
– Em không phải lo đâu, ngày xưa anh học dốt lắm, có biết gì đâu mà vẫn đỗ đại học đấy thôi, quan trọng là phải bình tĩnh, bình tĩnh mới làm được bài tốt, mà ngoài khối D ra em có định thi thêm không?
– Có, em thi thêm khối Anh nữa. Hay em thi vào trường anh nhé ?
– Ừ.
– Cứ nghĩ đến học tập thi cử là em thấy mệt mỏi lắm anh ạ. Từ bé đến giờ đã thế rồi. Bố mẹ kỳ vọng nhiều vào em lắm, lúc nào cũng áp đặt, cấm đoán em. Em chưa bao giờ trái ý bố mẹ điều gì đâu, cũng chẳng giấu điều gì, gì cũng kể. Có mỗi anh là em chưa kể thôi. Hi…
Tôi cứ lặng yên nghe em tâm sự, thỉnh thoảng ậm ừ câu chuyện. Em là chị cả trong nhà, dưới em còn 1 cậu em kém em 10 tuổi. Bố mẹ em đều là cán bộ, bố làm ngoại giao, mẹ ngân hàng, từ nhỏ em đã chăm ngoan học giỏi, đạt nhiều giải thưởng của thành phố. Nhưng theo em kể từ nhỏ em chỉ có học học và học, chẳng mấy khi đi chơi ra khỏi nhà, trừ đi du lịch cùng gia đình. Lên cấp 3 trường em học tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa em mới được vui chơi nhiều hơn, thoải mái hơn nhưng vẫn bị áp lực thi đại học và sự kì vọng càng lớn của bố mẹ.
– Hôm nào trước khi về nghỉ tết anh đưa em đi chơi 1 hôm nhé, quanh quanh Hà Nội thôi.
– Thật á. – Giọng em reo vui như trẻ con
– Ừ. Em thích đi đâu.
– Thế thứ 3 tuần sau nhé. Hôm đó em nghỉ buổi học thêm cũng được. Anh cho em lên Đinh Lễ nhé, em muốn lên đấy đọc sách, sau đó ăn kem Tràng Tiền, em thích vừa ăn kem vừa đi dạo quanh bờ hồ, sau đó đi đâu tùy anh. Nhưng không được về muộn đâu nhé.
Đúng là chăm học, đi chơi vẫn nghĩ đến đọc sách, được rồi, tôi sẽ về hỏi ông Tú mấy địa điểm để đưa em đi.
Tối về em nhắn tin cho tôi:
– Hihi, em thích quá, lâu lắm rồi chẳng được đi chơi đâu, toàn học.
– Thỉnh thoảng anh chả đưa em đi chơi đấy thôi.
– Đâu, điêu thế, anh đưa em đi đâu bao giờ đâu.
– Ra hồ thủ lệ chơi, vào Ciputra chơi còn gì. Tuần mấy lần nhé.
– Eo ơi. Thế mà cũng gọi là đi chơi á. Đi được có tí.
– Tại em toàn đòi về đấy chứ, anh thì đi mấy tí chả được.
– Hi. Thứ 3 nhớ nhé, em mong đến thứ 3 thật nhanh, giờ em đi học đây, tí em nhắn tin cho nhé.
Ngồi 1 lúc lại thấy tin nhắn của em:
– Thứ 3 đi luôn từ trưa anh nhé, em không về nhà nữa, em mời anh ăn bánh mì Hương Lan. Hi…
Nhắn tin cả trong lúc học thế này tôi biết em đang rất vui, thấy em vui tôi lại trách mình vô tâm. Từ lúc quen đến giờ chẳng bao giờ đưa em được đi đâu chơi cả.
… Bạn đang đọc truyện Chuyện tình thời sinh viên – Quyển 1 tại nguồn: http://bimdep.vip/chuyen-tinh-thoi-sinh-vien/
Hôm thứ 3, nửa buổi tôi bắt xe bus từ trường đến cơ quan anh Tú mượn xe máy, do đã bảo trước nên anh Tú đưa ngay, chỉ dặn đi lại cẩn thận. Chờ 1 lúc thì em ra, thấy tôi em cười nhưng trán hơi nhăn lại hỏi:
– Đi xe máy à a? Anh có biết đường không thế?
– Anh biết mà. – Tối hôm trước đã hỏi kỹ anh Tú đường rồi còn cẩn thận ghi ra giấy đút vào túi áo nên tôi tự tin đáp ngay.
– Hi thế đi ăn đã anh ạ. Em đói quá, mà hôm nay ngồi trong lớp cứ nghĩ đi chơi là em chẳng tập trung học gì cả đấy. Hi. Anh có thế không?
– Không, anh tập trung lắm… anh bận tìm hiểu xem hôm nay đi chơi những đâu nên tập trung lắm.
– Hi, anh này.
Em cười đập vào tay tôi.
Vào ngày đầu năm 2007 nếu bạn nào thấy có 1 thằng đẹp trai như Lưu Đức Hoa đang bị 1 em mặc đồng phục học sinh cấp 3 xinh như Evgeniya Loza cầm cả cái balo phang vào người tại tiệm bánh mỳ trên đường KM thì đấy chính là tôi đấy.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro