Phần 3
2024-08-02 14:40:37
Tôi bỏ đi ra bãi. Bến Gỗ không còn ai. Tôi một mình vác củi chất vào từng thước khối theo những cây cọc, Bảy Súp đã đóng sẵn từ trước. Hôm nay, anh lại theo xe ra chợ lấy hàng.
Tấm gương chí thú làm ăn, suốt ngày quần quật ở cái chốn này của Bảy Súp, tôi khâm phục anh và cố noi theo. Khi người ta ở dưới tận cùng, mới thấy ý chí vươn lên mạnh mẽ thế nào. Ngoi đầu nơi hoang lâm chướng khí, tôi vẫn chưa định hình được con đường tương lai cụ thể sẽ ra sao. Cứ đi, tất tìm ra lối, đường đi do mình. Câu chuyện đời anh, cũng là một phần xót xa, khắc nghiệt của cuộc sống.
Sư phụ của anh có một mụn con gái duy nhất, Tạ Huê Phụng. Theo cách diễn tả của Bảy Súp, sư muội Tạ Huê Phụng là cô gái lai mang hai dòng máu, cha người gốc Hoa và mẹ người Việt, xinh xắn vô cùng. Khi đang kể, anh ngưng lại. Nhìn dáng vẻ của anh lúc đó, tôi hiểu anh đang nhớ mối tình đầu đẹp trong ngần. Có lẽ anh đã phải trải qua nỗi buồn vô hạn, tình đầu thường hay dang dở và ray rứt mãi không thôi.
Tôi châm điếu thuốc, đưa qua cho anh, không nói một lời. Trầm ngâm, anh rít một hơi thật dài, cháy tàn quá phân nửa điếu, khói bay mịt mù. Anh nhìn vào khoảng không gian mờ ảo đó, chợt thốt:
– Phụng là cô gái rất đáng yêu… mà cũng đáng thương.
Hồi đó, tình cảm của Phụng dành cho anh khác biệt so với các sư huynh đồng môn khác. Cô thiếu nữ bị hớp hồn bởi sự chăm chỉ rèn luyện võ thuật, gọn gàng ngăn nắp đi cùng gương mặt buồn buồn của chàng thanh niên tuổi mới lớn. Anh làm hết tất cả các việc dọn dẹp mà những người khác chê, không phải vì anh nhỏ tuổi nhất hay vai vế thấp nhất trong đám anh em đồng môn.
Vốn được cưng chiều, thêm phần cá tính hiếu động, Huê Phụng chạy nhảy, trêu chọc tất cả huynh đệ không chừa một ai. Tên thật của anh là Nghĩa, Trần Hiếu Nghĩa, luôn bị cô bé réo gọi nhiều nhất.
– Anh Nghĩa pha trà giùm Phụng đi.
– Anh Nghĩa dọn cái ghế giùm Phụng đi.
– Anh Nghĩa ơi, cây chổi đâu Phụng tìm không thấy?
– Anh Nghĩa nhớ nhắc em kêu người ta vá lại đồng quần áo bị đứt chỉ.
Còn nhiều, nhiều lắm… Hình như ngày nào không kêu tên anh, Huê Phụng sẽ ăn cơm không vô. Nhiều lần thấy con gái mình vô duyên vô cớ bắt đứa học trò mà ông thương mến, sư phụ anh la rầy con gái:
– Con đó, được cưng quá nên hư. Không tự mình làm cứ suốt ngày nhờ vả anh với người này người khác.
Những lúc như vậy, cô nàng thường bĩu môi phụng phịu với cha:
– Anh em đồng môn tương trợ nhau chứ đâu phải con không biết làm.
Đến khi thấy ánh mặt buồn phiền của ông, cô con gái cưng này mới thôi lý sự và chạy tót đi trốn.
Nhiều hôm Huê Phụng đi đâu đó vắng nhà, thiếu tiếng gọi của cô, không khí trong võ đường yên tĩnh hơn và anh cũng thấy thiếu thiếu thứ thân quen. Buồn man mác.
Tình cảm của sư muội dành cho anh dần lớn lên lúc nào không hay. Lâu lâu cô nàng dúi vào tay anh một cái bánh bò, cái bánh tiêu, có khi bịch chè, vài cục kẹo, thay cho lời cảm ơn sự giúp đỡ của anh. Trong vô số món đó, anh thích nhất há cảo.
Anh đang ngồi nơi bộ bàn ghế đặt ở khoảng sân giữa võ đường. Lúc ban chiều sư phụ kêu anh đi công việc ra bên ngoài. Đến tối mới về võ đường, đã quá giờ cơm tối, mọi người ăn xong xuôi. Thường ngày, khi vắng một ai, luôn có phần để dành lại. Rủi thay ngày hôm đó, nồi cơm nấu bị sống một phần, không thể ăn được. Không đủ phần dư để lại cho anh. Ăn tạm chén canh lót dạ, đói không ngủ được, anh ra ngoài sân suy nghĩ mông lung.
– Cho anh nè!
Một tô đồ ăn thơm phưng phức ngay trước mặt anh. Chưa kịp nhận ra món gì, cô sư muội nhí nhảnh tiết lộ:
– Anh ăn liền cho nóng.
– Món gì?
Giơ tay ra vịn mép bàn, vô tình thành ra cầm tay cô bé, Huê Phụng bối rối rụt lại, kéo bàn tay anh theo. Đụng vào bên ngực, mắc cỡ với va chạm đầu đời, cô bé vội bỏ chạy.
– Há… cảo…
Hiện giờ, đối với anh, há cảo là món ăn ngon nhất trên đời.
Tôi chợt nghĩ, nếu có chút khiếu văn chương, tôi sẽ viết lại chuyện tình, chuyện đời của anh. Một thằng khuân bê, bốc vác ở Bến Gỗ lại mộng mơ thành nhà văn, chỉ duy nhất mình tôi…
Tôi làm mãi đến xế chiều. Khô cổ, khát nước, mồ hôi đầm lưng áo. Trời đứng gió, oi nồng. Muốn vào quán để uống ly nước đá, nhưng nghĩ lại thái độ khó chịu của chị Bảy, tôi ngại. Tôi đi thẳng về lều của mình.
Đã bao nhiêu đêm, tôi nằm trăn trở trong lều. Nghe chim đớp muỗi vỗ cánh chạm xạc xào trong khóm lá ngoài kia. Nghe tiếng dơi chí choé cắn nhau giành chỗ đậu. Thấm thía nhất là tiếng vạc kêu sương, rớt xuống tự trên lưng chừng trời. Não nề vô hạn. Dường như trong tịch mịch lặng im, tiếng vạc lẻ loi, làm tôi thấy rõ hơn về nỗi quạnh hiu của lòng mình.
Những đêm trăng tỏ, tôi thường đứng trông ra Bến Gỗ. Những khối củi mập mờ nhìn từ xa, giống như những chiếc xe tăng đang lổn nhổn tiến về phía bìa rừng. Bồi hồi nhớ lại thời còn chiến tranh. Nơi đây từng hứng chịu bom đạn, bão lửa hải hùng. Cuộc chiến đi qua đã rất lâu, nhưng Cao Thạch vẫn trầm mình đúng với chốn rừng thiêng nước độc.
Từ một vết hằn trong đời, tôi tựa hồ ngã gục không chốn nương thân. Tôi về Cao Thạch như người xưa bất đắc chí, quay về ở ẩn. Nhưng, sao bất cứ nơi nào, tôi cũng thấy bi đát. Hoàn cảnh một cô Mỹ trưa nay, cũng làm tôi suy nghĩ. Tôi có hơn gì cô đâu. Đời đã lâm vào thế bí. Trở lui không được, tiến tới không xong…
Đêm đã khuya. Sương xuống lạnh màu trăng. Hình như có tiếng chân ai dẫm lên những phiến lá khô phía bên ngoài. Tôi nhỏm dậy. Một người vừa bước đến ngay trước cửa lều.
Tôi ngạc nhiên:
– Chị Bảy, có gì gấp mà giờ này ra đây?
– Cũng có chút việc.
Chị nói nhỏ giọng.
– Tôi có thể giúp chị không?
Vừa hỏi, tôi vừa vén cửa lều, đưa mặt ra ngoài. Ánh trăng non treo nghiêng ở phía bìa rừng, đẹp chi lạ.
Chị e dè ngồi xuống mép cửa:
– Anh có giận tôi không?
– Giận chuyện gì?
– Hồi trưa, tôi lỡ lời.
– Không đâu. Chị nói cũng đúng. Tôi hay rà rê với mấy cô ấy.
– Tôi biết anh làm thế, vì buồn.
– Vâng. Tán gẫu cho qua ngày.
– Nhưng anh phải lựa người chứ.
– Có tính chuyện lâu dài đâu mà chọn lựa?
– Giữa ban ngày, kề vai bá cổ với gái điếm, không sợ người ta cười sao?
– Cái thân cùng đinh mạt kiếp như tôi, còn sợ ai cười nữa?
– Thấy chướng quá, tôi có nói nặng lời. Anh buồn không?
– Tôi buồn, nhưng không phải buồn chị.
Chị ngó tôi, cười cười:
– Buồn ai?
– Buồn vì… buồn. Thế thôi.
Tôi ngập ngừng lúng túng. Cảm giác có điều gì bất thường.
– Buồn vì cô đơn hả?
Con mắt chị liếc nhẹ, gợi tình thì thôi.
Dưới ánh trăng khuya nghiêng rọi vào hậu liêu, nét mặt chị Bảy có sức quyến rũ lạ lùng. Mùi xà bông chanh trên tóc, mùi đàn bà quyện vào nhau thoang thoảng. Những đêm nằm một mình trong lều, cô đơn, tôi thèm được ôm một người đàn bà. Nhưng, chưa bao giờ tôi nghĩ người ấy là chị Bảy.
– Nói đi. Có phải buồn vì cô đơn?
Chị lẳng lơ nhìn tôi, và đưa tay vén mớ tóc giạt qua một bên cổ. Bộ ngực vun đầy của chị phập phồng dưới lớp áo mỏng.
Tôi chống đỡ sự quyến rũ một cách yếu ớt:
– Chị Bảy ơi… còn anh Bảy Súp. Sao tôi dám…
Nói thế, nhưng hình ảnh Bảy Súp đã mờ nhạt trong trí tôi rồi. Chị nói:
– Ảnh đi ra chợ. Anh cũng biết mà.
Hơi hướm từ cổ chị Bảy phả vào mũi tôi, cám dỗ. Và tôi cũng nghe rõ cả hơi thở hồi hộp của mình nữa.
Có tiếng côn trùng đều đều, ru ngủ.
Ngọn đèn lương tâm leo lét sắp tắt rồi. Tôi cố lấy lại bình tĩnh, muốn lao ra khỏi lều, bất lực, chị Bảy vẫn ngồi ngay chốn lối ngay cửa lều.
Tôi gọi, vừa tha thiết, vừa khước từ:
– Chị Bảy ơi… về đi. Lỡ có người trông thấy thì… chết.
– Có ai ngoài anh với tôi… đâu mà sợ…
Ánh mắt lả lơi của chị Bảy, đã đốt cháy rụi sợi chỉ ranh giới chịu đựng mong manh của tôi. Tội nghiệp chị hay tội nghiệp cho chính tôi. Tôi quay lại ôm lấy cái thân thể chín muồi dục vọng, ngã người nằm xuống, âu yếm. Đời có ra sao thì ra.
Bạn đang đọc truyện trên: BimDep.Pro