Phần 51
2023-05-27 08:33:00
Lâu lắm rồi đêm qua tôi lại vô tình nghe hồi ức một cựu chiến binh chiến trường K, E174 nhắc lại những cái tên của những con đường ngày xưa đã xa lơ xa lắc, ở một đất nước xa lạ không phải Tổ Quốc tôi, nhưng nhuốm máu bao người con Việt Nam, một mảnh đất kinh khủng và khốc liệt…
Đó là Ngã tư đường buôn, ngã tư đầu lọc hay ghê rợn hơn với cái tên được lính Việt đặt là Ngã tư xương máu.
Đó là một con đường dân sinh nhỏ bé và hoàn toàn vô danh cho tới tận bây giờ, nó vẫn không có tên trên bản đồ, kể cả trên google map, hay nó đã được đổi tên thì tôi không biết nữa, nhưng dù nó có hoàn toàn biến mất trên mặt đất này thì cũng không thể biến khỏi ký ức những người lính tình nguyện Việt Nam, và cả tôi… một con đường chết chóc với bao xương máu của những người lính, một con đường làm thay đổi diện mạo của Campuchia ngày đó và hôm nay, nó chết chóc với những người lính Việt Nam nhưng lại mang lại sự hồi sinh cho người dân Campuchia ngày đó.
Đó là một con đường mòn nhỏ nối từ Khơ Vắc với Đăng Cun xuyên qua một cánh rừng khộp thưa tới biên giới Thái Lan. Con đường này xuyên qua một bãi mìn khổng lồ và dày đặc do các lực lượng tham chiến cài lại các lực lượng từ Khơ me đỏ, Sê rây ca, Thái Lan và những người lính Việt, từ mìn chống tăng tới mìn cá nhân đủ thứ, nhưng kinh khủng nhất vẫn là những loại mìn chống bộ binh như K58, KP2,652A, M18a1… vv, trong đó dã man và ám ảnh nhất là hai loại mìn do Trung quốc sản xuất, đó là KP2 còn gọi là mìn cóc, vì khi đạp phải nó bật lên 80 cm mới phát nổ, 200gr thuốc nổ chém nát phần thân từ đùi lên tới bụng người lính, hoặc chém cụt một chi, lũ chế tạo mìn này rất thâm độc khi cho thuỷ ngân vào thuốc nổ, đó là thứ thuốc độc kinh khủng khiến vết thương rất khó cầm máu và khó lành, gây hoại tử rất nhanh… nhiều khi bị mìn chỉ nửa bàn chân nhưng phải cưa bỏ cả chi mới có thể cứu sống được người lính, rồi 652A với vỏ nhựa kíp nổ điện tử nhỏ với 100gr thuốc nổ nhưng cực kỳ uy lực và khó rà phá bóc gỡ… có người từng nói, cuộc chiến Campuchia là cuộc chiến của các loại mìn quả không sai, và mìn nơi đó tới giờ phút này đã hơn 40 năm, rất nhiều nơi vẫn chưa thể gỡ bỏ hết.
Sau năm 1978 quân Khơ me đỏ bị đánh chạy tan tác, số quăng súng chạy về làm dân, quân đội polpot thì không có quân phục, dân và lính như nhau chỉ một bộ đồ màu đen với chiếc khăn cà ma quấn quanh cổ hay trên đầu, nên khi vứt bỏ vũ khí trà trộn vào dân thật khó phân biệt đâu là dân đâu là giặc, số thì rút chạy qua biên giới Thái Lan, số thì rút vào rừng thành từng đám nhỏ lẻ, chui rúc luồn lách để tập kích quân tình nguyện.
Ở những khu vực sát biên này rất nhiều các lực lượng tham chiến như Khơ me đỏ, Thái Lan, quân tình nguyện hay Sê rây ca, phải nói thêm về lực lượng tham chiến thứ 3 trong cuộc chiến này là Sê rây ca, vì rất nhiều người không biết về cái lực lượng quái đản này.
Serayka hay còn gọi là Khơ me trắng, Khơ me dân tộc, hay Para – Pa ra là cách gọi tắt của từ Parachutistes – lính nhảy dù, gọi vậy cho oai chứ làm gì có dù mà nhảy với nhót, lũ này được Thái Lan hậu thuẫn và đứng sau đạo diễn giật dây là Mỹ. Đây là một đạo quân ô hợp toàn những thanh niên có sức khỏe nhưng ít học thức, ngu muội dốt nát, có tinh thần chống Cộng điên cuồng nhưng lại yếu vì vô kỷ luật, mỗi đứa một kiểu, nói chính xác hơn đây là lũ cướp rừng chứ lính tráng gì lũ này, do là rắn tới 15 đầu chứ không phải rắn 1 đầu nên chúng không thể chống nổi Khơ me đỏ cũng như quân tình nguyện, dù được hậu thuẫn huấn luyện trang bị đàng hoàng và đầy đủ nhưng những kẻ này không có lý tưởng chỉ nhăm nhăm giết cướp, chứ đánh đấm trận mạc thì không ăn thua, tôi từng chạm lũ này rất nhiều lần thậm chí có lần một mình lùa 7 thằng chạy rớt cả dép cả súng, hay ba anh em lùa cả đám gần 2 chục thằng đồ rằn ri, giày bốt, vũ khí treo lủng lẳng trên người nhìn ngầu như đặc nhiệm Mẽo chạy như một đàn bò rẽ cả tóc, rụng cả râu, ngầu vậy nhưng chỉ chạy là nhanh.
Lũ Sê rây ca này thực sự nguy hiểm, chúng như những con linh cẩu lởn vởn trong rừng từng nhóm nhỏ, lớn đủ cả, ban đầu thì trong lực lượng này cũng có những người có tư tưởng đúng đắn và có chính nghĩa như Mặt trận dân tộc giải phóng Quốc gia Campuchia tham gia, sau thấy chúng lôm côm lủng củng, lôi thôi lếch thếch, lòng thòng quá nên họ lặng lẽ rút lui, hoặc bị chúng thủ tiêu thanh trừng.
Lũ giặc cỏ Pa ra này có hẳn “chiến khu” kháng chiến bên kia biên giới Thái Lan và luôn tiềm nhập qua biên giới sang phía Cam để đánh trộm và… cướp của giết người. Mục tiêu của chúng là dân buôn.
Lũ này cũng lạ, khi đã yếu hèn ngu muội lại một mình tao chấp hếttttt, khi chơi tay đôi với Khơ me đỏ chưa xong còn khều cả quân tình nguyện Việt Nam, nên phía trước phía sau đều có kẻ thù, có nhiều lần thật tức cười khi bị chúng tôi lùa xong, chúng chạy vào rừng thì súng lại nổ nữa, tưởng chúng gặp đơn vị bạn tác chiến hóa ra không phải, chúng chạm lũ pốt và choảng nhau tiếp rồi một cảnh vô tiền khoáng hậu diễn ra khi tam quân diễn nghĩa trong rừng, oánh nhau chí tử xong quân ta luôn phải truy đuổi cả hai lũ kia mệt lử, và dĩ nhiên chúng chạy một đứa một ngả hết lẩn như chuột trước lính Việt. Yếu nhưng to mồm, trong chiến trận những kẻ yếu và dốt nát thường huênh hoang và ảo tưởng vậy.
Khi mới giải phóng xong thì người dân Cam từ nhiều nơi trong rừng trước đó bị pốt lùa đi theo, lần lượt quay về quê hương làm ăn, và họ đổ về khu vực biên giới Thái nhiều vô kể, khu cửa khẩu Poipet, Svay check tới biên giới luôn đông nghẹt, một phần sự hỗn loạn nơi này là do cái tổ chức tổ chim Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, một tổ chức cứu trợ nhân đạo nhưng được Mỹ hậu thuẫn và có mục đích chính trị chứ không thuần tuý là hỗ trợ nhân đạo như họ rao giảng, họ mở cầu hàng không viện trợ dân tị nạn nhưng không viện trợ trực tiếp cho người dân Campuchia mà lấy biên giới Thái Lan làm nơi cấp phát, mục đích là lôi kéo người dân và các tổ chức khác phá hoại chính phủ mới của Campuchia non trẻ.
Ở cái ngã tư xương máu này thật sự hỗn độn, bắn cứ bắn, giết cứ giết, cướp cứ cướp và buôn lậu cứ buôn…
Người dân Cam kéo nhau từng đoàn dài vượt qua biên giới nhận viện trợ lương thực và nhu yếu phẩm mang về, ai có tiền, vàng, bạc, đá quý, kim cương thì tranh thủ đi buôn, thôi thì thượng vàng hạ cám từ lương thực gạo thóc thuốc men vải vóc cho tới đồ tiêu dùng điện tử điện máy và cả trâu bò, thậm chí voi…
Hàng hóa mang mác viện trợ theo người dân về cũng là để nuôi sống lũ tàn quân pot chết đói trong rừng nữa, vũ khí cũng theo đó được tuồn về và thật khó để kiểm soát bởi lực lượng chính quyền còn quá non trẻ chưa được kiện toàn cụ thể với những vấn đề này khi đó.
Ở khu ba biên, và cái ngã tư xương máu này ghét quân polpot 1 thì tôi ghét lũ Para Sê rây ka này 10…
Lũ này thực sự là một bầy thú dữ, tàn bạo có khi còn hơn lũ pốt, vì một lúc phải chống chọi với hai kẻ thù là Khơ me đỏ và Việt Nam, chúng chỉ có vài trăm quân lúc mạnh nhất cũng chỉ trên dưới ngàn tên, rừng rú biên giới khó khăn, về sau không được nuôi dưỡng tài trợ đầy đủ, chẳng biết làm gì để sống để duy trì cơ sở căn bản của mặt trận của chúng, rồi trước mặt sau lưng hay xung quanh đều là kẻ thù…
Nghĩ thì thấy tội, nhưng là tội chưa xử. Lũ này không thể thương được.
Lực lượng Para chỉ là một nhóm quân lính ô hợp trong rừng rú, vô chính phủ, không văn phòng, không đại diện, vô kỷ luật kỷ cương, vô học thức và vô văn hóa… người lính thì bản chất man dại, thú tính.
Nguyên nhân chính khiến những lính Para trở nên tàn ác như phỉ là vì sau năm 75 Polpot lên nắm quyền, chế độ Khơ me đỏ đã tàn sát hết mấy triệu đồng bào họ, họ đã tách ra và phải chống chọi hàng ngày với lũ lính polpot man rợ kia, quen thói giết người mà không bị ở tù hay đền mạng, hành xử bằng luật rừng khỏi cần toà án, họ tập trung những kẻ lì lợm nhất, những kẻ không còn gì để mất chấp nhận cái chết và sự giết chóc…
Ban đầu họ có chính nghĩa, nhưng sau vì thói vô kỷ luật họ sa đà vào giết, cướp, hãm hiếp… sợ tiếng xấu nên xong việc là giết người diệt khẩu, biết bao người dân phụ nữ Việt Nam kể cả phụ nữ Cam, sau này cả phụ nữ Thái là nạn nhân hãm hiếp và giết của lũ này, do dâm dục lớn hơn trí khôn nên đặc sản của những kẻ trán thấp này là hãm hiếp và giết.
Lính Para chuyên chặn đường biên giới để cướp dân buôn đi qua, đặc biệt là dân Việt vượt biên hoặc đi buôn lậu, thời điểm đó rất nhiều người Việt Nam vượt biên qua Cam, qua Thái Lan để tìm cách tới những nước khác, và họ phải đi qua biên giới này, họ phải qua bao cửa ải mới tới được “miền đất hứa của họ” tốn kém vàng bạc là một chuyện, có rất rất nhiều người còn mất luôn cả mạng sống.
Những người vượt biên thật khổ, nếu không bị những kẻ cò mồi hay tổ chức ở Việt Nam lừa lọc, thì qua tới Cam lại bị những kẻ bản địa cùng đồng hương lừa giết cướp, thoát cửa Cam tới biên giới lại đụng phỉ Para chặn, cửa này thường là địa ngục, rất nhiều đàn bà trẻ em dắt díu vượt biên bị bắt ở đây, lũ Para thỏa sức hãm hiếp chán rồi giết, sau khi cướp bóc sạch sẽ vàng tiền trong người, bọn này khác lũ polpot là giết xong có chôn vùi xác dù sơ sài để che giấu tội ác, tôi từng chứng kiến tận mắt những hố chôn hàng chục bộ xương đàn bà trẻ em Việt Nam mà lũ Para bị tôi bắt đã khai ra, tôi không ngần ngại khi bước qua Công ước quốc tế về nhân đạo với tù binh vì chúng không xứng đáng được hưởng sự nhân đạo đó vì những tội ác chúng gây ra với dân tộc Việt Nam của tôi, tôi sẵn sàng tra tấn buộc chúng phải khai ra đã giết bao nhiêu người, chôn ở đâu, cướp những gì… thật đau lòng là toàn đàn bà con gái và trẻ em, những người vượt biên và dân buôn bán người Việt, hành động của tôi là vô nhân đạo nhưng hãy thử nghĩ xem, khi là bạn hay bất kỳ ai nếu nhìn thấy hàng trăm cái đầu lâu trong đó có rất nhiều những cái còn rất nhỏ của những đứa trẻ người Việt, chúng thường nhốt và giết hay chôn riêng người Việt vì khi bắt họ một là hãm hiếp tới chết, hai là nhốt rồi mặc cả đòi hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế nếu muốn cứu thì mỗi đầu dân là 500kg gạo, nếu yêu sách không kịp hay không được đáp ứng chúng sẵn sàng thủ tiêu họ để bớt đi gánh nặng lương thực cho chúng.
Có nhiều người dân Cam trong vai người dẫn đường cho dân vượt biên, hay đi buôn cùng dân Việt đã không ngần ngại bán đứng người Việt cho lũ Para này để lấy lương thực hay hàng hóa mang về, hoặc chỉ điểm cho lính Para bắt cóc người Việt đi buôn để cướp bóc hãm hiếp và đòi tiền chuộc, những người dẫn đường cũng sẵn sàng cướp sạch tiền vàng và bỏ lại dân Việt vượt biên trong những cánh rừng biên giới mênh mông đầy chết chóc lúc đó, tôi từng biết hàng trăm vụ việc như vậy và đó là lý do tại sao tôi không có thiện cảm với người dân Cam là vậy.
Sisophol lúc đó là một cái vựa hàng hóa khổng lồ từ Thái Lan đổ về Campuchia lúc đó, dù đã giải phóng nhưng ngày nào súng cũng nổ vì tình trạng hỗn loạn và lũ tàn quân chết đói trong rừng được hà hơi viện trợ nên sống lại quấy đảo.
Tôi có rất nhiều kỷ niệm ở nơi biên ải này, nhưng có một kỷ niệm khiến tôi mỗi khi nhắc lại vẫn buồn cười thế này:
Một lần có việc gấp chúng tôi phải đi Phompenh, trời rất nắng bụi mù, chả hiểu sao hôm đó rất ít xe qua mọi ngày thì xe rầm rập, mấy anh em tôi trong vai những “chuyên gia nông nghiệp” lục thum chăn bò… cũng giày áo mũ mão cân đai như người lớn mò ra đường đợi xe, nắng lồi cả mắt rồi nó ụp cho một trận mưa, dù mưa chỉ một lúc thôi nhưng cũng đủ cho chúng tôi thành trâu rồi, bực quá tôi gọi tay xã đội trưởng ra hỏi xem có biết xe nào không cho đi nhờ cho nhanh, tay quan xã nhanh chóng quay vào bốc điện thoại gọi một hồi, rồi hớn hở quay ra nói có xe, anh chờ chút xe trong lâm trường ra, đó là một lâm trường cung cấp gỗ trụ mỏ…
Từ xa thấy một con “cá mập” Hiace 16 chỗ chạy tới như trái hoả tiễn vì sau đít nó bụi đỏ cuồn cuộn.
Ái chà, bảnh tỏn rồi… anh em tôi hý hửng phen này được ngồi chuyên cơ mặt đất, ngày đó đầu thập niên 90 loại xe này đúng là ngang “rôn roi” bây giờ mất, chúng tôi hôm nào thay vì cưỡi trâu đi họp mà được cưỡi con Nát như tương (Latvia loại xe chở người của Nga) là ngon lắm rồi, ngồi vểnh mõm ngậm ba số năm bao dẹt màu vàng vàng (dân buôn cho chứ lính có mà bán cả máu đi cũng chả mua được) nhả khói, có lon bia cọp vàng của Thái mà uống nữa thì chắc mao trạch đông cũng chỉ sướng đến thế này thôi chứ sao hơn đc nữa…
Nhưng… chúng tôi vẫy muốn bay cả nhẫn nó vẫn chần chừ định dừng xong vọt luôn, anh em gào ầm gọi quan xã, quan xã xách xe honda chaly cúc cu ra đuổi xịt khói mới được chúng tôi chạy theo sau hòa vào đám bụi chưa kịp ướt dưới đường, phải nói là đường ở Cam bụi đỏ xốp xốp có chỗ dày cả mấy phân, tôi không nói ngoa vì nắng đất khô nẻ, bụi bám rồi ào trận mưa bóng mây là thành trâu cày nhà cửa, xe cộ, cây cối đến thằng người toàn màu đỏ, cả những con chó cũng hung hung đỏ hết…
Rồi xe cũng dừng, chúng tôi chạy tới hết cả hơi cuối cùng cũng tới xe, mở cửa leo lên… úi trời, Amen… đúng siêu xe, mát lạnh, không như Nát như tương xe Nga ngố chỉ có máy nóng… xe thơm phức. Chưa kịp vui thì đã chùng xuống, rồi… siêu xe thì toàn quý sờ tộc chứ làm gì có dân cày như bọn tôi ở trên…
Xe thơm, mát lạnh, máy êm ru, xe cũng êm ru… mà người thấy sao “lạnh lùng xa cách” quá, còn có cả “hót gơn” chân không biết có dài không nữa, nhưng mặt thì “hót” cả xẻng luôn, nước hoa thơm phức, còn có cả nhạc Xuân Hồng nữa…” cao cao bên cửa sổ có hai người cao cao… đường phố ơi hãy yên lặng để hai người cao cao…”
Trên xe có 6 người cả lái xe, ai cũng sạch sẽ trắng trẻo béo tốt và sang trọng, có hai cô trẻ thì khỏi nói rồi, ngồi cuối xe đuôi xe vẩy xóc chồm chồm như phi ngựa chúng tôi vẫn thấy mùi thơm của các cô, một chị giừ hơn chút ngồi giữa xe gần chúng tôi, có một tay tướng tá nhất béo tốt nói phét liên tục đủ thứ huyên thuyên, gáy nhặng xị vì có gái mà, rồi quay ra hỏi Pun Tha (là anh bạn Cam đi cùng chúng tôi) bằng tiếng Cam là đi đâu, Puntha run run trình bày tay này khinh khỉnh nhìn chúng tôi không thèm nói gì, rồi ngâm nga một câu của lính hay nói, Ai về thưa với Quân khu, lính không đảo ngũ là lính ngu hơn bò… rồi cười hô hố… cả xe cười theo, ý anh ấy nói chúng tôi lý do lý trấu thôi chứ chắc đảo ngũ trốn đi chơi chứ công với việc gì mấy thằng bẩn hơn bọn chăn bò này…
Tôi đỏ bừng mặt nhưng không nói gì.
Rồi anh ấy huyên thuyên đủ thứ chuyện tiếu lâm về lính, chuyện tào lao của mấy thằng lính mất dạy khôn lỏi, rồi vỗ ngực tao sĩ quan cao cấp chuyển ngành đây, lính mãi lạ gì… toàn chuyện tào lao giẻ rách bôi bác lính.
Ban đầu cả xe cười vì sự pha trò vô duyên của anh ấy, xong thấy chúng tôi im lặng không nói gì thì mấy người kia có vẻ hơi ngại, trừ anh này chắc là “sếp” vẫn nhơn nhơn như chó liếm thớt.
Chị đứng tuổi quay xuống hỏi chúng tôi qua đây lâu chưa, làm gì…
Chưa kịp trả lời thì anh kia giọng kể cả dạy bảo chúng tôi, về “bên này thế này, bên này thế kia… không như ở mình đâu” rồi còn dạy chúng tôi lúc oánh nhau phải thế nào nữa, rồi dạy chúng tôi tiếng khơ me, sơ đuôi sơ điếc toàn từ mất dạy tục tĩu… chắc thấy mặt chúng tôi ngu quá.
Thôi, anh em bấm nhau kệ, cố chịu vì xe đi nhanh êm nữa, vì công việc vậy.
Rồi xe dừng ăn cơm, những quán cơm tù y như ở ta hồi xưa, họ xuống xe chúng tôi không ăn nhưng cũng xuống vì ngồi trong xe có mà chết ung vì nóng.
Xuống xe rồi mới xấu hổ vì bộ dạng của mình với họ, chúng tôi đúng như những con trâu cày, bẩn thỉu nhem nhuốc, họ không mời chúng tôi ăn cơm chỉ có chị đứng tuổi nói vào ăn cơm với chị, nhưng tôi không buồn mà sững người vì tay sếp kia phun một tràng tiếng lóng “lất cá lý vá lẩn cả lận thạ nha haha…” may tiếng này chỉ tôi hiểu chứ mấy thằng hung thần đi cùng không hiểu, chứ nó hiểu thì tôi thề tay này no đòn khỏi cần ăn cơm, răng môi lẫn lộn là cái chắc, vì sau đó khi tôi dịch câu tiếng lóng cho chúng nghe, thằng nào cũng đỏ bừng mặt răng nghiến chặt mắt đỏ hoe.
Lúc đó, nghe anh sếp đó nói nói thật tôi sững người phải quay đi nheo mắt lại để khỏi chảy nước mắt, một sự sỉ nhục với những thằng lính khốn khổ như chúng tôi lúc đó, nó cay đắng và in hằn trong tâm trí tôi rất lâu, đó là lý do tôi không tha thứ cho anh ấy sau này…
Nhưng mọi sự chưa dừng lại…
Chúng tôi ngồi vất vưởng chờ họ ăn cơm trên những cái ghế phía ngoài.
Rồi họ ra sau cả gần hai tiếng đồng hồ mặt ai cũng đỏ gay, tới lúc ra cửa xe, anh sếp hỏi chúng tôi một câu sau khi lái xe lên xe nổ máy chờ…
Nãy có thằng nào nhặt tiền anh rơi trên xe không?
Tôi biết anh ấy không nói đùa.
Chúng tôi ngớ người trình bày chúng em xuống xe hết mà.
Nhưng chúng mày đi sau thì tao hỏi thế, mât tiền thì tao phải hỏi chứ.
Vừa xỉa răng anh vừa nhìn chúng tôi bằng cặp mắt lừ lừ với khuôn mặt đỏ gay cái bụng như chửa tám tháng…
Dạ thôi, chúng em xin phép anh chị vì có xe rồi, cảm ơn anh chị cho đi nhờ ạ.
Tôi nói mà giọng muốn nghẹn đi.
Rồi chúng tôi cũng vẫy được xe chở khách ngang qua, ngồi trên xe mà tôi thấy đầu óc trống rỗng vì buồn.
Tới cầu 36 tôi thấy lại thấy chiếc xe đó đang đỗ trong một chành chở hàng, đây là bến cho những xe chở hàng trung chuyển hàng hóa, chẳng hiểu họ đỗ đó làm gì.
Thôi kệ họ.
Thế rồi hơn hai tháng sau, tôi nhớ lúc đó gần tết, một hôm khi công chuyện về ghé qua đồn quân cảnh tuần biên Cây me, tôi lại thấy chiếc xe đó, đang rảnh rỗi tôi ghé qua hỏi anh bạn phó đồn Sun Thi, xe ông nào thế. Sunthi hớn hở bảo đang điện cho các anh đây sao anh tới nhanh vậy?
Tôi nói, đang đi công chuyện tiện ghé chứ có biết gì đâu…
Sunthi thì thào với tôi, xe ông bự chở hàng chống lệnh tuần biên tông vào chân người bỏ đi, lúc bắt ổng rút súng dọa bắn còn nói xe của Cục.
Ui thế à… oan gia ngõ hẹp rồi Bưởi ơi, mày hả bưởi.
Rồi rất nhanh, cục xịn lập tức xuống áp tải “cục shit” về đại bản doanh.
Vâng, lại là anh ấy và một cô đẹp với chị đứng tuổi thêm hai người khác nữa chứ không phải mấy người kia, ai cũng mặt mũi bịt kín đeo kính đen to, nước hoa thơm phức…
Thấy chúng tôi hai người lạ kia quay đi không thèm nói gì, còn khi thấy thằng T lính tôi đi qua thì lại chạy theo giả lả trình bày gì đó. T trợn mắt chỉ hai anh em tôi nói gì đó, ngay lập tức họ chạy quay qua chỗ chúng tôi trình bày, hóa ra họ là dân Cam… Tôi biết sao lúc trước họ không thèm nhìn chúng tôi, vì trông chúng tôi như hai thằng bả gà trộm chó, lại không thấy bao súng ngắn ở hông, với dân Cam thì cứ ai đeo súng ngắn thì đích thị là “lục thum”… ối giời ơi… vui rồi.
Vào phòng anh em chúng tôi cởi áo, hai súng trên thêm khẩu nữa trong quần, ba súng thì đủ làm “cụ thum” chưa. Tay này nhận ra bọn tôi mặt đang từ đỏ gay hùng hổ chợt tái mét xanh như chàm đổ, biết gặp hàng hịn rồi, cô đẹp đẹp đi cùng kia mới thực sự là rắn độc, cô ta đưa mắt lúng liếng với bọn tôi từ ngay lúc mới thấy… nhưng tôi không nói gì, mấy anh em cũng chả ai nói gì.
Hóa ra anh ấy đúng là sếp thật, “chiên gia” sang công tác cặp kè với cô kia đi buôn lậu, do hôm cho chúng tôi đi nhờ anh sếp thì đang mờ mắt vì nhồn, không để ý chúng tôi, còn cô kia có vài lần thấy Puntha mặc quân phục, nên cô ta “nhảy số” rất nhanh, vào ăn cơm thổi tai, giật dây anh sếp bảo bị rơi tiền và đổ cho chúng tôi lấy để tiễn vong, lúc sau còn đóng hàng ở chành đầu cầu 36…
Ghê xật, ra gì đấy… ?
Rồi “cốp số” thôi, can nhiều tội hay ít tôi không quan tâm đó là việc của bên điều tra, còn cái tội giở mác quân đội Việt Nam làm bậy, khè người ta, rút súng dọa ruồi nữa, quan trọng là với tôi “tội” nặng nhất là sỉ nhục những người lính khố rách áo ôm như tôi, và sĩ gái, ngu gái…
Không có những thằng lính quèn khốn khổ như chúng tôi không biết anh ấy có được “bệ vệ, khệnh khạng” thế không, thật vô ơn và vô sỉ.
Tôi thì nhớ lâu nhưng không thù dai, nhưng mấy anh em tôi nó khác.
Trước khi chúng chuyển mấy anh chị đó đi cho bộ phận khác xử lý, thì nửa tháng trời tôi thấy cặp uyên ương cóc nhái đó múc shit tưới mấy luống rau chết rét của chúng tôi trồng mãi nửa năm chả thấy lên, nắng như lửa thì củi cũng chả sống nổi nói gì rau, rồi cuốc đất, phát cỏ, chặt cây làm hàng rào, thậm chí chuyển phân bò cho dân nữa, hẳn là bà con Cam những ngày đó rất cảm động vì sự “gần gũi và quan tâm tới dân Cam” của một lục thum thứ thiệt Việt Nam lắm.
Tôi thường mắc võng nằm lim dim xem những công dân mẫu mực bốc shit bò bằng tay, và hòa shit người ra bón rau thối um cả khu lên, giữa trưa nắng như đổ lửa, trong sự hả hê của kẻ tiểu nhân hèn mọn như kiểu đấu tố địa chủ ngày xưa, thấy mình cũng bẩn tính khi cười trên nỗi đau của người khác, nhưng thôi lao động là vinh quang mà, như vậy nhân văn chán.
… Bạn đang đọc truyện Chuyện đời lính tại nguồn: http://bimdep.vip/chuyen-doi-linh/
Ở nơi này có nhiều những địa danh mà khi nhắc lại nhiều cựu binh dù đã rời xa hơn 40 năm, buông súng trở về đời rồi vẫn không khỏi giật mình thảng thốt và bàng hoàng vì tính khốc liệt tới khủng khiếp của những nơi đó.
Ở nơi đó, những ngày xưa… sự sống chết của những người lính chỉ được tính bằng mỗi sáng khi mở mắt thức dậy là biết ta còn sống thêm được một ngày nữa, hay mỗi tiếng đồng hồ trôi qua, hay thậm chí là từng giây phút… cái chết có thể đến bất cứ lúc nào với những người lính, như một cơn gió thoảng, hay khoảnh khắc chợt nắng rồi chợt mưa của Sài Gòn hoa lệ.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro