Phần 53
2023-05-27 08:33:00
Lan man hậu bão.
Cơn bão đã qua, tuy khá thiệt hại nhưng ở một góc độ nào đó vẫn còn sự may mắn, khi bão khi vào Việt Nam nó không còn mạnh như dự báo…
Bão lũ và những thiên tai thật ghê sợ, tôi từng gặp bão trên biển 1 lần, đúng một lần thôi, lâu rồi… nhưng sự kinh khủng đủ để tôi nhớ tới chết.
Trời tối đen sầm, sóng nổi lên rất nhanh nhìn rất ghê rợn, và sét phang chát chúa như những phát pháo 175 ly khai hoả bên tai, kinh thiên động địa. Người ta nói câu Chớp bể, mưa nguồn… ám chỉ sự ghê gớm, đúng thật, trải qua rồi mới biết… con tàu sắt dày cui, khổng lồ vũ khí ngạo nghễ bên bờ biển bao nhiêu thì trong gió bão te tua bấy nhiêu, như một món đồ chơi con nít nhỏ bé trước biển cả mênh mông, lính bị nhồi lắc quăng quật như những trái bóng trong hầm, chỉ biết ôm đầu chịu trận, sét cứ như đánh thẳng xuống đầu mình, ở trên bờ có nhiều địa hình địa vật, khi mưa xuống, sấm sét ít ra còn có cảm giác an toàn một chút, còn trên biển thì chẳng có gì, sét đánh ở đâu cũng như ngay trên đầu mình, chớp sáng lòa, mọi thứ như muốn rung chuyển và nổ tung, thật khiếp đảm khi con người quá nhỏ bé trước sự mênh mông…
Mưa nguồn thì tôi gặp nhiều như tóc trên đầu, bão ở biển thì hình thành rất nhanh, ban đầu chỉ là một đám mây lông chó nho nhỏ, chỉ mấy chục phút sau có khi cơn thịnh nộ tới ngay.
Ở rừng thì chậm hơn, nhưng nguy hiểm hơn vì đã mưa to là có lũ. Khe núi luôn là nơi lý tưởng cho người đi rừng và cả thú ở rừng, vì mùa hè thì mát và luôn có nước, cứ có nước là thấy sự sống hiện diện rồi.
Nhưng mùa mưa thì khe nước là một nơi nguy hiểm tiềm tàng, mưa lớn thì chỉ cần 15 phút là bằng mọi giá phải thoát khỏi khe núi, vì lũ ống có thể tràn tới khiến ta không thể chạy kịp.
Tôi đi rừng nhiều, và thấy rừng Lào hay Trung Quốc là lũ nhiều nhất, có lẽ vì nhiều núi đá có độ dốc cao… chỉ mưa một chút là đã nghe tiếng lục ục như có đàn voi đang chạy đâu đó, nước tràn xuống nhanh chóng theo những khe núi cuốn theo đá hộc và cây cối ầm ầm lao, đỏ ngầu…
Nơi nào nhiều núi đất thì mưa lâu còn một tai họa khủng khiếp nữa là sạt đất, mưa to vài ngày là coi chừng, tôi chứng kiến vài lần vụ lở núi ở Lào, Cam, Trung… và Cao Bằng Việt Nam, năm 92 cả nửa đỉnh Vàng Xanh trượt xuống dưới khe vực Khuổi Bốc sâu hun hút không còn chút dấu vết, hay ở Tĩnh Túc cũng vậy.
Đứng gần và nhìn những sự việc đó bằng mắt mới thấy hết sự khủng khiếp của nó.
Một vài lần nhờ mưa lũ mà tôi được ăn thịt những loài khổng lồ ở rừng như voi, bò hay min, min là con trâu rừng có rất nhiều ở Lào, loài này rất to và không sợ hổ, min ở Cam thì có cặp sừng rất to và rộng như sải tay người lớn dang ra, cong cong, còn min đen ở Lào sừng nó hẹp hơn gần như trâu nhà ở Việt Nam, thân đen bóng, thường đi từng bầy như voi, khi nuôi con, min cái thường tách riêng ra lúc con nó còn nhỏ, nuôi con thì min cái dữ như cọp, có lẽ bản năng làm mẹ của loài nào cũng vậy, nó không ngần ngại tấn công con người hay những loài thú dữ khác kể cả hổ.
Khi sắp có mưa lũ thì thường rừng hay động, chim thú láo nháo hết, chúng nhanh chóng di chuyển qua những nơi an toàn, thú rừng rất giỏi và nhạy cảm khi có điều gì đó nguy hiểm từ thiên nhiên, có lẽ do sống hoang dã nên cơ thể chúng có một cơ quan nào đó có chức năng báo động khi nguy hiểm sắp xảy ra chăng.
Lần ở Bokeo, Lào giáp biên giới Mianmar sau một cơn lũ khủng khiếp, ban đêm cứ nghe tiếng kêu ò ò rất lạ, hôm sau chúng tôi định vị và mò tới thì… một con min đen đực khổng lồ bị lũ cuốn gãy cả hay chân trước và một bên sừng, nó phải nặng hơn một tấn, sau khi cho nó vài viên nhân đạo, anh em tôi xúm vào xẻ thịt nó, lội lóp ngóp giữa bãi lầy bùn đất trên núi theo lũ xuống, vì chẳng thể kéo nó vào phía gần bờ do nó quá to, thịt nó với tôi, tôi nghĩ là ngon nhất trong những loại thịt mà tôi từng được ăn, chúng tôi đang đói khát lại được ăn thứ đặc đặc sản này quả là không thể tả nổi, cái gì cũng muốn lấy nhưng cõng không nổi, anh em nghĩ ra cách nướng khô rồi bỏ vào ba lô mang theo, cả hơn chục cái ba lô cóc căng tròn, đó là nguồn dinh dưỡng quý giá cho chúng tôi ăn tới cả hai tháng sau đó.
Trâu, hay trâu rừng là con vật linh thiêng với khá nhiều dân tộc, Thái, Lào, Miến Điện (Mianmar) hay cả người Cam, Việt nữa, tôi từng thấy khá nhiều miếu thờ những “Ông Trâu” ở Lào, Miến Điện hay Việt Nam, Thái…
Ở Miến Điện tôi từng nghe người dân kể nhiều câu chuyện tâm linh về loài này, tuy nhiên tôi chưa từng tận mắt thấy “ma trâu” bao giờ cả, nhưng anh em tôi có bốn người từng thấy ở Lào.
Ở cánh đồng Boongxay rất rộng và ngập nước, có một cây rất to, nó giống giống như cây keo lá chàm của ta, người Lào gọi nó là cây Cọn, có một cái miếu cổ, chả ai biết nó xây từ bao giờ, nó được xây bằng những hòn đá vôi trắng và lợp loại ngói cong của người Lào hay lợp nhà, người dân thường hay mang xôi với trái cây tới đó cúng. Một thằng bạn tôi tên Triệu văn Gi. Có biệt danh “xôi đám ma” nó quê gốc ở Lai Châu, một lần ở Lào đi đám ma nó được ăn xôi, chả biết xôi gì người ta nấu với cái lá gì đó vừa thơm vừa màu xanh xanh, nó được ăn và khen ngon suốt, lúc nào anh em nằm nói chuyện tới lượt nó cũng chỉ nói tới xôi đám ma nên thành chết tên, nó cùng Triệu Ngọc Q. Người Nùng gốc Lạng Sơn, biệt danh “mũ nồi” vì có lần đi tán gái bản với anh Tân, trên đường về anh em đèo nhau trên xe đạp, thấy bãi phân trâu, anh T đèo nó hét thất thanh, “Q… Q… cái mũ nồi kìa nhảy xuống nhặt đi” trời có trăng mờ nên nó bay xuống xe mắt nhắm mắt mở vồ ngay bãi phân, bãi phân giống hệt cái mũ nồi mà dân những vùng núi cao xưa các “tay chơi” hay đội, trông nó như cái nồi bị bẹp trên mũ có cái cuống như cuống quả bí đỏ, màu đen đen… người Lào cũng hay đội.
Hai thằng hay mò ra cái miếu đó xin dân đồ cúng để ăn, một đêm nghe tiếng chũm choẹ kêu (khi người dân ra thắp hương họ thường lấy hai cái chũm choẹ ở miếu đánh vào nhau kêu choeng choeng, trong đêm vắng nó kêu to lắm) quen mui hai thằng rủ nhau ra xin đồ, chả có ai cả, cái miếu vắng lặng dưới trăng, hai thằng chưng hửng quay về, đang lội nước bì bũm tự nhiên thấy oà một tiếng, như có gì đó dưới nước bay lên vậy, và thấy một khối đen xì lù lù trước mặt, xung quanh rìa cánh đồng chỗ chân núi cũng có nhiều tảng đá mồ côi, nhưng ở ruộng thì không có, sao hôm nay lại thấy, nó to và đen xì như tảng đá mồ côi, hai thằng định lội tới gần xem thì nghe nó thở phì phì, quất đuôi và vảy cặp sừng lúc lắc, hai mắt đỏ lòm… thế là cả hai bung chạy, ruộng thụt không chạy được, sợ quá bắn um sùm cho anh em chạy ra cứu… lạ là chả ai thấy gì nữa chỉ hai thằng háu ăn sợ xanh mặt mày qua tận hôm sau.
Còn lần nữa anh T với anh N đi đêm về qua, cách ngay chỗ chúng tôi ở chỉ chừng 200m chợt hai anh thấy ngay bên mép nước cách cái bờ đất có cái miếu đó mấy chục mét, một con trâu to tướng, cao lênh khênh… nó đứng im, thở phì phì, ban đầu nghĩ trâu của dân, nhưng sau nhìn lại hai anh bảo lạ là sao nó to thế, bật đèn pin lên soi thì nó mất hút như chưa từng đứng đó… hai anh quăng cả xe đạp chạy tụt cả dép về lắp bắp gọi cả bọn ra, chúng tôi ùa ra nhưng cũng không thấy gì, đêm trăng mờ mờ có trâu thật thì làm sao nó đi nhanh thế qua cái cánh đồng đó…
Tôi cũng hay nhòm qua đó ban dêm xem thấy gì không, nhưng chưa bao giờ thấy gì, chỉ có một hai lần rất lạ là vừa chập tối chúng tôi ăn cơm xong chợt có mùi trâu nồng nặc hết xung quanh nhưng tuyệt nhiên chẳng có con trâu nào quanh đó cả.
Qua tới Cam thì được ăn thịt voi, người Lào kiêng ăn thịt voi, phần đa voi chết họ mang chôn, có lẽ như sự tri ân vì nó gắn bó và nuôi sống họ hàng mấy chục năm trời sống cùng nhau, và gắn bó nên họ không nỡ ăn thịt voi, bình thường thì sau khi làm lụng là họ tháo những sợi lòi tói với cái bành chở hàng chở người trên lưng voi và cho nó vào rừng tự kiếm ăn, đêm thì nó về đêm thì nó không, nhưng dù có bao lâu thì nó vẫn quay về nơi căn nhà của nó. Ở Cam mấy ông nội lính Cam thấy voi rừng đi qua thế là vác B41 ra thục một con to đùng lăn kềnh, rồi xúm vào xẻ thịt chia nhau, chỉ huy hỏi thì nói bắn nhầm vì tưởng xe tăng, quỳ lạy luôn.
Lúc đó thiếu thốn nên chỉ huy biết cũng ngó lơ khi lính khiêng thịt về, mà cũng lạ, lính Cam đi lính còn có vợ con đi theo một đoàn lóc nhóc nữa, nhìn thật buồn cười và tội nghiệp, một phần họ chẳng có nhà cửa mà để ở hay quay về nên đành đi theo chồng, hoặc họ là lính cưới nhau, đơn vị di chuyển suốt nên đi theo luôn, còn một điều nữa là lúc đó nhộm nhoạm nên họ sợ pốt nó trả thù, bất cứ ai dính dáng tới người Việt, quân Việt là chúng giết hết cả già cả trẻ. Mà người Cam thì mắn đẻ, chồng chỉ cần cởi cái quần tà lỏn ném qua bụng có khi cũng có bầu rồi, nhà nào cũng ba bốn đứa con lóc nhóc, trứng gà trứng vịt sàn sàn bằng nhau kêu khóc inh tai, mỗi khi di chuyển trông thật nheo nhóc cả quân cả dân lẫn lộn với nhau, cùng chó mèo gà vịt, trâu bò… lợn thì họ cột dây vào chân, một con lợn có một hay hai đứa trẻ cưỡi trên như ta cưỡi ngựa rất điệu nghệ… người lớn đi sau cầm dây cầm roi đuổi lợn cho nó đi, con nào không chở trẻ con thì chở nồi niêu trên lưng, lũ lợn đen nhẻm nhem nhuốc vì nhọ nồi dính bê bết hành quân đi trong nắng bụi mù. Xe bò kéo thì không có bánh chỉ có hai cái cây, gọi là xe quệt chất đủ thứ trên đó.
Ở Thái và Cam thời đó thật lắm chuyện buồn cười, tôi thì hay nhìn và ngày nào cũng phải cười bò ra ít nhất vài lần… tay chơi, dân chơi lúc đó thì ở phố mới có xe honda, cá biệt còn có cả xe hơi nha bà con, phóng tùm lum hỗn loạn nhất là bên Thái, đến nơi nào xa lạ muốn biết họ giàu hay nghèo thì ra chợ xem, còn dân trí cao hay thấp thì nhìn giao thông là biết, từ ngày đó bên Thái đã nhiều honda và ô tô rồi, và họ đi thì… èo, chúng tôi toàn tay lái lụa được học gần như các loại xe cả tăng, thiết giáp, cano… vv, tới lý thuyết lái trực thăng nữa, tuy là chưa anh em nào được lái máy bay bà già bao giờ, chỉ học lý thuyết thôi… vậy mà qua Thái thì thôi, cảm phiền, cuốc bộ là vĩ đại, là chân “ní” không thể bàn cãi…
Tôi từng chạy xe honda lẫn ô tô ở Thái nhiều, không hề nói khoác chứ vừa chạy xe côn tay vừa tác chiến bằng AK các cháu trẩu bây giờ vác phóng hợi ngả mũ đấy, vậy mà lái xe ở Thái vẫn là một điều gì đó thật nghẹn ngào và khó nói nên lời… vì té đau quá sao mà nói nổi nữa, chạy thì trái đường với kiểu bên phải như ở ta hay Cam, Lào, Tàu… dân phóng bạt mạng, chả biết lúc đó dân Thái có bằng lái xài bằng lái chưa hay vẫn xài lá chuối khô như dân Cam, nhưng họ chạy ẩu tả thôi rồi… tai nạn suốt.
Còn tay chơi cấp phum sóc thì xe bò, cái xe bò như cái rạp xiếc, treo đủ thứ bùa ngải rồi cờ quạt, tua rua xanh đỏ chết tiệt gì đó xung quanh, bên trong xe phải có hình mấy cô cởi truồng in rất đẹp trên loại giấy ofset nilon như những bức tranh Thái những năm 90 dân ta vẫn dùng, cái bánh xe bò to, bằng gỗ tán những cái đinh mũ bọc đồng vàng choé, treo cái chuông giật tay hay cái kèn như mấy anh bán kem xưa hay bóp te tí te tí gọi con nít mua, cái xe cũng lạ, xe của mình có hai cái càng hai bên, con bò ở giữa thì xe họ chỉ có một càng ở giữa và hai con bò hai bên, cái càng cong vút như cây nêu trên quấn treo đủ thứ hầm bà lằng, xe có rèm vải hoa đàng hoàng, trong xe có nệm ngồi, có nóc hẳn hoi, chúng tôi rảnh thường ra vợt xe bò xin quá giang hay như đi xe buýt vậy, ngồi trên xe nóng chết cha và như xóc ốc, lim dim ngậm thuốc rê ngắm gái cởi truồng treo xung quanh xe, ở rừng mãi được như vậy là quá sung sướng rồi, ra chợ thì mắt trước mắt sau là sà vào hàng hủ tiếu, hàng hóa thì như biển nhưng có thằng nào có tiền đâu mà mua, chỉ ăn thôi, hủ tiếu họ rất ngon, ngon lắm, tới tận bây giờ tôi vẫn nhớ, chắc tại lúc đó đói khổ quá nên được ăn vậy thấy ngon… mỗi anh em phải ăn ít nhất hai tô, nhưng cũng biết “sĩ” hão khi không ăn ở một quán, mà ăn xong sang quán khác ăn tiếp, chứ mổ hai tô các cô ngồi quanh nhìn ngại lắm ? ?.
Lượn chợ lòng vòng ngắm nhìn hàng hóa của họ và các cô gái thôi chứ làm gì có tiền mua gì đâu, thứ quan trọng nhất là thuốc lá và cao cù là, hay dầu tràm đỏ của Thái, thứ cao cù là là chúng tôi tín nhiệm nhất, ho cũng bôi, nhức đầu cũng bôi, đau bụng cũng bôi, vắt cắn cũng bôi, bôi tất và quý lắm, anh Thiệp lúc bị một quả K58 gần như nát hai chân, biết mình không thể sống được thấy bọn tôi khóc xung quanh anh vẫn nói đùa, không sao, bôi tý cao là hết mà… anh chết mà miệng vẫn cười, hình ảnh đó tôi không thể quên được…
Tôi nhớ ở chợ lúc đó có má bán chạp phô, má tên Năm Thía người gốc Hà Tiên, má lấy chồng người Hoa qua Thái làm ăn và sinh sống, vừa thấy chúng tôi lần đầu má cứ nhìn trừng trừng và kéo vào hỏi bằng tiếng Việt “bay người Việt Nam phải không con, lính trong rừng trốn hả con?” Rồi má mua cho chúng tôi đồ ăn rất nhiều, chúng tôi chỉ dám nhận một lần vì ngại đồng tiền má mồ hôi nước mắt, nhưng má cứ nói “bay không cầm má buồn đó” nói chuyện với chúng tôi má hay khóc kể về những ngày tăm tối khủng khiếp dưới bàn tay ponpot đã qua, và má sợ tới nỗi không dám quay lại Cam thêm một lần nào dù chúng tôi nói với má đã giải phóng rồi, không còn Khmer đỏ nữa… má vẫn lắc đầu, không là không… ký ức của má hẳn là khủng khiếp lắm nên mới vậy…
Bình thường anh em tôi chỉ có tiền mua loại thuốc rê đen xì khét lẹt hút như đấm vào mặt, sau găp má Năm, má cho loại thuốc lào nhãn hiệu ba số 8, ui trời, thơm và tôi tới giờ vẫn nhớ… tôi không hút được thuốc lào, khi mang gói thuốc về anh T mừng húm reo lên vui sướng, và cặm cụi chặt cây lồ ô làm điếu ngay, hì hục mãi cũng xong, chúng tôi ăn vội vàng cơm cháo qua loa rồi nhanh chóng pha trà, “ngả bàn đèn”thuốc lào ngay, lâu nay toàn hút thuốc linh tinh hôm đó có thuốc ngon, theo các anh tôi và thằng Th cũng hút, bị say một trận nhớ đời bà con ạ, thật kinh khủng, người mềm nhũn, dãi dớt lòng thòng lưỡi với chân tay díu cả lại, suýt tè ra quần, sặc sụa và ho như chó sủa suốt đêm, sau tôi không dám hút thuốc kiểu đó nữa, chỉ quấn một tí như thuốc rê vậy mà vẫn say mềm nhũn.
Vụ hút xách rồi bay lắc thì chắc có lẽ dân Cam trong những phum xa xôi trong rừng có khi còn đi trước các dân chơi ở ta bây giờ bà con ạ, ngày đó, rất nhiều lần khi tham dự lễ hội của họ tôi cứ thấy, sao lam lũ khổ sở vậy mà “ăn chơi” họ quẩy sung thế, hóa ra họ hút cần sa, tôi từng được ăn thứ lá này nấu với thịt gà hay cá rồi, rất ngon nhưng ăn xong thì không còn biết trời trăng mấy gió gì nữa, và ngủ như chó con no sữa tới hai ngày, đầu nặng trịch…
Ở Cam có nhiều nơi từ già đến trẻ từ lớn đến bé, gái cũng như trai đều hút thuốc, ở Lào một vài nơi cũng vậy, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn chặn dân lại xin thuốc của họ, thuốc nặng và khét mù, nhưng méo mó có hơn không, lính con nhà nghèo không chê thứ gì cả, lá gì có khói là hút tất… mỗi khi lễ hội họ lại hút thứ lá đó rồi nhảy múa suốt đêm trong tiếng trống gì mà cứ tà rưng tà rưng tưng tưng… rồi những bài hát í oe luyến láy nghe như đám hiếu ở miền Nam ta, nhạc có vậy thôi mà quẩy sung lắm, trai gái loạn xì ngầu và bụi mù tới ngạt thở.
Nhiều cái xe bò của những tay chơi đi ngoài đường còn có cả những cái catxet trên đó nữa, nhạc Boney 79 gì đó… phèng phèng um sùm, “tay chơi” ngồi sau đít bò đầy cứt và khai mù, chân mang dép Lào nhịp nhịp theo nhạc.
Người Cam cũng là một dân tộc quả là lạ lùng, hình như với họ mọi thứ đều đơn giản như kiểu chúng tôi có câu “không sao, bôi tý cao là khỏi” vậy, lũ đồ tể ponpot tàn sát như vậy, một cuộc sống tăm tối ngu dốt như địa ngục, không trí thức, không trường học, không bệnh viện, không văn hóa, không tiền tệ… tóm lại là gần như là con số 0, trừ cái chết là luôn có và miễn phí một cách hào phóng thôi… vậy mà vừa thoát ra khỏi cảnh đó họ lại vui vẻ như thường, lại múa hát tưng bừng ngay và hình như tôi nhớ không nhầm là có một lần một cô bạn Cam thống kê cho tôi có tới hơn 300 cái lễ hội lớn nhỏ trong một năm, có nghĩa là gần như trong năm ngày nào cũng có một cái lễ hội nào đó thì phải… và người dân dửng dưng với quá khứ cũng như khó khăn hiện tại, trước cả cái chết của đồng loại cũng như người thân họ, điều khiến tôi ngạc nhiên khi hỏi về những người thân trong gia đình họ đâu rồi, luôn là một câu cụt lủn “ngọp hời” – chết rồi, ráo hoảnh từ lời nói tới biểu cảm, ánh mắt… khiến tôi gai cả người.
Có lẽ quá đau đớn nên họ mất đi cảm giác chăng… nhưng nếu là tôi thì thật khó để mà quên đi mà thờ ơ hay vui vẻ trở lại nhanh như vậy, lạc quan là điều tốt, biết vậy nhưng vẫn cảm thấy có chút gì đó bất nhẫn sao đó…
Cách người Cam “thiêu huỷ” người chết mới thấy rõ hơn những gì tôi cảm nhận… Nhà có người chết, rất nhanh và đơn giản, có khi họ vừa tụ tập ăn uống vừa nói cười và đem cái xác đi thiêu ngay, cách thiêu mới thật sự ám ảnh và khủng khiếp, người chết được đưa đến nằm trên một đống củi, cây khô, thậm chí cả rác, rồi họ đổ dầu rái vào và châm lửa, mọi người đi xung quanh như chào nhau lần cuối rồi ra về, chỉ vài người ở lại vác thêm cây, củi tới quăng thêm vào cho cháy… mùi thịt nướng rồi dần chuyển sang mùi khét lẹt, nhiêu đó chưa đủ ghê rợn… khi cái xác chỗ đỏ chỗ đen than thì họ dùng cuốc đất, những cái cuốc hiệu con gà của Trung quốc được mài lưỡi rất sắc bén, tới bên và… cuốc từng lát trên cái xác cho nó cháy cho nhanh, thịt xương, lòng mề máu me bắn toè loe khắp nơi, xin thề là tôi khiếp đảm thực sự khi nghe những tiếng sật sật phát ra sau mỗi nhát cuốc, thật ám ảnh…
Tục cúng giỗ của người ta cũng lạ, người chết sau khi đốt thì họ bới lấy một ít tro cốt sau đó mang lên chùa để, vậy là xong, nhà nào giàu thì xây ang tháp, ang tháp này nôm na như cái miếu ở ta nhưng nóc cao và cong hơn theo truyền thống kiến trúc người Khmer. Ở nhà cũng không lập bàn thờ cho người chết và mỗi năm họ có một ngày cúng linh hồn người chết là vào ngày nào đó ở tháng 9 âm lịch thì phải, tôi cũng không nhớ rõ, còn nhà nào giàu có thể làm tới 10 hay 50 cái một năm cũng chả sao, mà 50 năm không giỗ gì cũng chả sao nốt.
Người chết sau khi đem thiêu thì người sống rất nhanh bình thường trở lại, như vẫn từng thế, sự đau đớn nhớ thương có chăng là chỉ trong ánh mắt của những đứa trẻ quá nhỏ đã mất đi cha hoặc mẹ, chúng luôn ngơ ngác và sợ sệt, ngồi ở cửa nhà nhin ra đường, thấy ai giống cha mẹ đi qua chúng đứng dậy lẽo đẽo chạy theo một đoạn, tôi từng nhìn thấy hình ảnh đó, thật nghẹn ngào nhưng chẳng có thể làm được gì cả.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro